Giáo dục đại học với nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới năm học 2017-2018

NDĐT- Trong năm học 2017-2018, giáo dục đại học tiếp tục đối mặt với nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở trong hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Năm học 2016-2017, toàn quốc có thêm một cơ sở đào tạo được thành lập mới trên cơ sở đã có quyết định chủ trương thành lập của Thủ tướng Chính phủ (Học viện dân tộc); 3 cơ sở đào tạo được cấp phép hoạt động và đều là các cơ sở có 100% vốn đầu tư nước ngoài là: Trường ĐH Mỹ tại Việt Nam, Trường ĐH Y khoa Tokyo, Trường ĐH Fulbright Việt Nam; một phân hiệu của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh được thành lập tại tỉnh Bến Tre.

Một số trường đại học có hồ sơ đã trình Bộ trưởng GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thành lập phân hiệu trên cơ sở tổ chức lại cơ sở 2 hoạt động từ nhiều năm nay như: Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP. Hồ Chí Minh; Phân hiệu Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam, Phân hiệu Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải tại TP. Hà Nội, Phân hiệu Học viện Kỹ thuật mật mã tại TP. Hồ Chí Minh.

Tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống hiện có 235 trường đại học, học viện, bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài. Có 37 viện NCKH được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm).

Về quy mô đào tạo, tổng quy mô sinh viên đại học của cả nước là 1.767.879 sinh viên (tăng 0,8% so với năm học 2015-2016). Riêng quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm giảm 14,3%, còn 47.800 sinh viên. Phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành thuộc Khối ngành V: Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thuỷ sản; Thú y và Khối ngành III: kinh doanh quản lý, pháp luật.

Tính từ đầu năm 2016 đến 31-7-2017, tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành: Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và hành vi, Kinh doanh quản lý, Pháp luật.

Có thể nói, hệ thống các cơ sở đào tạo trong cả nước phát triển ổn định, cần tập trung vào các điều kiện nâng cao chất lượng. Phương hướng đề ra cho năm học 2017-2018 của giáo dục đại học là tập trung đẩy mạnh tự chủ đại học, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động để tăng cường khả năng tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo cho sinh viên tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và nhu cầu dịch chuyển lao động trong khu vực.

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu giáo dục đại học tập trung là rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở Giáo dục đại học và đào tạo giáo viên. Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở Giáo dục đại học và đào tạo giáo viên trên cơ sở sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như: Công khai, minh bạch thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả đầu ra, kiểm định chất lượng giáo dục và quy chuẩn đảm bảo chất lượng để định hướng đầu tư cũng như tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở trong hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước, ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ về phân tầng, xếp hạng các trường đại học.

Liên quan đến nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới, trong năm học tới, giáo dục đại học sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học cho phù hợp với yêu cầu điều chỉnh pháp luật trong điều kiện tự chủ đại học; Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Quy hoạch mạng lưới cơ các cơ sở Giáo dục đại học và đào tạo giáo viên đến 2025, tầm nhìn 2030, Nghị định quy định tự chủ đại học để tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường, giúp cho các cơ sở đào tạo phát huy được sự năng động, sáng tạo, đổi mới của mình, và tự chủ tiến hành sắp xếp, rà soát lại cơ cấu tổ chức, tiến hành sáp nhập giải thể theo nhu cầu của thị trường và năng lực của cơ sở.

THANH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/33837302-giao-duc-dai-hoc-voi-nhiem-vu-quy-hoach-mang-luoi-nam-hoc-2017-2018.html