Giáo dục đại học: chất lượng đào tạo không theo kịp quy mô

( - Chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) chưa đáp ứng được yêu cầu; hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư cho GDĐH còn hạn chế; việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ và mở ngành đào tạo còn nhiều bất cập... là những hạn chế được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra trong báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với GDDH”.

Chiều 16/4, (UBTVQH) đã thảo luận về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (GDDH)”. Quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo Một trong những hạn chế bất cập được nêu ra trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo chất lượng giáo dục là quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo. “Trong thời gian qua, quy mô đào tạo ĐH, CĐ tăng quá nhanh, không tương xứng với sự phát triển đội ngũ giảng viên (GV), khả năng đầu tư và cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo.” – ông Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng nói. Điều này được thể hiện rõ qua những con số được đưa ra trong báo cáo giám sát của UBTVQH. Đó là, từ năm 1987 đến năm 2009, số sinh viên (SV) cả nước tăng 13 lần, nhưng số GV chỉ tăng 3 lần, do đó tỷ lệ SV/GV quá cao so với quy định (trong năm học 2008 - 2009 là 28 SV/GV). Thậm chí theo kết quả khảo sát của Đoàn giám sát tại một số trường thì tỷ lệ còn đạt mức 40 SV/GV, nếu tính cả SV hệ vừa học vừa làm (tại chức), từ xa, liên kết, liên thông, văn bằng 2. Ở các trường ngoài công lập, số GV cơ hữu thường thấp hơn số GV thỉnh giảng. Ở không ít trường, số GV thỉnh giảng gấp 2 lần số GV cơ hữu; cá biệt có trường chỉ có 53 GV cơ hữu, trong khi số GV thỉnh giảng là 375 (Trường ĐH DL Đông Đô). Thậm chí “Nhiều giáo viên dạy tới 1000 tiết/năm trong khi quy định là 260 tiết/năm, có những trường ngoài công lập trả lương GV cơ hữu theo giờ giảng và quan niệm GV dạy càng nhiều giờ càng tốt” – ông Đào Trọng Thi cho biết. Một con số nữa thể hiện quy mô giáo dục đại học vượt xa năng lực giáo dục nữa được ra là về cơ cấu đội ngũ GV, trong tổng số 61.190 GV ĐH, CĐ, mới có 6.217 TS (10,16%), 22.831 ThS ( 37,31%) và 2.286 GS, PGS (3,74%); trong khi mục tiêu trong Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 đặt ra là đến năm 2015 phải có ít nhất 50% GV trình độ TS ở bậc ĐH. UBTVQH cũng thẳng thắn chỉ ra: do chú trọng phát triển quy mô đào tạo nên GDĐH nước ta chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng đầu vào của SV các trường. Để trở thành SV ĐH, nhiều thí sinh chỉ cần đạt trên dưới 13, 14 điểm (điểm sàn), tức là mỗi môn thi chỉ cần đạt từ 4,3 điểm đến 4,7 điểm/10, trong khi đề thi tuyển sinh không nằm ngoài chương trình phổ thông. Thêm vào đó, việc chấp hành quy chế tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ nhiều khi chưa nghiêm túc. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng trong nhiều trường hợp việc giao chỉ tiêu tuyển sinh tỏ ra không nghiêm, nhất là đối với các trường ngoài công lập thường có đội ngũ GV cơ hữu mỏng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Một số trường ĐH mở nhiều cấp học, từ trung cấp đến sau ĐH, trong khi Luật Giáo dục chỉ cho phép các trường ĐH đào tạo các cấp học từ CĐ trở lên, nhưng Bộ GD&ĐT chưa xử lý trường hợp nào. Đồng tình với các đánh giá trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, cần xem xét lại Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đã hợp lý, phúc đáp được đòi hỏi của xã hội hay chưa? Bởi thực tế, việc cho phép thành lập mới các trường đại học, cao đẳng có phần dễ dãi, trong khi, điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giáo viên không bảo đảm đã khiến chất lượng đào tạo thấp. Ngoài ra, các mặt hạn chế khác như: nội dung, phương pháp đào tạo và công tác quản lý GDĐH chậm đổi mới; chưa có sự gắn kết giữa đơn vị đào tạo và cơ quan sử dụng lao động; hoạt động kiểm định chất lượng mới bắt đầu mang tính chất thử nghiệm nên chưa phát huy được hiệu quả... cũng được UBTVQH chỉ ra. “Chất lượng đào tạo đại trà của sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.” – ông Thi chốt lại. Phân bổ kinh phí cho giáo dục vẫn mang tính bình quân Tại phiên họp, các đại biểu đều đồng tình rằng: trong những năm qua, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư cho giáo dục liên tục tăng và giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó có GDĐH. Từ năm 1998 – 2009, trong điều kiện tài chính còn hạn hẹp, Nhà nước vẫn quyết định tăng dần mức đầu tư cho GD&ĐT từ mức hơn 10% lên 20% tổng chi NSNN. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong các năm từ 1998 - 2004 và giai đoạn 2005-2009 chi cho GD&ĐT thuộc nhóm chi tăng cao nhất. Bên cạnh nguồn đầu tư trực tiếp theo cơ cấu NSNN, ngành GD&ĐT còn được phân bổ thêm từ nguồn chi NSNN dành cho lĩnh vực khoa học và công nghệ để tăng cường cơ sở vật chất các đơn vị nghiên cứu khoa học (NCKH), phòng thí nghiệm trọng điểm nằm trong cơ sở GDĐH và triển khai các đề tài NCKH cấp nhà nước, cấp ngành. Nguồn NSNN đầu tư cho GDĐH còn được bổ sung một phần đáng kể nhờ chính sách tín dụng đối vơíSV. Tuy nhiên, Đoàn giám sát vẫn đánh giá NSNN và nguồn thu từ học phí chưa bảo đảm được yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng GDĐH. Đồng thời phương thức phân bổ kinh phí cho giáo dục đại học mang tính bình quân, dàn trải và có nhiều bất hợp lý, không gắn với chất lượng đào tạo. Lí do được đưa ra là tuy Nhà nước đã quan tâm ưu tiên đầu tư cho GD&ĐT, tỷ trọng đầu tư từ NSNN dành cho GD&ĐT là không nhỏ, nhưng vì trình độ phát triển kinh tế của nước ta còn thấp nên giá trị tuyệt đối chi cho GDĐH cũng thấp, trong khi quy mô đào tạo tăng nhanh, cơ sở vật chất của ngành giáo dục thiếu thốn, lạc hậu, đời sống của GV và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều khó khăn. Vì vậy, NSNN và cả nguồn thu từ học phí cũng chưa bảo đảm được yêu cầu nâng cao chất lượng cho các cơ sở GDĐH công lập. Bên cạnh đó theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, ở các trường ĐH, CĐ công lập trực thuộc địa phương, và các trường sư phạm, văn hóa, nghệ thuật, kinh phí chi hoạt động nghiệp vụ phục vụ giảng dạy chỉ chiếm từ 8,4% đến 13,4%. Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu về chi tiêu tài chính của ngành giáo dục, để đáp ứng yêu cầu tối thiểu, nhằm đạt mức chất lượng đào tạo trung bình, thì tỷ trọng chi cho hoạt động nghiệp vụ giảng dạy, học tập của khối đào tạo phải là 50%. Từ thực tế trên Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ thực hiện chính sách đầu tư NSNN có trọng điểm theo kế hoạch trung và dài hạn để hình thành một số trường ĐH có chất lượng đào tạo cao; xác định lộ trình thực hiện chế độ thu và sử dụng học phí mới đối với các trường công lập theo hướng: học phí cùng với kinh phí do Nhà nước cấp đủ bù đắp chi phí đào tạo, phù hợp với từng ngành đào tạo và tương xứng với chất lượng đào tạo; đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí đào tạo sau ĐH cho các cơ sở GDĐH theo hướng tính đủ cả chi phí tiền lương và các chi phí hoạt động thường xuyên khác; hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở GDĐH...

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=399285&co_id=30106