Giáo dục thể chất: Thay đổi để không bị coi là môn phụ

Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao tầm vóc người Việt được Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh là đưa phong trào thể thao của giới trẻ trở thành nhu cầu tự thân, từ đó tạo nên động lực cho tất cả các thầy cô giáo, các em học sinh trong nhà trường, cũng như các tổ chức cá nhân ngoài nhà trường cùng tham gia để tạo dựng một phong trào thể thao thiết thực, lành mạnh.

Dạy bơi cho học sinh. Ảnh minh họa.

Dạy bơi cho học sinh. Ảnh minh họa.

Thiếu thốn đủ thứ

Tại Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất (GDTC), thể thao trong trường học do Bộ GDĐT tổ chức cuối tuần qua, ngành giáo dục cho hay: GDTC trong trường học vẫn chưa thực sự được coi trọng đúng mức. Một số trường còn xem nhẹ việc thực hiện chương trình môn học GDTC, triển khai chương trình GDTC hình thức, kém hiệu quả. Hoạt động thể thao trường học hướng dẫn nội dung còn nghèo nàn, hình thức hoạt động đơn điệu, chưa thu hút được đông đảo lực lượng học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao. Nguồn lực đầu tư cho công tác GDTC và thể thao trường học chưa đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, đối với cơ sở vật chất, ở bậc mầm non, toàn quốc số điểm trường mầm non có sân chơi đạt 99,4%. Trong đó số sân có đồ chơi ngoài trời đạt tỷ lệ 75%; có 31% số trường có phòng giáo dục phát triển thể chất cho trẻ; 64% số nhóm trẻ và 75% số lớp mẫu giáo có đủ thiết bị, đồ chơi giáo dục phát triển vận động cho trẻ.

Đối với giáo dục phổ thông, cả nước có 17% trường tiểu học có nhà tập thể dục thể thao (TDTT), 15% số trường có sân tập TDTT; THCS có 12% số trường có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT; THPT có 30% số trường có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT; 0,4% cơ sở giáo dục có bể bơi; 1,06 sân tập các môn thể thao (Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng rổ..) /mỗi cơ sở giáo dục.

Đối với giáo dục ĐH, cả nước hiện có 64% số cơ sở đào tạo có nhà tập TDTT; 13% số cơ sở đào tạo có bể bơi; 72% số cơ sở đào tạo có sân tập TD,TT. Về sân tập các môn thể thao (cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ ...) mỗi trường có gần 7 sân/trường.

Về đội ngũ giáo viên, cả nước có gần 80.000 giáo viên thể dục thể thao, trong đó có khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách. Đặc biệt ở bậc tiểu học chỉ có 20% số trường có giáo viên chuyên trách. Hầu hết các trường dạy chương trình cũ ban hành từ năm 2000, ít các hướng dẫn, các kĩ năng thực hành, không có các hoạt động thể thao ngoại khóa.

Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng so với yêu cầu, vừa yếu về kiến thức kĩ năng, đặc biệt kĩ năng hướng dẫn vận động và huấn luyện thực hiện phong trào thể thao.

Tăng cường xã hội hóa

Giải pháp được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đó là cần vận dụng các hoạt động GDTC một cách linh hoạt, tận dụng tối đa các điều kiện sẵn có để tổ chức dạy và học một cách phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền, phù hợp với thể trạng học sinh, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học.

Về lâu dài, Bộ GDĐT sẽ rà soát để ban hành các văn bản nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa GDTC trong nhà trường. Cần có lộ trình để đầu tư trang thiết bị đảm bảo đầy đủ và chuyên nghiệp. Hiện nay, một số địa phương đã làm tốt công tác xã hội hóa hỗ trợ hoạt động GDTC.

Về đội ngũ giáo viên GDTC, Bộ trưởng lưu ý: “Các trường ĐH sư phạm thể dục thể thao, khoa sư phạm GDTC tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kỹ năng xử lý tình huống, mở rộng các chương trình hướng dẫn phong trào, tổ chức các câu lạc bộ; tài liệu giáo trình tránh lý thuyết mà chú trọng tới tính hướng dẫn thực hành, thiết thực và hiệu quả nhằm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.”

Xóa bỏ định kiến

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, GDTC là thành tố quan trọng trong quá trình đào tạo con người hoàn thiện đức - trí - thể - mỹ. Tuy vậy, lâu nay, GDTC trong nhà trường thường bị coi là “môn phụ”, nhiều thầy cô dạy GDTC cảm thấy “mặc cảm” trước đồng nghiệp. Cách nào để xóa bỏ định kiến này?

Trước hết, cần sự thay đổi từ chính môn học này, để làm sao khi nhắc tới các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường, học sinh không cảm thấy sợ, ngại mà mong muốn được tham gia, trở thành đam mê, sở thích của các em. Chính các em thấy được ý nghĩa và tác dụng của các hoạt động GDTC thì sẽ không coi môn học này là phụ nữa.

Nhấn mạnh cần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của môn học GDTC trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết nếu làm tốt hoạt động GDTC trong nhà trường sẽ mang lại “tác động kép”. Một mặt sẽ nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho học sinh nhưng mặt khác cũng sẽ giúp các em vui tươi hơn, tăng tính chủ động, giàu ý chí, nghị lực vươn lên tạo dựng tương lai cho bản thân và đóng góp cho xã hội.

Nhân dịp này, Bộ trưởng mong muốn phát động phong trào thể thao trường học trên cơ sở phát huy những thế mạnh kết quả đạt được để làm tốt hơn nữa, giải quyết những vướng mắc để cho phong trào thể dục thể thao phát triển một cách thiết thực hiệu quả, đồng thời mong toàn xã hội chung tay góp sức để đẩy mạnh GDTC và thể thao trường học.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/giao-duc-the-chat-thay-doi-de-khong-bi-coi-la-mon-phu-tintuc430445