Giáo dục mầm non: 'Ai đánh giá cao tôi không biết nhưng có mấy điều cần lưu ý'

'Bộ trưởng nói ai đánh giá cao tôi không biết nhưng tỷ lệ chi cho giáo dục mầm non thì ít dẫn đến các cháu mần non đóng góp cao nhất, xảy ra tình trạng bạo hành trẻ gây bức xúc trong dư luận'.

Đây là ý kiến của ĐB Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tranh luận với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn vào sáng nay (6/6).

Số giáo viên bạo hành trẻ chắc chắn còn nhiều

ĐB Đặng Thuần Phong

Tranh luận với Bộ trưởng GD&ĐT, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhắc lại ý kiến Bộ trưởng cho hay hệ thống giáo dục mầm non được thế giới, tổ chức UNICEF đánh giá cao.

“Ai đánh giá cao tôi không biết, nhưng có mấy điều cần lưu ý cho Bộ trưởng là hiện tỷ lệ chi cho giáo dục mầm non thì ít, sự chênh lệch của giáo dục mầm non giữa các vùng miền thì lớn… dẫn đến tình trạng các cháu mầm non đóng góp cao nhất, đặc biệt tình trạng bạo hành trẻ em diễn ra gây bức xúc trong dư luận … Như thế mà được đánh giá cao thì tôi không hiểu? Những bức xúc đối với bậc mầm non rất lớn”, ĐB Đặng Thuần Phong nêu.

Đáp lại ý kiến này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, chúng ta cũng chia sẻ một điều là từ chính sách dân lập, tư thục sang chính sách công lập, chuyển biến rất mạnh mẽ nên công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên cũng còn bất cập, dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em.

"Có những trường hợp bạo hành không thể chấp nhận được, cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu đã chỉ đạo, đưa ra khỏi ngành, các cơ sở phải đình chỉ thậm chí đóng cửa. Thực tế, các địa phương vào cuộc rất nhanh" - Bộ trưởng Nhạ nói.

Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng chia sẻ, số giáo viên bạo hành trẻ mà báo chí nêu thời gian qua chưa phải hết, chắc chắn còn nhiều. Điều này cũng là cảnh tỉnh lớn đối với ngành, với hiệu trưởng các trường…

Theo Bộ trưởng, đấy là một phần áp lực, gần đây cộng đồng giáo viên chịu áp lực cả vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư đã nói đã là những trường hợp cá thể, không vì cái thiểu số đánh đồng toàn ngành, nhưng kiên quyết phải xử lý những “con sâu làm rầu nồi canh”. Do đó, Bộ đã rất chú trọng đến đạo đức giáo dục nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên.

“Với trách nhiệm người đứng đầu ngành chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề cần giải quyết. Chúng tôi tham mưu Chính phủ xây dựng quy định về môi trường an toàn, thân thiện với trẻ.

Đến nay hệ thống pháp lý cơ bản là có, nhân ngày hôm nay các bộ ngành cùng với chúng tôi rất mong các cấp hệ thống chính trị, mặt trận địa phương… tăng cường giám sát cùng với Bộ phòng ngừa là chủ yếu.

Quan điểm cá nhân là tăng cường giáo dục, đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và đương nhiên có chế độ hợp lý.

Hiện lương giáo viên mầm non kém quá, ra trường chỉ có 2,4 triệu/tháng. Với mức lương này quá khó khăn cũng là áp lực đối với các cô”, Bộ trưởng Nhạ bày tỏ.

Cả nước có 15.256 trường mầm non

Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư quận/huyện, xã/phường, thôn/bản; mỗi phường, xã có một trường mầm non công lập trên địa bàn. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non đa dạng đáp ứng phần lớn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tính đến tháng 4/2018, có 15.256 trường mầm non (công lập 12.662, ngoài công lập 2.594); 199.151 nhóm, lớp (công lập 150.636, ngoài công lập 48.515); tổng số trẻ 5.306.536.

Đối với hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, từ năm 2015 đến nay, số trường trong cả nước tăng 675 trường. Nhiều địa phương còn thiếu giáo viên; một số địa bàn đông dân cư số trẻ/lớp vượt quá quy định; một số địa phương đã chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non chưa qua đào tạo, thiếu kiến thức chuyên ngành và kỹ năng nghề nghiệp. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở khối ngoài công lập thấp (bình quân đạt 1,4 giáo viên/lớp), đội ngũ này thường xuyên biến động do thu nhập thấp, chịu nhiều áp lực, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Một số giáo viên mầm non còn hạn chế về kỹ năng sư phạm, xử lý tình huống trong chăm sóc, giáo dục trẻ, một số ít thiếu kiềm chế cảm xúc dẫn đến bạo hành trẻ.

Báo cáo cũng chỉ rõ, tại một vài cơ sở giáo dục mầm non vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ, một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử đối với trẻ chưa chuẩn mực, cá biệt có một số vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm lớp độc lập tư thục), làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ và gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/giao-duc-mam-non-ai-danh-gia-cao-toi-khong-biet-nhung-co-may-dieu-can-luu-y-post264568.info