Giáo dục mở

Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về Giáo dục mở.

I. Tham khảo một vài định nghĩa về giáo dục mở

“Giáo dục mở là ý tưởng cho rằng, tri thức con người chỉ có thể phát triển thông qua chia sẻ và cộng tác miễn phí. Tài nguyên giáo dục mở là sách giáo khoa, video, các khóa học và các hoạt động khác được tạo ra để mở rộng kiến thức có sẵn và miễn phí cho công chúng trên Internet. Các tài nguyên giáo dục mở có thể được sắp xếp với nhau để tạo ra một hướng dẫn nghiên cứu hoặc ngay cả một khóa học. Chúng có khả năng tùy biến rất lớn.”

(Thomas Edison State University.

http://www.tesu.edu/academics/cal/Gen-Education-cfm)

“Giáo dục mở là cách thực hiện giáo dục bằng công nghệ kỹ thuật số. Mục đích của nó là mở rộng cho mọi người tham gia bằng cách loại bỏ rào cản và làm cho việc học dễ tiếp cận, phong phú và có thể tùy chỉnh. Nó cung cấp nhiều cách dạy và học, tạo ra và chia sẻ tri thức. Nó cũng cung cấp một loại đường dẫn vào giáo dục chính quy và không chính quy, hoặc kết nối cả hai.”

(Ủy ban Châu Âu: http://publications.jcc.ec.eropa.edu/repository/bitstream/RC101436/jrc101436.pdf)

II. Những đặc trưng của Giáo dục mở

1. Trong hệ thống giáo dục mở, mọi rào cản đối với việc tiếp cận giáo dục - đào tạo đều được xóa bỏ, bao gồm những rào cản về định kiến, dư luận, thói quen, giới tính đến những chính sách và cơ chế không phù hợp với những ý tưởng tạo cơ hội và điều kiện để ai cũng được học hành, ai cũng được học tập suốt đời.

2. Việc loại trừ một số người nào đó trong việc học tập đều là những hành động phải ngăn chặn bởi vi phạm quyền công dân của con người: quyền học tập để mưu sinh trong xã hội.

3. Không để một người dân nào bị thất bại trong học tập, nhất là trẻ em. Những người vì lý do nào đó gặp khó khăn khó khắc phục để theo học phải được Nhà nước và cộng đồng dân cư giúp đỡ. Trẻ em các bậc học phổ thông không phải lưu ban bỏ học nhờ vào những giải pháp tích cực từ nhiều phía trong xã hội để chúng hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục.

4. Nền giáo dục mở phát huy mọi tiềm năng của người học nhằm giúp họ trở thành công dân đóng góp tích cực cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

5. Giáo dục là một phúc lợi xã hội mà mọi công dân đều được thụ hưởng. An sinh con người trong giáo dục là bảo đảm cho không ai đứng ngoài phúc lợi này.

III. Những biểu hiện về tính MỞ của giáo dục mở

1. Mở về đối tượng học: Giáo dục dành cho mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính, thành phần xã hội, địa vị xã hội, trình độ học vấn, quyền học...

2. Mở về thời gian: Giáo dục được tiến hành trong mọi thời gian theo sự lựa chọn của người dân để bảo đảm sự thuận lợi nhất trong học tập của mỗi người nhằm tạo nên chất lượng học tập cao nhất.

3. Mở về địa điểm: Giáo dục được tiến hành ở mọi địa điểm để giúp cho người dân không gặp khó khăn về giao thông, khoảng cách địa lý, thời gian đi lại... Trong điều kiện công nghệ học tập phát triển, người dân có thể học tập trực tuyến, lựa chọn cách học E.Learning, U.Learning, M.Learning, học tại nhà, học nơi làm việc, học ở thư viện, nhà văn hóa...

4. Mở về phương pháp: Giáo dục được tiến hành với những phương pháp tiên tiến, đa dạng, tùy thuộc vào những phương tiện kỹ thuật và công nghệ học tập, sao cho bất cứ ai cũng tiếp cận giáo dục thuận lợi nhất.

5. Mở về chương trình: Chương trình giáo dục phải đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của nhân dân, đặc biệt là chương trình dạy nghề, chương trình tăng thu nhập, chương trình đáp ứng sở thích. Trong điều kiện có được nguồn tư liệu giáo dục mở (Open educational resource) phong phú thì phương pháp giáo dục sẽ càng phong phú hơn.

6. Mở về ý tưởng: Giáo dục tạo ra những ý tưởng cho người học, nhất là ý tưởng lập nghiệp, lập thân, khởi nghiệp, xây dựng các thương hiệu v.v...

7. Mở về hệ thống: Giáo dục mở ra các thiết chế mới trong hệ giáo dục ban đầu và hệ giáo dục tiếp tục, gắn kết giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy, giáo dục gia đình với giáo dục học đường và giáo dục xã hội.

8. Mở về các quan hệ hợp tác giáo dục – đào tạo: Giáo dục mở ra các mối liên kết liên thông giữa các ngành học, trường học, các cơ sở sản xuất – kinh doanh, các lĩnh vực đào tạo công và tư, v.v...

9. Mở về tư liệu học tập (hay tài nguyên giáo dục): Giáo dục mở ra các nguồn tư liệu, các tài liệu dùng cho học tập như các bài viết, các băng ghi âm, ghi hình, công cụ... để dùng trong học tập.

GS.TS. Phạm Tất Dong |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/giao-duc-mo-64405