Giáo dục là nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới

Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới là giáo dục.

Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới là giáo dục. (Ảnh: NVCC)

Phụ nữ ngày càng được công nhận vai trò quan trọng

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Khi công bằng và bình đẳng được nâng cao, xã hội sẽ ổn định hơn. Vì vậy, cần thiết tạo ra một môi trường bình đẳng cho mọi người phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Có thể nói, phụ nữ ngày càng được công nhận đóng vai trò quan trọng trong một thế giới đầy biến động. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới đang là rào cản to lớn ngăn “một nửa thế giới” phát huy năng lực và giá trị của mình. Trong bối cảnh ấy, chính sách đối ngoại nữ quyền đang được thúc đẩy trên thế giới là một bước đi cần thiết.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia).

Trong đó, các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Kinh phí cho công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, bố trí và lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực bình đẳng giới.

Đặc biệt, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được thông qua đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình và hỗ trợ cho nạn nhân, đảm bảo quyền con người và thúc đẩy bình đẳng giới. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án đã được thực hiện tương đối nghiêm túc.

Nhìn chung, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đều có những tiến bộ so với năm 2021, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, số lượng và tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt tăng so với năm 2021 và tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Các chỉ tiêu đã đạt mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội) Lê Khánh Lương, vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác chỉ đạo, giám sát, đánh giá của cấp ủy đảng, người đứng đầu các đơn vị ở một số bộ, ngành, địa phương đối với việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới nói chung; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 nói riêng chưa được kịp thời, sát sao. Các kế hoạch triển khai thực hiện còn chung chung chưa gắn với điều kiện cụ thể của địa phương, đặc biện thiếu các giải pháp cụ thế, đồng bộ khi triến khai các mục tiêu, chỉ tiêu.

Việc người phụ nữ thiếu kỹ năng khiến cho họ không biết làm cách nào để đo lường được giới hạn của mình. (Ảnh: NVCC)

Nền tảng thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

Hiện nay, vẫn còn những rào cản và thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới. Theo nhiều chuyên gia, cần đề cao việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông và các giải pháp về chính sách pháp luật. Đồng thời, đánh thức niềm đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ cũng vô cùng cần thiết. Từ đó, từng bước xóa mờ những định kiến giới, tiến tới bình đẳng giới.

Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới của nước ta. Tại Việt Nam, có những dấu hiệu tích cực về vấn đề này, thể hiện rõ nhất ở giới trẻ.

Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, bình đẳng giới không nhất thiết điều gì đàn ông làm được thì cũng tạo điều kiện cho phụ nữ thể hiện; cũng không phải là đàn ông cần chia sẻ gánh vác hết việc nhà thay vợ.

“Tôi thích chữ ‘công bằng’ hơn bởi người chồng quá tập trung cho sự nghiệp thì cần gánh vác việc thuộc về kỹ năng hay sức vóc của đàn ông là đủ, miễn không phó mặc cho phụ nữ’, bà Tô Thụy Diễm Quyên nói.

Bà Diễm Quyên cho rằng, nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới là giáo dục. Trong đó, nam giới phải tôn trọng phụ nữ và trẻ em. Mẹ dạy con trai biết chia sẻ việc nhà, biết tự chăm sóc bản thân, không đòi hỏi chăm sóc, không gia trưởng áp đặt. Luật pháp nghiêm ngặt hơn và có đủ pháp lý bảo vệ phụ nữ. Đồng thời, giáo dục bé gái biết nói "không", biết tự bảo vệ, biết tìm kiếm sự bảo vệ và biết bênh vực bạn bè.

Bên cạnh đó, theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, đấu tranh cho nữ quyền là điều cần thiết. Tuy nhiên, giáo dục cho bé gái hiểu được những đặc quyền hợp pháp và hợp lý để các em biết tạo ra giới hạn cho bản thân là vô cùng quan trọng. Từ đó, các em sẽ biết cách bảo vệ mình quan trọng hơn chờ đợi sự hỗ trợ từ bên ngoài.

“Việc người phụ nữ thiếu kỹ năng khiến cho họ không biết làm cách nào để đo lường được giới hạn của mình. Vậy nên, người phụ nữ hãy luôn trang bị kỹ năng cho mình. Khi có kỹ năng, ta sẽ sống tốt hơn, biết tự bảo vệ chính mình. Bình đẳng giới trong gia đình đôi khi bắt đầu từ chính ý thức của người trong cuộc như thế”, bà Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh.

Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu, 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn. Bà làm việc trong lĩnh vực giáo dục 30 năm ở cả ba vai trò giáo viên, chuyên viên đào tạo và chủ doanh nghiệp giáo dục InnEdu, chuyên về STEAM.

Chuyên gia Diễm Quyên đồng thời là giảng viên của các chương trình về đổi mới sáng tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám khảo các cuộc thi giáo viên sáng tạo cấp địa phương và quốc gia. Bà từng đào tạo và tập huấn cho hơn 60 nghìn lượt lãnh đạo giáo dục và giáo viên tại hơn 40 tỉnh, thành về các kỹ năng liên quan đến STEAM, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, các phương pháp dạy học sáng tạo và tạo động lực tích cực cho học sinh.

Năm 2014, bà tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha, cũng là người Việt Nam đầu tiên được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo (Microsoft Innovative Educator Expert Fellow). Tháng 10/2020, InnEdu do bà sáng lập trở thành đối tác đào tạo toàn cầu đầu tiên của Microsoft tại Việt Nam.

Bảo Thoa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giao-duc-la-nen-tang-vung-chac-de-thuc-hien-cac-muc-tieu-quoc-gia-binh-dang-gioi-254251.html