Nghị định 93 mở cánh cửa pháp lý cho cá nhân làm từ thiện

Kể từ 01/12, các cá nhân làm từ thiện phải tuân theo các quy định của pháp luật được ban hành trong Nghị định 93/2021.

Những lùm xùm xung quanh việc không minh bạch khi nghệ sĩ làm từ thiện trong thời gian vừa qua như vụ việc của ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, NSƯT Hoài Linh đã khiến nhiều người e ngại. Kể từ ngày 01/12, Nghị định số 93 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hiệu lực thi hành. Đây là lần đầu tiên có quy định cụ thể chặt chẽ về hoạt động từ thiện của cá nhân.

Nghị định 93 mở cánh cửa pháp lý cho cá nhân làm từ thiện

Nghị định 93 mở cánh cửa pháp lý cho cá nhân làm từ thiện

Cá nhân hoàn toàn có khả năng kêu gọi từ thiện

Trước đây, theo quy định của Nghị định 64/2008 thì chỉ có các quỹ tín dụng, quỹ từ thiện, mặt trận tổ quốc và hội chữ thập đỏ mới được phép kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phát hàng, quà từ thiện cho đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Ngoài các tổ chức này thì các tổ chức, cá nhân khác không được phép thực hiện hoạt động kêu gọi, tiếp nhận tiền từ thiện với bất cứ hình thức nào.

Thực tiễn thời gian qua có rất nhiều trường hợp cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội và nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ nhân dân, cho thấy cá nhân hoàn toàn có khả năng kêu gọi từ thiện và đây là một hành động đẹp, thiết thức, đáng được ghi nhận. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những sự việc lùm xùm không hay quanh hoạt động từ thiện này, cần thiết phải có một hành lang pháp lý mới điều chỉnh.

Luật sư Trần Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính Pháp đánh giá: "Dưới góc độ pháp lý thì các quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP hoàn toàn phù hợp, cần thiết để chấm dứt tình trạng tranh cãi, trục lợi từ hoạt động từ thiện; làm cơ sở để đánh giá tính hiệu quả cũng như giám sát hoạt động từ thiện của tổ chức, cá nhân.

Nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, phân phát tiền, hàng từ thiện. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan trong việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân bảo đảm hoạt động kêu gọi từ thiện được diễn ra kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch, góp phần đáng kể trong việc ngăn chặn hành vi trục lợi trong hoạt động từ thiện hiện nay."

Cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động

Hiện nay tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 93 quy định, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu.

Đồng thời, khoản 2 Điều 17 của Nghị định 93 quy định rõ cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp từ thiện nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu. Đặc biệt, sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận quyên góp đã cam kết, không được phép tiếp nhận thêm tiền ủng hộ và phải thông báo đến ngân hàng nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận tiền ủng hộ.

Việc quy định thời hạn, thời gian phân phát tiền, hàng từ thiện là điều cần thiết để tránh trường hợp kéo dài việc kêu gọi và giải ngân chậm trễ, ví dụ như trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh thời gian qua.

So với Nghị định 64/2008, nhiều yêu cầu cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp đã được Nghị định 93/2021 nêu ra. Đây là lần đầu tiên hoạt động từ thiện của cá nhân đã được ghi nhận và mở rộng quyền của họ bằng việc cấm các hành vi: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp.

Theo luật sư Trần Thanh Lam: Nghị định 93 được ban hành sẽ chấm dứt tình trạng hoạt động từ thiện tự phát, thiếu quản lý, thiếu giám sát và nguy cơ tiêu cực, biển thủ, chiếm đoạt hàng, quà từ thiện. Đối với những người không đủ tâm, không có tầm, đạo đức thấp kém thì không đủ tư cách cũng như không thể đạt hiệu quả khi tham gia kêu gọi từ thiện. Bởi vậy những thủ tục đăng ký kêu gọi vận động từ thiện là cần thiết để xác định đối tượng, công khai danh tính, công khai thủ tục, công khai nội dung và hiệu quả của công tác từ thiện.

Trách nhiệm thông báo, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc phân phát hàng, quà từ thiện cũng là một nội dung quan trọng để làm cơ sở xác nhận hiệu quả, thực tế hoạt động từ thiện, tránh những dư luận tiêu cực không đáng có như những lùm xùm trong hoạt động từ thiện của nghệ sĩ thời gian qua.

Nghị định này sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có tấm lòng thiện nguyện được đóng góp sức mình, cũng tránh được những tai tiếng không đáng có. Quan trọng hơn, số tiền mà các nhà hảo tâm, cộng đồng quyên góp sẽ đến được tay người cần hỗ trợ.

Nhu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác từ thiện của cá nhân là vô cùng cần thiết, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng, ai được làm, ai không được làm gì, làm theo cách nào, chế tài xử lý ra sao khi vi phạm... để mọi người theo đó mà thực hiện để chắc chắn không có điều kiện cho những kẻ cơ hội, lợi dụng làm từ thiện để trục lợi, từ đó, những người làm từ thiện chân chính cũng yên tâm./.

Thu Hằng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/nghi-dinh-93-mo-canh-cua-phap-ly-cho-ca-nhan-lam-tu-thien-909271.vov