Giáo dục Thủ đô không thể thờ ơ với liên kết ngoại ngữ DynEd kèm chơi game

Tổ chức dạy học mà không kiểm soát được các hành vi của học sinh là có lỗi thuộc về phía Công ty E&D, đơn vị bán sản phẩm học tập vào trường.

Học sinh mang USB có game bạo lực, giáo viên không kiểm soát được?

Những hình ảnh học sinh chơi game bạo lực trong giờ dạy liên kết ngoại ngữ ở Trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã khiến nhiều phụ huynh học sinh bức xúc.

Nhiều phụ huynh có ý kiến phản hồi yêu cầu làm rõ vì sao máy tính ở trường có game bạo lực để học trò vô tư chơi game trong giờ học?

Trách nhiệm của nhà trường và DynEd đến đâu khi để xảy ra việc này?

Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không kiểm soát được học trò chơi game bạo lực trên máy tính trong giờ học thì phải xem xét lại cách dạy và học liên kết ngoại ngữ của DynEd và không nên cho triển khai tiếp.

DynEd thừa nhận khó phát hiện được học sinh chơi game trong giờ học (ảnh: Quốc Toản).

Trước những bức xúc của phụ huynh học sinh, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Công ty E&D - đơn vị chủ quản của DynEd Việt Nam để làm rõ hơn về vụ việc này.

Ngày 14/2, Công ty E&D đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nói rõ về sự việc học sinh chơi game trong giờ dạy liên kết ngoại ngữ tại trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội, bà Phương Nga, đại diện công ty E&D đơn vị chủ quản của DyNed cho rằng:

“Thời điểm xảy ra vụ việc trên, học sinh đã hoàn thành bài thi học kỳ và đang tự luyện tập trên máy, chưa bước vào chương trình học kỳ 2.

Theo chủ trương và nội quy của nhà trường và công ty, học sinh vào giờ thực hành là phải học chương trình tiếng Anh, không được làm bất cứ việc riêng gì khác.

Cơ sở vật chất máy móc đều được cài đặt phần mềm “đóng băng” nên học sinh không thể cài đặt phần mềm chơi game trên máy.

Tuy nhiên, với một vài học sinh cố tình mang USB của cá nhân đến lớp cắm vào máy tính của nhà trường để chơi game, nhà trường và công ty đều xử lý nghiêm khắc.

Công ty đã mời phụ huynh đến làm việc, kiểm điểm và nhắc nhở các em trong việc học tập.

Với những giáo viên quản lý chưa nghiêm, nhà trường và công ty nhắc nhở, thay đổi và luân chuyển đảm bảo giáo viên lên lớp đúng qui trình giảng dạy.

Tuyệt đối không để học sinh chơi game trong lớp bất kể là giờ học hay giờ nghỉ giải lao.

Về quan điểm và chủ trương của công ty và nhà trường là phải thực hiện tốt nhưng nếu chỗ nào làm chưa tốt thì sẽ khắc phục để làm tốt hơn”.

Sự việc học sinh chơi game trong giờ học liên kết ngoại ngữ của DynEd tại Trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, vấn đề đặt ra làm sao có thể kiểm soát được học trò không chịu học mà cố tình chơi game.

Với những thắc mắc kể trên, bà Phương Nga lý giải rằng:

“Nội qui của phòng máy và của nhà trường là học sinh tuyệt đối không được chơi game trên máy tính.

Tất cả máy tính của nhà trường đều được cài đặt chương trình đóng băng “Shadow defender”.

Máy chỉ lưu giữ lại các chương trình học tập do kỹ thuật viên cài đặt mặc định từ ban đầu, tuyệt đối không có bất cứ game nào.

Giáo viên có thể quản lý học sinh trên các cửa sổ Window của từng máy học sinh.

Học sinh mang USB cá nhân từ nhà đến cắm vào máy tính và mở nhiều cửa sổ trên máy, khi thấy giáo viên đến gần, học sinh cho màn hình ẩn, giáo viên khó phát hiện ra.

Về kỹ thuật, hoàn toàn không cho phép học sinh sử dụng máy tính để chơi game”.

Qua trả lời từ phía Công ty E&D, có thể thấy được với những trường hợp học sinh mang USB có game bạo lực vào giờ học thì rất khó để kiểm soát và xử lý kịp thời.

Một lúc, có đến 50 học sinh trong một phòng máy rộng thì việc kiểm soát học sinh cố tình chơi game đang rất khó khăn.

Hiện Công ty E&D vẫn chưa có giải pháp nào cụ thể để hạn chế được tình trạng trên.

Đây là vấn đề đáng lo ngại, vì nếu tổ chức dạy học mà không kiểm soát được các hành vi của học sinh là lỗi thuộc về nhà trường, giáo viên và phía Công ty E&D.

Mức học phí của DynEd có nơi lên đến 300.000 đồng/học sinh/tháng

Liên quan đến việc dạy liên kết ngoại ngữ trong các trường tại Hà Nội, phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có yêu cầu DynEd cung cấp thông tin, hiện, DynEd được tiến hành giảng dạy bao nhiêu trường?

Mức thu học phí bao nhiêu và để lại cho các trường tỷ lệ như thế nào?.

Phía Công ty E&D chỉ trả lời chung chung:

“DynEd dạy học nhiều trường và mức học phí tùy từng trường.

Mức học phí giao động từ 150.000đồng đến 300.000đồng/tháng tùy theo nhu cầu sử dụng giáo viên Việt Nam hay giáo viên nước ngoài của nhà trường.

Với những trường chỉ sử dụng giáo viên Việt Nam và học phần mềm, học phí sẽ ở mức thấp.

Những trường sử dụng giáo viên nước ngoài, học phí có thể lên tới 300.000 đồng/tháng”.

Với nội dung trả lời như trên cho thấy, việc minh bạch tài chính trong liên kết ngoại ngữ của doanh nghiệp DynEd là chưa rõ ràng.

Công ty này cũng không lý giải nổi tại sao mức học phí giữa các trường lại có sự chênh lệch gấp đôi. Điều này cho thấy, có nơi, phụ huynh cho con em học chương trình của họ với giá cao, mất công bằng và có thể nói họ đã bị lạm thu, "móc túi".

Trong khi, phụ huynh học sinh đòi hỏi việc này cần thiết được công khai.

Qua quá trình tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có thể thấy, DynEd liên kết với một số trường học rất lỏng lẻo.

Doanh nghiệp này chỉ đầu tư máy móc, thiết bị vi tính trong khi giáo viên giảng dạy lại là giáo viên tiếng Anh trong nhà trường.

Cứ thế, cuối tháng doanh nghiệp và nhà trường thu tiền theo tỉ lệ ăn chia ngầm.

Chính thực tế này, nhiều người cho rằng, dạy học như vậy khác nào là dạy thêm trá hình của các giáo viên ngoại ngữ trong trường.

Việc, liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp theo kiểu bắt tay hợp tác chắc chắn công tác kiểm tra, giám sát sẽ theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Một vấn đề phụ huynh băn khoăn nữa là nội dung giảng dạy của DynEd có thực sự phù hợp với số đông học sinh. Qua trao đổi với đại diện công ty E&D được biết, DynEd là chương trình tiếng Anh có nguồn gốc từ Mỹ. Chương trình này, được thiết kế để giảng dạy cho những người học tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ 2.

Người học sẽ tương tác với phần mềm được cài đặt trên máy tính, điện thoại thông minh.

Phần mềm DynEd khi đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông đã được Sở Giáo dục & Đào tạo thẩm định và cho phép triển khai.

Khi học phần mềm DynEd trên máy, người học sẽ tương tác với người nước ngoài và giọng bản ngữ trong máy bằng các hình thức ghi âm giọng nói của mình, so sánh với giọng bản ngữ Anh và Mỹ trong phần mềm xem mình nói có đúng chưa và nghe lại để điều chỉnh.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, việc chương trình DynEd tương thích và bổ trợ cho chương trình ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến đâu vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng?

Cách tổ chức dạy học tiếng Anh với máy tính có phù hợp với cách tổ chức học theo lớp học trong trường phổ thông hay không vẫn chưa thể trả lời?

Việc học sinh chơi game trong giờ học nhưng giáo viên không kiểm soát được đang cho thấy điểm bất cập khi triển khai chương trình này trong các trường phổ thông hiện nay.

Các cơ quan hữu quan của ngành giáo dục Hà Nội cần sớm vào cuộc và có câu trả lời rõ ràng về sự tồn tại của chương trình dạy ngoại ngữ liên kết kèm chơi game này trong hệ thống của mình.

Trẻ em đến trường để học, phụ huynh phải trả tiền nhiều cho con mình học một chương trình ngoại ngữ thì phải nhận được kết quả trình độ ngoại ngữ tương xứng, chứ không phải là kỹ năng chơi game thành thục.

Trinh Phúc - Quốc Toản

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-duc-thu-do-khong-the-thoi-o-voi-lien-ket-ngoai-ngu-dyned-kem-choi-game-post174439.gd