Giáo dục Tin tức giáo dục Đằng sau những tấm huy chương

TTH - Từ những học sinh đoạt giải quốc tế ở Thừa Thiên Huế gần đây, càng thấm hơn câu 'có bột mới gột nên hồ' và càng hiểu 'không thầy đố mày làm nên' là như thế nào.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trao giải thưởng cho học sinh đoạt Huy chương Bạc quốc tế

Đi tìm trò giỏi

Cuối năm, thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học rủ tôi đi một chuyến về các trường trung học cơ sở các huyện để lựa tìm trò giỏi, đầu tiên là cho môn toán. Nửa đùa và nửa thật, tôi hỏi, thương hiệu Quốc Học cần chi phải đi tìm, “hữu xạ tự nhiên hương” mà. Thầy Thọ lắc đầu, có nhiều em ở các huyện giỏi lắm, nhưng vẫn lo ngại khi đăng ký vào trường chuyên.

Nhớ chục năm trước, học trò các tỉnh về Huế để học Quốc Học khá nhiều. Càng ngày, càng ít dần đi khi mỗi năm chỉ có khoảng 50 em trúng tuyển. Còn học trò trường huyện trong tỉnh cũng chỉ có tầm 40 - 50 em trong số 420 học sinh tuyển sinh hàng năm. Lý giải điều này, thầy Thọ cho rằng, nhiều em ở nông thôn vẫn có tâm lý sợ khó đậu vào Quốc Học nên không muốn thử sức. Thế nên, đích danh hiệu trưởng cũng phải đi tìm nguồn. Thầy bảo, mỗi vùng có một thế mạnh giỏi một môn nào đó, chỉ cần một trường phát hiện ra một em thôi cũng đã mừng lắm rồi. Cứ hướng dẫn thi vào trường mình, sẽ tìm cách mài giũa để "ngọc" sáng dần lên.

Học sinh tham dự cuộc thi Robocon

Tôi cảm nhận được rằng, thầy Thọ lạc quan và có tầm chiến lược khi năm học 2021 - 2022, Thừa Thiên Huế xếp thứ 9 toàn quốc về học sinh đoạt giải quốc gia, vị thứ đáng mơ ước của nhiều tỉnh, thành ở giáo dục mũi nhọn. Riêng 5 năm gần đây, Thừa Thiên Huế có 5 học sinh đoạt giải quốc tế và châu Á. Biết rằng, lọt qua cánh cửa này là điều không dễ khi mỗi đội tuyển đi thi quốc tế chỉ có 4 bạn được lựa chọn kỹ càng ở 63 tỉnh, thành. Thừa thắng xông lên, tôi hỏi thầy Thọ có bao giờ muốn khẳng định vị thế của trường chuyên Quốc Học trong việc đào tạo học sinh thi ở đấu trường quốc tế. Thầy Thọ khá dè dặt khi bảo rằng, chưa dám “múa rìu qua mặt thợ" khi trường chuyên ở các tỉnh bạn đầu tư rất mạnh cho giáo dục mũi nhọn.

Dù thế nào chăng nữa thì yếu tố phát hiện nhân tài vẫn là quan trọng, bởi “có bột mới gột nên hồ”. Và, câu chuyện đi tìm trò giỏi của thầy Thọ thực ra cũng không mới. Các bộ môn sinh học, vật lý, hóa học lúc nào cũng có nguồn học sinh dồi dào nhờ vào chuyện đi “săn” học trò giỏi ở các trường THCS.

Thầy giáo Lê Quốc Anh giáo viên dạy bộ môn vật lý kể, mình có mối quan hệ tốt với giáo viên dạy vật lý ở các trường nên hay được “mách nước’’ để đặt hàng, “om” các em từ lớp 9 lên. Cô Nguyễn Thị Diệu Hạnh, giáo viên bộ môn sinh cũng có cách làm tương tự. Chỉ cần phát hiện học sinh có tố chất với bộ môn này, cô sẽ kèm cặp từ năm lớp 9, thi đỗ vào Trường THPT chuyên Quốc Học rồi mới tính đến các bước tiếp theo.

Được nhiều trái ngọt

Nhớ lại Lê Công Minh Hiếu, nhiều người vẫn cho rằng, thầy giáo Lê Quốc Anh “bắt bệnh” tốt. Hiếu là học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương, học rất giỏi, nhưng đi thi tâm lý không ổn định nên đoạt giải không cao. Thầy Quốc Anh phát hiện, em thiếu kỹ năng nên vận dụng kiến thức vào bài thi không chuẩn. Hiếu được rèn luyện cách làm bài thi nhiều hơn. Thế nên, em không còn bị ám ảnh bởi câu “học tài thi phận” nữa khi nhiều năm liền đều đoạt giải cao, Huy chương Vàng kỳ thi Olympic khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ, giải nhất tỉnh, giải nhất quốc gia. Đặc biệt, năm học 2019, khi còn là học sinh lớp 11, Lê Công Minh Hiếu đoạt Huy chương Đồng môn Vật lý châu Á 2019.

Học sinh nghiên cứu khoa học ở phòng thí nghiệm

Trương Đông Hưng và Hồ Việt Đức là những học sinh điển hình mà cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hạnh và tổ chuyên sinh áp dụng có hiệu quả phương pháp tuyển chọn, bồi dưỡng ngay từ khi em vào lớp 10. Hồ Việt Đức tiếp thu rất nhanh, có nhiều kiến thức nhưng chữ xấu, trình bày bài thi chưa sáng, dễ mất điểm nên cô và trò tiếp tục rèn giũa. Vậy mới thấy, nếu thầy cô giáo không có được con mắt tinh đời, có cái tâm sáng, biết chọn được trò giỏi để rèn luyện, hẳn sẽ không có những học sinh đạt giải cao ở cấp quốc gia và tiếp tục ôn luyện để ra đấu trường quốc tế.

Chuẩn bị tham dự các đội tuyển, thầy giáo Lê Quốc Anh thường lựa những em giỏi, thông minh, bình tĩnh và cẩn thận, từ đó đưa ra phương pháp dạy riêng. Ngay như Nguyễn Hải Vỹ và Hồ Ngọc Vĩnh Phát, lúc đầu không phải là người có thành tích nổi bật nhất. Giáo viên phát hiện ra tố chất trong Vỹ, nhưng “viên ngọc” ấy chưa được rèn giũa, bởi em chưa từng qua một lò luyện thi nào do sống xa trung tâm, hoàn cảnh khó khăn. Còn Hồ Ngọc Vĩnh Phát không "nhắm" đi thi quốc tế, bởi lớp 10 chưa thực sự xuất sắc, nhưng em đã bứt phá ngoạn mục vào năm lớp 12 để đoạt Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Tin học khu vực châu Á - Thái Bình Dương (2021) và quốc tế (IOI) 2021.

Niềm tin từ một đề án

Áp lực vào đội tuyển là có thật. Chưa xong chương trình lớp 10, các em đã phải hoàn tất chương trình từ lớp 10 đến 12. Gấp rút nhưng không vội vàng và với sự tinh tường của người thầy, học trò làm rất nhiều bài kiểm tra, có khi đến 7 - 8 lần, mới chọn được. Lọt qua được khung cửa hẹp, những “chú gà chọi” phải đối mặt với hàng loạt kỳ thi học sinh giỏi. Chính vì vậy, học sinh giỏi chỉ còn biết học và học, tập trung vào môn chuyên để có cơ hội đoạt giải. Nhà của giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi quốc gia lúc nào cũng như “đại bản doanh”, các em có thể đến bất cứ lúc nào để ôn luyện.

Rõ ràng, tham vọng đào tạo đội ngũ học sinh giỏi “đem chuông đi đánh xứ người” là có, nhưng điều mà lâu nay vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn khi đầu tư công sức và kinh phí cho giáo dục mũi nhọn còn thấp, chưa kể có nhiều chính sách trở nên lạc hậu. Thế nên, mới đây có hẳn một đề án phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học với nhiều đãi ngộ cho giáo viên và học trò, nhất là giáo dục đỉnh cao. Cũng trong đề án, mức khen thưởng cho học trò đoạt huy chương vàng quốc tế đã cao gấp 5 lần với số tiền lên đến 300 triệu đồng/em. Học sinh đạt giải khu vực sẽ được hưởng mức thưởng 70% giải quốc tế và giải quốc gia cũng tăng gấp 2 lần so với trước đây.

Tất cả đã sẵn sàng cho việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ học sinh "vàng" cho Quốc Học. Chỉ cần các em hội tụ được các tố chất, như thật sự đam mê với môn chuyên, khả năng tư duy cực kỳ tốt, ngoại ngữ giỏi và quan trọng không kém khi phải có thể lực tốt mới chịu được sức ép từ đấu trường quốc tế. Đó phải là thứ “vàng ròng” và những giáo viên dạy đội tuyển là những người “đãi cát tìm vàng”.

Bài: Huế Thu

Ảnh: Huế Thu - Quỳnh Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dang-sau-nhung-tam-huy-chuong-a122842.html