Giáo dục lòng yêu thương động vật: không thể trống đánh xuôi kèn thổi ngược

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao không ít, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra thành một cuộc tranh cãi 'nhộn nhịp' bên lề cuộc vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó. Liên quan tới vấn đề này, với các bậc phụ huynh có con nhỏ, mối quan tâm của họ là gì?

Rất nhiều người có thói quen ăn thịt chó nhưng trong nhà vẫn nuôi một vài con chó và hết mực chăm sóc thương yêu chúng đúng nghĩa là loài thú cưng. Điều này xem ra rất mâu thuẫn nhưng thực chất cho thấy cha mẹ nào cũng muốn ngay từ nhỏ dạy con mình phải biết thương yêu động vật (động vật ở đây cũng có thể hiểu nôm na là chó, mèo là hai con vật gần gũi với con người nhất) bởi vì ai cũng hiểu tình thương yêu động vật góp một phần không nhỏ trong việc hình thành nên tính cách của đứa trẻ sau này.

Chó là con vật có mặt hầu hết ở mỗi nhà. Nó được xem là một thành viên chính thức của gia đình. Trách nhiệm chủ yếu, không kém phần quan trọng của chúng là giữ nhà dựa trên tập tính bảo vệ lãnh thổ đã có từ lâu đời của chúng. Con người quý chó cũng vì đặc điểm này.

Trong nhà, trẻ con được xem là thành phần có “địa vị, quyền hạn” thấp nhất. Nên khi cần phản kháng thường trẻ sẽ trút lên các loài động vật nhỏ bé cô thế hơn chúng. Nếu không đủ sự yêu thương, có khi trẻ bạo hành cả con vật để “đã nư”. Hành vi này được lập đi lập lại nhiều lần, trở thành thói quen, sau này trẻ dễ đánh bạn và ăn hiếp những em nhỏ hơn mình, thậm chí đây là nguồn cơn của bạo lực gia đình khi trẻ lớn lên. Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã xác nhận điều này.

Dạy trẻ biết yêu thương, đối xử tốt, tôn trọng thú cưng nói riêng và các loài động vật nói chung thiết thực nhất là hãy giao cho trẻ chăm sóc thú cưng trong phạm vi vừa sức trẻ. Việc làm này sẽ giúp trẻ rèn luyện được nhiều kỹ năng khác trong cuộc sống như: tinh thần trách nhiệm, sự tự tin, tính kỷ luật, lòng nhân ái…

Các nhà tâm lý học đã chứng minh, trẻ em khi còn nhỏ nếu được dạy cách đối xử tốt với động vật, đứa trẻ ấy lớn lên thường biết yêu thương bạn bè và những người yếu thế hơn mình. Đây chính là bài học mà các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm để rèn lòng nhân ái cho con.

Trở lại vấn đề vận động người dân không nên ăn thịt chó gần đây. Thiết nghĩ, bài học không ở đâu xa, nó ở ngay người lớn chúng ta. Ai cũng biết có cầu ắt có cung. Để có món ăn từ thịt chó, ắt phải giết mổ nó. Tôi tin chắc ngay cả các bậc cha mẹ từng ăn thịt chó cũng không nỡ để trẻ con nhà mình nhìn thấy cái cảnh đau lòng khi người ta đập đầu một chú chó để làm thịt. Không kể vì thịt chó ngày càng hiếm nên nạn trộm chó xảy ra khắp nơi để lại hậu quả kẻ tàn phế, người chết thảm như báo chí đã từng đưa tin.

Không nên ngụy biện ăn thịt chó là một tập quán ẩm thực thậm chí văn hóa không thể bỏ (nguồn ảnh NLĐ)

Đành rằng “vật dưỡng nhơn” tức là loài vật sinh ra là để nuôi sống con người nhưng xung quanh chúng ta nào heo, bò, gà, vịt, tôm, cua, cá… sao ta không ăn cứ nhất định phải ăn thịt chó?

Không nên ngụy biện ăn thịt chó là một tập quán ẩm thực thậm chí văn hóa không thể bỏ. Có thể trước đây dân gian quan niệm thịt chó cũng là một loại thực phẩm. Cũng không loại trừ ngày xưa người ta nuôi chó thuận theo tự nhiên tức là thả rông muốn đi đâu thì đi, ăn gì thì ăn, không mất công chăm sóc.

Còn ngày nay, “vị thế” của nó đã khác, nó được nuôi trong nhà, được chăm sóc kỹ lưỡng thậm chí sinh hoạt ngủ nghê chung chạ với con người. Thêm nữa, ngày nay, tình hình thế giới hội nhập, con người ngày càng văn minh, sự giao thoa giữa các nền văn hóa trở nền gần gũi, với tinh thần cầu thị vốn có, chúng ta đã học tập các nước phương Tây rất nhiều điều hay tại sao chúng ta không thể thay đổi tập quán ăn thịt chó để khách du lịch phương Tây đừng có cái nhìn ác cảm, thậm chí lên án hành vi "man rợ" cho rằng chúng ta tàn sát một loài vật sống gần gũi, trung thành, đáng yêu là chó.

Nói không ngoa: “Vì tương lai con em chúng ta, các bậc phụ huynh hãy đừng ăn thịt chó”. Giáo dục và thực tiễn không thể “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

BẢO NGHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/giao-duc-long-yeu-thuong-dong-vat-khong-the-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc-13243.html