Giáo dục lòng nhân ái: Trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối

Cho HS 'Trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối', cô Đỗ Thị Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) đã tạo cơ hội để học trò cảm nhận, chia sẻ tình yêu thương và đồng cảm với HS khiếm thị.

Cô Đỗ Thị Thủy cho HS trải nghiệm “bữa ăn trong bóng tối” để giúp các em cảm thông hơn với những bạn khiếm thị. Qua đó, trẻ khiếm thị cũng tự tin, hòa đồng hơn với các bạn may mắn hơn mình.

Cô Đỗ Thị Thủy cho HS trải nghiệm “bữa ăn trong bóng tối” để giúp các em cảm thông hơn với những bạn khiếm thị. Qua đó, trẻ khiếm thị cũng tự tin, hòa đồng hơn với các bạn may mắn hơn mình.

Yêu thương và đồng cảm

Cô Thủy trăn trở nhiều trước thực tế về sự hòa nhập chưa có chiều sâu của HS với trẻ khiếm thị. Cô mong muốn tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho HS, đặc biệt là lòng nhân ái để các em sống có trách nhiệm, biết chia sẻ và hướng tới cộng đồng.

Cái đích cần hướng tới đối với HS được cô Thủy phân tích: Các em cần được hiểu về đời sống thực tế của những bạn khiếm thị, để từ đó hiểu, các em sống có trách nhiệm với bản thân hơn, biết chia sẻ và giúp đỡ các bạn... Còn đối với HS khiếm thị, cô Thủy mong muốn các em không chỉ nhận sự giúp đỡ mà các em cũng cần hiểu thêm bạn học của mình. Hơn hết HS khiếm thị cần có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và xã hội để nỗ lực phấn đấu vươn lên. Không để các em tự giam mình, chỉ biết chia sẻ cùng trẻ đồng tật, trong thế giới riêng của người khiếm thị.

Không chỉ thông qua các tiết học đạo đức, các tiết sinh hoạt dưới cờ, các nội dung giảng dạy tích hợp, mà bằng các hoạt động trải nghiệm được tổ chức thường xuyên, học mà chơi, chơi mà học, HS thực sự hiểu được những khó khăn của các bạn khiếm thị. Hành động cụ thể được cô Thủy nêu ra với HS trong trường gồm thăm phòng ở của bạn khiếm thị trong khu nội trú, trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối.

Theo cô Thủy, lâu nay, nói đến giáo dục hòa nhập, người ta hay nghĩ đến việc trẻ khuyết tật sẽ phải cố gắng tham gia các hoạt động với trẻ bình thường để hòa nhập vào số đông. Thế nhưng, với kinh nghiệm hơn 30 năm làm nhiệm vụ giáo dục hòa nhập, cô Thủy hiểu rằng việc hòa nhập không thể có chiều sâu nếu những HS bình thường, lành lặn thờ ơ và không thấu hiểu các bạn khiếm khuyết của mình đang phải cố gắng thế nào để vượt lên số phận.

Những hoạt động đó có giá trị hơn nhiều so với những bài giảng đạo đức khô cứng. Được định hướng qua “Trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối”, các HS có sự thấu cảm với sự thiệt thòi của bạn khuyết tật, cảm phục sự tự lập của các bạn. Từ đó các HS có thêm tình yêu thương khi được chứng kiến các em nhỏ khiếm thị tuy mới học lớp 1 đã sống xa gia đình, đến ở nội trú và tự lập trong mọi sinh hoạt.

Từ đó sự trải nghiệm đó, các em đã chủ động giúp các bạn khiếm thị, chơi cùng bạn, học cùng bạn, gần gũi thân thương như anh em trong gia đình. Đối với HS khiếm thị, các em vượt qua các rào cản trong xã hội và sự tự ti do chính các em dựng lên, đồng thời khẳng định người khiếm thị có thể bình đẳng tham gia các hoạt động với người bình thường khi có sự hỗ trợ.

Học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) được giáo dục tình yêu thương và đồng cảm.

Mong muốn lan tỏa điều tốt đẹp trong xã hội

Một chùm các hoạt động đã được cô Thủy và GV trong trường tổ chức như: “Nhảy dân vũ”, “Tìm kiếm tài năng âm nhạc lần thứ nhất”, “Giải bóng đá mini”. Ai chứng kiến cũng xúc động khi nhìn thấy các em khiếm thị tự tin nhảy dân vũ cùng các bạn; thi đấu thể thao không phân biệt lành và tật một trận bóng (HS bịt mắt thi bóng đá cùng bạn khiếm thị). Trong cuộc thi âm nhạc, HS và HS khiếm thị cũng trong cùng một bảng đấu. Các em khiếm thị đón nhận tình yêu thương, đồng cảm của các bạn, các em khẳng định được giá trị của bản thân, tự tin, tin yêu những người xung quanh.

Những hoạt động đổi mới sáng tạo đó đã đem lại hiệu quả rõ rệt, có hiệu ứng xã hội lớn. Cha mẹ HS tin tưởng vào nhà trường, đồng hành cùng nhà trường trong công tác giáo dục; đồng hành cùng nhau giúp đỡ HS khuyết tật. HS khuyết tật còn được bồi đắp lòng nhân ái, các em đã biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh hơn tại Viện K trong chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”. Các em thấy dù tật nguyền nhưng các em còn may mắn hơn nhiều người khác.

Theo cô Thủy, HS đã có một môi trường thuận lợi, những hoạt động phù hợp để những phẩm chất tốt đẹp đang tiềm ẩn trong mỗi một con người được hình thành và phát triển một cách hết sức tự nhiên, có chiều sâu, bền vững.

Những việc làm tâm huyết của cô Đỗ Thị Thủy đã có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến đội ngũ giáo viên, công nhân viên trong trường. Cô Thủy cho rằng, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo cần phải làm nhiều việc nhưng việc bồi dưỡng học trò tốt nhất là phẩm chất đạo đức.

Nhà giáo Đỗ Thị Thủy luôn mong muốn những hoạt động giáo dục tình yêu thương và đồng cảm của học sinh trường cô sẽ được lan tỏa trong xã hội. Hy vọng có thêm nhiều phụ huynh, HS đến tham gia và trải nghiệm các hoạt động tại ngôi trường giàu tình thương và giàu lòng nhân ái.

“Trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối” để HS dần có sự thấu cảm với sự thiệt thòi của bạn khiếm thị, cảm phục sự tự lập của các bạn. Từ đó HS có thêm tình yêu thương khi được chứng kiến các em nhỏ khiếm thị tuy mới học lớp 1 đã sống xa bố mẹ, xa gia đình, phải ở nội trú và tự lập trong mọi sinh hoạt.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giao-duc-long-nhan-ai-trai-nghiem-bua-an-trong-bong-toi-4052724-b.html