Giáo dục trực quan bằng cách đưa tiêu bản Trống đồng Ngọc Lũ vào trường học

Mới đây, Quỹ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam đã trao tặng tiêu bản bảo vật văn hóa Trống đồng Ngọc Lũ - Đông Sơn cho hệ thống trường Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel.

Quỹ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam trao tặng tiêu bản bảo vật văn hóa Trống đồng Ngọc Lũ - Đông Sơn cho hệ thống trường Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel

Quỹ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam trao tặng tiêu bản bảo vật văn hóa Trống đồng Ngọc Lũ - Đông Sơn cho hệ thống trường Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel

Được biết, đây là lần đầu tiên Quỹ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức sự kiện trao tặng tiêu bản bảo vật văn hóa Trống đồng Ngọc Lũ - Đông Sơn cho một trường học. Việc trao tặng này nhằm củng cố và nâng cao sự giao thoa, trao đổi và cùng đào tạo kiến thức lịch sử cho các học sinh trong nước và quốc tế tại trường.

Theo PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội di sản Văn hóa Việt Nam, cho biết: Bảo vật Trống đồng Ngọc Lũ - Đông Sơn chính là di vật biểu tượng của thời kỳ hình thành và phát triển của nền văn minh Việt cổ.

Trống đồng Ngọc lũ được biết đến là một trong những chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn và hoa văn phong phú nhất. Đây còn là bảo vật đầu tiên trong danh sách những Bảo vật Quốc gia được công nhận. Người ta cho rằng, trống đồng Ngọc Lũ nằm trong những dòng trống cổ nhất của Việt Nam, được ví như "một quyển sách chép lại toàn bộ văn hóa thời kỳ Đông Sơn cách đây 2.500 năm bằng hình ảnh”.

Thay mặt cho nhà trường, bà Hoàng Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel đón nhận món quà quý “Trống đồng Đông Sơn” từ Hội di sản Văn hóa Việt Nam. Bà khẳng định sẽ trưng bày, tiếp tục lan tỏa các giá trị tốt đẹp của văn hóa lịch sử, đưa các phẩm vật truyền thống vào trong các bài học lịch sử và rèn luyện các học sinh thêm trân quý giá trị văn hóa ông cha ta để lại.

Đánh giá về việc trao tặng tiêu bản Trống đồng cho một cơ sở đào tạo, Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, cho rằng "nhà trường phải vừa là trung tâm giáo dục vừa là trung tâm văn hóa. Như vậy, việc đưa một hiện vật văn hóa vào nhà trường sẽ giúp các học sinh thêm hiểu về nền văn minh cách đây hàng nghìn năm, từ đó tiếp tục học tập, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, gìn giữ và lan tỏa sức sống của di sản cho các thế hệ học sinh".

Cũng theo bà Đặng Thị Bích Liên, đây chính là "hình thức giáo dục trực quan", góp phần giúp các em học sinh học tập và tiếp thu hiệu quả hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giao-duc-truc-quan-bang-cach-dua-tieu-ban-trong-dong-ngoc-lu-vao-truong-hoc-post434624.html