Giáo dục Pháp: Nói không với tiền… đóng góp

Tại các trường phổ thông Pháp, học sinh không bao giờ phải đóng tiền. Các ban phụ huynh tồn tại đấy, nhưng không bao giờ thu tiền làm gì: Từ việc tổ chức các ngày lễ, các hoạt động, tặng quà cho giáo viên và hiệu trưởng, đi tham quan du lịch, tặng quà cho học sinh, sửa chữa các thiết bị, đến mua bảng tương tác, lau chùi cửa sổ... Thậm chí ngày lễ tốt nghiệp cũng được tổ chức mà không cần quyên góp tiền của phụ huynh.

Không ai thu tiền làm gì

Ở trường phổ thông Pháp, bạn không thể hình dung được có ai đó ở trường nghĩ tới việc thu tiền. Bởi vì bất kỳ hình thức thu tiền nào cũng phải được thực hiện theo văn bản tài chính, nếu không thì đó là sự vi phạm luật pháp nghiêm trọng.

Tất cả các hoạt động được quy định một cách chặt chẽ, rõ ràng, do ngân sách thành phố hay khu vực trả tiền theo kế hoạch. Không thể nói rằng các trường học ở Pháp được tổ chức một cách lý tưởng, thậm chí ngược lại, rất đơn giản, nhưng thông minh và có thị hiếu.

Ở Pháp, các bậc phụ huynh cũng không thể hiện sáng kiến: Họ cho rằng những chiếc bàn học cũ hay màu gạch lát sàn nhà hoàn toàn không ngăn cản việc tiếp thu kiến thức. Nói chung, ở đây người ta phản đối mọi hình thức quảng cáo, phô trương.

Thu tiền mua quà hoặc hoa cho giáo viên ư? Sao lại thế? Những học sinh yêu mến giáo viên này có thể tự mình nghĩ ra quà tặng cho thầy nhân ngày lễ: Một bức tranh tự vẽ lấy, tấm bưu thiếp hay mời thầy cùng ăn kẹo sô-cô-la. Chân thành, tình cảm. Liên hoan cuối năm học ư? Với mục đích gì? Tại sao lại phải ở trường? Thầy trò cả năm tiếp xúc với nhau, cùng ăn uống với nhau trong nhà ăn, vui chơi trong các chuyến dã ngoại, các hoạt động do nhà trường tổ chức. Vì sao phải cần gì thêm nữa?

Ở Pháp, các buổi học thêm trong dịp nghỉ hè cho học sinh cũng hoàn toàn miễn phí, giáo viên dạy các giờ này được trả tiền từ ngân sách.

Không ai thu tiền ăn trưa trong nhà trường, cả ban phụ huynh lẫn giáo viên chủ nhiệm. Cứ ba tháng một lần, những phụ huynh có con ăn trưa ở trường nhận được số tài khoản gửi qua bưu điện (tài khoản giống như các tài khoản khác). Số tiền tài khoản phụ thuộc vào chế độ ăn 4 hoặc 5 bữa mỗi tuần. Những học sinh ăn trưa ở nhà (giải lao trưa kéo dài 2 giờ) không nhận được số tài khoản đó.

Bảo hiểm nhà trường bắt buộc

Nhưng ở Pháp có một khoản tiền bắt buộc đối với tất cả học sinh, thiếu nó không một đứa trẻ nào được đến trường. Hàng năm, tất cả các phụ huynh Pháp phải trả đầy đủ. Đó là bảo hiểm nhà trường - Assurance scolaire et extra scolaire. Vào đầu năm học mới, tất cả các phụ huynh, không trừ ai, nhận được một số tài khoản để gửi tiền. Mức bảo hiểm là 6 - 10 euro/năm, một khoản tiền rất phải chăng đối với những rủi ro mà nó phải gánh chịu.

Bảo hiểm nhà trường là giấy tờ quan trọng nhất cần phải có khi nhập học. Những giấy tờ khác, nếu chưa có, bạn có thể được phép mang tới sau, nhưng thẻ bảo hiểm bắt buộc phải có. Tất nhiên, các bậc phụ huynh Pháp thừa hiểu rằng thẻ bảo hiểm trước hết cần thiết cho chính họ.

Tại sao bảo hiểm nhà trường lại quan trọng và cần thiết như vậy? Bởi vì nó tài trợ cho những rủi ro khác nhau liên quan tới cuộc sống nhà trường, những tình huống khác nhau có thể xảy ra ở trường, trên ô tô buýt của nhà trường, trong các cuộc tham quan...

Bảo hiểm nhà trường còn bù đắp cho những thiệt hại khác học sinh phải chịu, trách nhiệm công dân của học sinh (nghĩa là lỗi của chính học sinh).

Ví dụ, chấn thương trong lúc học môn thể dục hay giải lao, làm hư hỏng hay vô hiệu hóa tài sản của nhà trường. Bảo hiểm nhà trường thường hoạt động cùng với các loại hình bảo hiểm khác, thiếu chúng cũng rất gay go. Nghĩa là bảo hiểm nhà trường kết hợp với các loại bảo hiểm khác trong những trường hợp bảo hiểm nhất định. Ví dụ, nếu như trong giờ thể dục, một học sinh bị gãy chân thì việc điều trị và phục hồi sẽ được thực hiện nhờ cả bảo hiểm y tế lẫn bảo hiểm nhà trường. Ngoài ra, bảo hiểm sẽ xử lý cả trường hợp học sinh bị chấn thương do mình gây ra lẫn trường hợp một học sinh gây chấn thương cho học sinh khác.

Bây giờ bạn hãy hình dung tình huống khi một học sinh làm hỏng hoặc vỡ một thiết bị đắt tiền nào đó của nhà trường. Liệu bố mẹ của đứa bé có phải trả tiền sửa chữa hoặc thay thế thiết bị mà con họ làm hỏng không? Hoặc nếu họ không có tiền để làm việc đó hay từ chối thì sao? Đối với những tình huống đó cần áp dụng những văn bản pháp quy nào? Ban giám hiệu nhà trường sẽ ứng xử ra sao?

Nhờ có bảo hiểm nhà trường bắt buộc, ở Pháp, những vấn đề tương tự được giải quyết nhanh gọn và không ai phải chịu trách nhiệm.

Điều đó cho phép tránh được các xung đột có thể xảy ra giữa nhà trường và các phụ huynh và giữa các phụ huynh với nhau (nếu không xác định được kẻ có lỗi). Các chuyên gia xác định trường hợp đó thuộc loại bảo hiểm nào, có phải trả tiền bồi thường để sửa chữa hay mua thiết bị mới không. Bảo hiểm nhà trường sẽ xử lý cả những trường hợp làm gãy ghế, bàn, đập vỡ kính. Tất cả diễn ra một cách tự động.

Bảo hiểm ngoài nhà trường

Phần thứ hai của hợp đồng bảo hiểm nhà trường là bảo hiểm ngoài nhà trường (assurance extra-scolaire). Nó giải quyết tất cả những rủi ro có thể xảy ra với đứa trẻ ngoài 4 bức tường của nhà trường: Trên sân trường, trong thời gian đi tham quan...

Nếu như trong lúc đi tham quan bảo tàng, học sinh làm hỏng hiện vật, thì bảo hiểm nhà trường cũng giải quyết.

Ở Pháp có một khoản tiền bắt buộc đối với tất cả học sinh, thiếu nó không một đứa trẻ nào được đến trường. Hàng năm, tất cả các phụ huynh Pháp phải trả đầy đủ. Đó là bảo hiểm nhà trường - Assurance scolaire et extra scolaire. Vào đầu năm học mới, tất cả các phụ huynh, không trừ ai, nhận được một số tài khoản để gửi tiền. Mức bảo hiểm là 6 - 10 euro/năm, một khoản tiền rất phải chăng cho những rủi ro mà nó phải gánh chịu.

Giám đốc một trong những công ty bảo hiểm kể về một trường hợp trong công việc của mình. Trong giờ thể dục, một học sinh ngã và bị què chân. Học sinh này được trả tiền chữa bệnh và mua xe lăn hiện đại.

Nhưng ngoài ra, em còn được trợ cấp 40.000 euro để chuyển sang một ngôi nhà khác có sân ở ngoại ô cho tiện di chuyển bằng xe lăn. Cậu bé được hưởng mỗi tháng 1.000 euro cho tới cuối đời. Tất cả các khoản đó đều lấy từ bảo hiểm nhà trường, vì trường hợp rủi ro xảy ra trong trường.

Ngoài bảo hiểm nhà trường bắt buộc, một số hãng bảo hiểm còn đề xuất bảo hiểm mở rộng. Trong đó, các bậc phụ huynh có thể lựa chọn nhiều phương án khác nhau, ví dụ, bảo hiểm cho các tư trang bị lấy trộm ở trường (giày dép, quần áo đắt tiền), bảo hiểm cho các đồ dùng cá nhân học sinh bị hư hỏng (máy tính bảng...)

Ở Pháp, còn có các hãng Bảo hiểm chuyên môn bảo hiểm cho học sinh, sinh viên, với biểu giá và “vùng thanh toán” khác nhau. Nhưng xin nhắc lại: Bảo hiểm nhà trường bắt buộc với nhiều chế độ bảo đảm khác nhau là không thể thiếu đối với tất cả học sinh và được tất cả các hãng bảo hiểm cung cấp.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/giao-duc-phap-noi-khong-voi-tien-dong-gop-3954559-b.html