Giáo dục nhiều tiêu cực do xã hội 'loạn chuẩn' thời 4.0

Ông Giản Tư Trung cho rằng hiện nay, nhiều giá trị bị thách thức, chuẩn mực đảo lộn, niềm tin đổ vỡ, dẫn đến các vụ việc tiêu cực của giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.

Mở đầu tọa đàm "Giải pháp giáo dục nào cho thời loạn chuẩn" diễn ra sáng 22/5 ở TP.HCM, ông Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện Giáo dục IRED - điểm lại một loạt sự việc đáng quên của ngành giáo dục và xã hội trong thời gian gần đây. Từ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, đến chuyện thỉnh vong ở chùa Ba Vàng, hãm hiếp bạn học ở Quảng Trị, học sinh đánh bạn dã man ở Hưng Yên, rồi chuyện “giang hồ mạng” Khá Bảnh, hiện tượng Phúc XO…

"Nếu nói chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, những sự việc kể trên cũng là một biểu hiện của thời 4.0 đó chứ. Tôi đi đâu cũng nghe người ta nói tới kinh tế, công nghệ thời 4.0, rồi robot, trí tuệ nhân tạo, nhưng tuyệt nhiên không thấy đề cập văn hóa thời này như thế nào, giáo dục sẽ ra sao. Nếu phải dùng từ nào để gọi tên những hiện tượng ấy, tôi cho rằng đó là loạn chuẩn", ông Trung nói.

Ông Giản Tư Trung cho rằng chân giá trị bị đảo lộn dẫn đến nhiều vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục và cả xã hội. Ảnh: M.N.

Ông Giản Tư Trung cho rằng chân giá trị bị đảo lộn dẫn đến nhiều vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục và cả xã hội. Ảnh: M.N.

Cũng theo nhà hoạt động giáo dục này, thời đại hiện nay biến động chóng mặt và khôn lường. Ông ví von nếu lịch sử Việt Nam 4.000 năm cộng lại cũng không bằng sự thay đổi của riêng thế kỷ 20, thì sự thay đổi của cả một thế kỷ cũng không bằng biến động của 10 năm đầu thế kỷ 21.

Trong cơn biến động chóng mặt và khôn lường đó, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực đảo lộn, không ít niềm tin đổ vỡ. Điều này khiến con người trở nên hoang mang, không phân biệt được đâu là đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà.

Theo ông, bởi vì loạn chuẩn nên nhiều người vẫn ngộ nhận giữa tự do và hoang dã, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa cá tính và quái tính, giữa đức tin và mê tín.

"Ai cũng có quyền tự do, các bạn trẻ thường nhân danh quyền tự do của cá nhân để làm điều mình thích. Nhưng các bạn quên mất rằng tự do cũng giới hạn, nếu vượt qua giới hạn đó không còn tự do nữa, mà trở thành hoang dã. Hoang dã cũng là tự do, cũng được làm tất cả điều mình muốn nhưng hoang dã không có giới hạn, còn tự do thì có giới hạn", ông Trung nêu quan điểm.

Người này cho rằng giới hạn đó nằm ở “bốn đạo”: Đạo luật (của Nhà nước), đạo lý (của xã hội), đạo thiêng (đời sống tâm linh), đạo sống (lương tri của mình). Sống đạp lên các “đạo” này sẽ là vượt qua ranh giới của tự do, để bước qua thế giới của nổi loạn hay hoang dã.

Tương tự, ông cho rằng chân thật, cá tính, đức tin là những điều rất đẹp đẽ và cần có của mỗi người. Khi đã bước qua giới hạn, chân thật trở thành trơ trẽn, cá tính thành quái tính, đức tin đẩy con người đến mê tín, cuồng tín.

Chính vì nhiều giá trị bị thách thức, giá trị bị đảo lộn, niềm tin đổ vỡ nên chưa bao giờ, chưa có thời đại nào mà cha mẹ và thầy cô lại gặp nhiều thách thức như vậy trong việc dạy con và dạy trò như hiện nay. Làm sao để trẻ sống đúng, sống chuẩn trở thành câu hỏi của thời đại.

Theo ông Giản Tư Trung, trước hết, thầy cô và phụ huynh phải giúp các em định nghĩa lại giá trị chuẩn. Thế giới biến động vẫn luôn có những giá trị bất biến, luôn đúng ở mọi không gian và thời gian.

"Không có cách nào ngoài sự học, nhưng là sự học trong khai minh và khai tâm, hay còn gọi là khai phóng. Thầy cô, nhà trường, cha mẹ nên hướng các con đến nền giáo dục khai phóng, hiểu mình, hiểu người, hiểu đời và chú trọng nhân tính, quốc tính, cá tính. Sự học khai phóng xoay quanh 3 câu hỏi: Tại sao phải học và học để làm gì?, Học gì để đạt được mục tiêu đó? Học như thế nào?", ông Trung nêu.

Minh Nhật

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giao-duc-nhieu-tieu-cuc-do-xa-hoi-loan-chuan-thoi-4-0-post948839.html