Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam vươn lên tầm cao mới

Năm 2019, ngành giáo dục nghề nghiệp đã có những hoạt động nổi bật, góp phần quan trọng nâng trình độ kỹ năng nghề cho lao động Việt Nam lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức “Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường đồng hành đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động VN”

Đây là năm bản lề để bước vào năm cuối hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020.

Khẳng định tầm nhìn và khát vọng

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi. Về giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ luật Lao động sửa đổi đã quy định cụ thể về các nội dung: Doanh nghiệp, người sử dụng lao động được phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở GDNN đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác…

Lần đầu tiên một diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Skilling up Việt Namvới chủ đề“Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Diễn đàn khẳng định một tầm nhìn và khát vọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng tay nghề đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Chủ đề của Diễn đàn đã nói lên thông điệp khẳng định vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN; gắn kết mạnh mẽ GDNN với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Chất lượng dạy nghề đã được nâng lên tầm khu vực

Tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 được tổ chức tại KaZan Liên Bang Nga, lần đầu tiên đoàn Việt Nam đã dành huy chương Bạc. Kỳ thi có quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay với số lượng nghề thi chính thức là 56 nghề đến từ 63 quốc gia, vùng lãnh thổ với 1.355 thí sinh đăng ký dự thi.

Kỳ thi đánh dấu bước tiến mới của Đoàn Việt Nam khi tham gia đấu trường Kỹ năng nghề thế giới. Theo đánh giá quốc tế, chất lượng bài thi của thí sinh Đoàn Việt Nam tại Kỳ thi lần này cao hơn so với các Kỳ thi trước.

Đặc biệt, Đoàn Việt Nam đã dành một huy chương Bạc nghề Phay CNC,... thành tích tốt nhất từ trước tới nay trong các Kỳ thi tay nghề thế giới. Việc thí sinh Việt Nam đạt thành tích cao ở Kỳ thi tay nghề thế giới cho thấy trình độ kỹ năng nghề của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, sánh ngang tầm khu vực và thế giới.

Đào tạo gắn với việc làm bền vững

Ước năm 2019, tuyển sinh GDNN được 2.338 nghìn người, đạt 103,5% kế hoạch năm, bằng 105,8% so với năm 2018; trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 568 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.770 nghìn người.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, GDNN vượt chỉ tiêu về tuyển sinh. Điều đó cho thấy, chất lượng đào tạo các cơ sở GDNN được cải thiện, đào tạo, tuyển sinh gắn với tuyển dụng, gắn với ví trí việc làm.

Thông tin, truyền thông GDNN được kết nối đa chiều

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng GDNN, giải quyết việc làm. Theo thống kê, năm 2019, trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, có trường, có nghề đạt tỷ lệ 100% với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chất lượng đào tạo nghề nghiệp Việt Nam năm 2019 tăng tới 13 bậc. Việt Nam là nước tăng cao nhất trong khu vực ASEAN.

Trước yêu cầu phát triển của hệ thống GDNN, năm 2019, Chính phủ quan tâm đầu tư phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án "Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025".

Đề án nhằm phát triển trường cao đẳng chất lượng cao với các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.

Sự nỗ lực của toàn hệ thống trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2019, đã khẳng định vai trò của GDNN trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/giao-duc-nghe-nghiep-viet-nam-vuon-len-tam-cao-moi-4058224-v.html