Giáo dục Quảng Ninh: Một năm nhiều trái ngọt

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm học 2019-2020 kết thúc muộn hơn so với những năm trước khoảng 2 tháng. Đây cũng là năm học đặc biệt nhất với thầy và trò của Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung khi phải thích ứng với việc dạy và học trực tuyến suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, nhờ đó việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học cũng trở nên thuần thục hơn ở các nhà trường.

Trẻ 5 tuổi, Trường Mầm non Hạ Long, TP Hạ Long trải nghiệm tại Trường TH, THCS và THPT Lê Thánh Tông, TP Hạ Long.

Trẻ 5 tuổi, Trường Mầm non Hạ Long, TP Hạ Long trải nghiệm tại Trường TH, THCS và THPT Lê Thánh Tông, TP Hạ Long.

Đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông

Dù gặp phải nhiều khó khăn khách quan, tuy nhiên, năm học vừa qua, ngành giáo dục vẫn nỗ lực, tiếp tục đổi mới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông. Đáng chú ý, trong giáo dục mầm non, toàn ngành đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; đổi mới hoạt động sinh hoạt chuyên môn, công tác trao đổi chuyên môn hai chiều giữa các địa phương, nhà trường, tổ chuyên môn.

Với giáo dục tiểu học, năm vừa qua, các trường tiếp tục điều chỉnh nội dung, yêu cầu các môn học và hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của mỗi nhà trường; tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, sử dụng có hiệu quả phần mềm, thiết bị dạy học hiện đại được trang cấp. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm học 2019-2020, học sinh Quảng Ninh phải học online ở nhà trong một thời gian dài. Ảnh chụp học sinh Trường TH Hạ Long học trực tuyến ở nhà.

Đối với giáo dục trung học, ngành tiếp tục thực hiện giao quyền chủ động cho các nhà trường, giáo viên trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh. Đặc biệt là tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng và sử dụng hiệu quả CNTT trong quản lý và dạy học; tiếp tục tổ chức hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và Cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học; tăng cường tổ chức giáo dục STEM tại các trường, cụm trường trung học.

Trong các trung tâm GDTX, ngành đã tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các trung tâm này theo hướng lồng ghép nhiệm vụ dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề và tư vấn nghề nghiệp nhằm thu hút mọi đối tượng tham gia học tập. Đi cùng với đó là phát huy các chức năng của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện trong việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời ở địa phương, đặc biệt là hỗ trợ các Trung tâm học tập cộng đồng về chuyên môn và nghiệp vụ.

Củng cố đội ngũ, cơ sở vật chất

Nhờ các giải pháp đồng bộ đó, năm học 2019-2020, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp trong toàn tỉnh đạt 99,88%. Phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3. Tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-18 đang học chương trình THPT hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp đạt 90,38%. Xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 1.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016-2020.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2020, toàn tỉnh đoạt 53 giải, trong đó có 1 giải nhất, 7 giải nhì, 21 giải ba, 24 giải khuyến khích (trong khi năm 2019 chỉ đoạt 44 giải, không có giải nhất). Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, Quảng Ninh cũng vinh dự khi có 1 dự án giành được giải nhì (nhóm học sinh Trường THPT Hòn Gai).

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, năm học 2019-2020, mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo của tỉnh khá đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, được sắp xếp theo hướng tinh gọn nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Cơ sở vật chất toàn ngành trong năm học qua cũng không ngừng được bổ sung, củng cố. Hiện nay toàn tỉnh có 10.413 phòng học kiên cố, đạt 90,5% tổng số các loại phòng học. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 85,53%.

Tin tưởng những kết quả đã đạt được sẽ giúp ngành Giáo dục Quảng Ninh tiếp tục gặt hái thêm nhiều trái ngọt trong những năm tới, từ đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Lan Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/giao-duc-quang-ninh-mot-nam-nhieu-trai-ngot-2492996/