Giáo dục chuyển động cùng số hóa

Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được xác định là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiệm vụ chính của ngành giáo dục là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trên thực tế để thực hiện được các 'nhiệm vụ' này, còn rất nhiều thách thức...

Sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) học tập trực tuyến. Ảnh: QUANG ANH

Sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) học tập trực tuyến. Ảnh: QUANG ANH

Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được xác định là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiệm vụ chính của ngành giáo dục là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trên thực tế để thực hiện được các "nhiệm vụ" này, còn rất nhiều thách thức...

Thách thức của ngành giáo dục

Với quy mô hơn 53 nghìn cơ sở GD&ĐT, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành giáo dục xác định thực hiện tốt CĐS sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình CĐS quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Ngành giáo dục rất quan tâm việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng CĐS để trở thành công dân toàn cầu. Chính vì vậy, CĐS được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Lãnh đạo ngành giáo dục cũng xác định, CĐS có ảnh hưởng và tác động vô cùng lớn đối với GD&ĐT, dựa trên công nghệ số việc dạy - học sẽ được triển khai một cách khoa học hơn, hiệu quả hơn. Các hoạt động dạy - học không chỉ bó hẹp ở không gian lớp học truyền thống mà có thể học mọi lúc, mọi nơi qua môi trường số.

Tuy thế, các chuyên gia cũng cho rằng, còn khá nhiều việc cần phải làm. Đầu tiên cần có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để từng tập thể, cá nhân, mỗi giáo viên, học sinh có thể tham gia và hoạt động hiệu quả. Trên nền tảng đó sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng kho tài nguyên học tập số, qua đó, công tác quản lý, hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy, chia sẻ tri thức trở nên hiệu quả, thiết thực. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin (CNTT), các phần mềm hiện đại, rất nhiều hoạt động giáo dục truyền thống sẽ dần dần được thay bởi phần mềm, công nghệ mô phỏng... Kết nối giáo dục sẽ được mở rộng không chỉ trong nước mà tới toàn cầu. Việt Nam muốn đi xa, đi một cách chắc chắn trên con đường phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0), thì phải trang bị tốt kỹ năng về CĐS một cách căn cơ cho từng cấp bậc học.

Thời gian qua, để xây dựng một đội ngũ nhân lực thực hiện CĐS trực tiếp và gián tiếp, một số trường đại học đã rà soát để mở các mã ngành mới, đào tạo đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Bộ GD&ĐT cũng làm việc với một số trường đại học trong nước và quốc tế tại Việt Nam để thúc đẩy việc phát triển nhân lực CĐS. Mục tiêu của ngành là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về CĐS trong GD&ĐT. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu CĐS quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt những yêu cầu của thời đại mới.

Kho học liệu online tạo điều kiện thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập.

Được triển khai từ năm 2018, đến nay, Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa" đã bước đầu xây dựng được nền tảng số trong các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, bưu chính,… Đề án đã tạo nền tảng kết nối cộng đồng, chia sẻ dữ liệu, cùng triển khai các hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội, góp phần đẩy nhanh công cuộc CĐS ở nước ta.

Bước đầu tạo sự đổi thay

Nhấn mạnh tầm quan trọng của CĐS trong giáo dục, TS Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết: CĐS là việc nhà trường đổi mới mô hình tổ chức giảng dạy và quản lý, giáo viên đổi mới nội dung và cách dạy dựa trên bài học điện tử, học sinh được học chủ động hơn, trải nghiệm nhiều hơn qua tương tác trên môi trường số, từ đó nắm bắt kiến thức dễ hơn và chất lượng giáo dục được nâng cao hơn. Nhờ có học liệu số và môi trường học tập số mà mô hình, cách thức dạy học được đổi mới theo hướng hiệu quả hơn.

Từ thời điểm "Chương trình CĐS quốc gia" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 6-2020) đến nay đã gần một năm. Suốt khoảng thời gian này, tuy chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, "giãn cách xã hội", song ngành giáo dục đã số hóa cơ sở dữ liệu ngành và gắn mã định danh cho 53 nghìn trường học, hồ sơ của 24 triệu học sinh và 1,4 triệu giáo viên. Cơ sở dữ liệu này đã giúp ngành giáo dục quản lý và ban hành những chính sách vĩ mô rất hiệu quả.

Để thúc đẩy số hóa trong các hoạt động liên quan đến giáo dục, Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết Chương trình hợp tác triển khai Chương trình CĐS quốc gia. Theo đó, hai bộ sẽ cùng các doanh nghiệp số phát triển các nền tảng số dùng chung trong giáo dục; huy động các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ các nhà trường, giáo viên và học sinh những điều kiện để triển khai CĐS như: đường truyền internet, phần mềm quản lý, phần mềm dạy học trực tuyến, trang thiết bị đầu cuối,… Các cơ sở dữ liệu toàn quốc về GD&ĐT sẽ được hoàn chỉnh đầy đủ phục vụ công tác phân tích, dự báo và ra chính sách quản lý ngành; kho học liệu số, học liệu mở được xây dựng đầy đủ nội dung theo chương trình giáo dục của tất cả các môn học. Tất nhiên, đây là những nội dung triển khai trong tương lai, để thực hiện được cũng còn không ít khó khăn.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục và công nghệ, khó khăn cần vượt qua trong giai đoạn tới sẽ không chỉ là việc đầu tư vào công nghệ và hạ tầng cơ sở mà còn phải giải được bài toán về nguồn nhân lực. "Khó khăn nhất trong quá trình CĐS giáo dục chính là vấn đề con người. Việc thay đổi tư duy của cán bộ quản lý lẫn phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, giảng viên là điều không hề dễ dàng. Con người phải thay đổi để thích nghi thì CĐS mới thành công. Bởi lẽ, giờ đây học sinh, sinh viên có quá nhiều kênh thông tin, tài liệu. Người thầy cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang biết chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, giáo án; đặc biệt phải làm sao cá thể hóa tới từng học sinh", Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phân tích.

Hiện ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ để ứng dụng các nền tảng số, huy động cộng đồng chung tay, đóng góp cho ngành giáo dục. Trong đó, nền tảng inhandao.vn được hình thành để huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, tài trợ cho những học sinh, giáo viên, nhà trường còn khó khăn trong tổ chức dạy học. Ngành giáo dục cũng đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ bậc mầm non đến phổ thông, trong đó không chỉ dừng lại ở những kỹ năng sử dụng, kiến thức công nghệ mà hướng đến phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ. Về phía các trường đại học, cùng với nỗ lực số hóa trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thì việc hướng đến đào tạo nhân lực đáp ứng CĐS cũng đã được chú trọng và đưa vào kế hoạch thực hiện.

HẠ AN

Tổ chức chuyên đề: LƯU HƯƠNG, KHÚC HỒNG THIỆN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/giao-duc-chuyen-dong-cung-so-hoa-641549/