Giáo dục đại học làm gì để chuẩn hóa và hội nhập?

Ngày 17-8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) với chủ đề 'Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế'.

Dự hội thảo có Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ; các đại biểu nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội, đại diện đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân...

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định, trong hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được bổ sung, đổi mới. Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục đại học. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho giáo dục đại học phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng. Nhờ đó, mạng lưới các trường đại học phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, cấp bậc và ngành nghề đào tạo. Quy mô đào tạo không ngừng tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện.

Cùng với đó, giáo dục đại học đã cung cấp cho đất nước hàng triệu nhân lực có trình độ đại học, hàng vạn cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là lực lượng quan trọng, giữ vai trò nòng cốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, giáo dục đại học là một khâu then chốt quyết định đối với chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Giáo dục đại học là nơi sáng tạo ra tri thức mới, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội; đồng thời giữ vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế đất nước.

PGS, TS Phan Thanh Bình phát biểu tại hội thảo.

Với chủ đề “Giáo dục đại học- Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế”, hội thảo đã đề cập những nội dung nền tảng và những yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển giáo dục đại học nước nhà.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và các đại biểu tham dự. Phần thảo luận chuyên đề tập trung vào 3 nội dung trọng tâm: Năng lực hệ thống giáo dục đại học; tài chính đại học; quản lý nhà nước và quản trị đại học.

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ những kết quả cũng như hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam, đồng thời nêu lên những định hướng và giải pháp cho giáo dục đại học trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Cùng với thể chế hóa (sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học và các quy định liên quan) để đổi mới căn bản và toàn diện, cần phải nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; đổi mới cơ chế tài chính đại học; đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học...

Ngoài ra, hơn 70 tham luận tham gia hội thảo của các tác giả/nhóm tác giả trong và ngoài nước cũng đã đưa ra nhiều thông tin mới, hữu ích và đa dạng trong cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề của giáo dục đại học.

Tin, ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/giao-duc-dai-hoc-lam-gi-de-chuan-hoa-va-hoi-nhap-547097