Giáo dục tuần qua: Hiệu trưởng cầm cố sổ đỏ nhà trường; kiểm soát thực phẩm vào trường học

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm trong trường học; Cách chức Hiệu trưởng mang sổ đỏ của trường đi cầm cố; Sở GD&ĐT Hà Nội thu hồi 9 bằng tốt nghiệp THPT;... là những thông tin giáo dục nổi bật nhất trong tuần qua.

Còn 14 học sinh iSchool Nha Trang tiếp tục điều trị trong bệnh viện

Tính đến chiều ngày 25/11, 14 học sinh vẫn tiếp tục điều trị sau vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang. Những bệnh nhân còn lại hiện được điều trị tại bệnh viện 22-12 (có 9 ca), bệnh viện đa khoa tỉnh (1 ca), bệnh viện quốc tế Vinmec (4 ca). Đa số các em đã qua giai đoạn nặng, sức khỏe ổn định, tỉnh táo.

14 học sinh Ischool Nha Trang vẫn điều trị trong bệnh viện. (Ảnh: Xuân Ngọc/VietNamNet)

Liên quan tới vụ ngộ độc, trả lời VietNamNet, thầy Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho hay đã lên kế hoạch để học sinh trở lại lớp sau 1 tuần ra tạm dừng để các em điều trị. Trường đã thông báo gửi phụ huynh cam kết thanh toán chi phí điều trị cũng như tái khám cho tất cả học sinh bị ngộ độc, kể cả tại bệnh viện lẫn ở nhà. Học sinh khi còn nằm viện nhà trường trực tiếp trả viện phí, nên khi các em xuất viện, phụ huynh chỉ cần ký xác nhận. Đối với học sinh đã xuất viện trước đó, người nhà lấy hóa đơn thanh toán viện phí, mua thuốc… hay chứng từ liên quan, trường sẽ hoàn trả lại tiền. Nếu học sinh điều trị tại nhà, trường trả chi phí đi lại cho phụ huynh. Đồng thời, khi học sinh tái khám, phụ huynh chủ động lựa chọn cơ sở y tế theo nguyện vọng để đưa con đến kiểm tra, sau đó lấy hóa đơn, trường trả chi phí.

Trước đó, Sở Y tế Khánh Hòa ghi nhận từ tối 17/11 đến chiều 24/11, các bệnh viện tiếp nhận 665 học sinh và nhiều giáo viên trường iSchool Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 ca tử vong. Các chuyên gia y tế nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất trong khối học đường.

Vào cuộc điều tra, Công an Khánh Hòa xác định dấu hiệu tội phạm và đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" theo Điều 317 Bộ luật Hình sự xảy ra tại trường.

Bộ GD&ĐT yêu cầu kiểm soát chặt nguồn thực phẩm vào trường học

Theo Bộ GD&ĐT, thời gian vừa qua, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên gây hậu quả nghiêm trọng. Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ đề nghị UBND các tỉnh/TP chỉ đạo các Sở GD&ĐT, Sở y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên… về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi.

Bộ cũng yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc Luật An toàn thực phẩm và các quy định có liên quan của Bộ Y tế, tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền trong việc đảm bảo dinh dưỡng, huy động ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia các hoạt động thanh, kiểm tra để giám sát việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Gần 650 học sinh trường iSchool Nha Trang ngộ độc thực phẩm phải điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, cần tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm. Duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục.

Sở GD&ĐT Hà Nội thu hồi 9 bằng tốt nghiệp THPT

Sở GD&ĐT Hà Nội đã có quyết định thu hồi 9 bằng tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ GD&ĐT cấp trùng số hiệu phôi bằng. Theo danh sách thu hồi, có 2 cựu học sinh của Trường THPT Quang Trung - Hà Đông và 7 cựu học sinh của Trường THPT Quốc Oai. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị quản lý học sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT trong danh sách này có trách nhiệm thông báo tới học sinh thực hiện theo đúng quy định.

Danh sách các học sinh bị cấp trùng số hiệu bằng tốt nghiệp THPT phải thu hồi.

Theo diện Sở GD&ĐT Hà Nội, nguyên nhân của sự việc này là phôi bằng của Bộ GD&ĐT cấp cho các học sinh này bị trùng với 9 học sinh khác về số hiệu phôi. Vì thế, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ cấp lại phôi khác để Sở GD&ĐT cấp lại bằng cho 9 học sinh này.

Hiệu trưởng bị cách chức vì lấy sổ đỏ nhà trường đi cầm cố

Ngày 24/11, thông tin từ UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), đơn vị này vừa có quyết định về việc kỷ luật cách chức đối với ông Mai Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa. Ông Huyền bị cách chức vì đã vi phạm những điều viên chức không được làm, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: Tiến Thành/Dân trí)

Trước đó vào khoảng tháng 4, dư luận tại Quảng Bình xôn xao về việc ông Mai Thanh Huyền mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của nhà trường để cầm cố. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tuyên Hóa cũng đã vào cuộc xác minh và kết luận, ông Mai Thanh Huyền đã vi phạm trong việc vay, mượn tiền của các tổ chức, cá nhân; thuê xe ô tô của người khác, sử dụng khuôn dấu của trường không đúng quy định. Bên cạnh đó, ông Huyền còn sử dụng sổ đỏ của Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa, quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng của bản thân để cầm cố, vay mượn dẫn đến không có khả năng thanh toán với số tiền 960 triệu đồng.

Những khuyết điểm, vi phạm của ông Mai Thanh Huyền là nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và tổ chức. Trước khi bị cách chức hiệu trưởng, ông Huyền cũng đã bị Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa kỷ luật cách chức Chi ủy viên, Bí thư Chi bộ Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa, nhiệm kỳ 2020-2022.

Công nhận 383 giáo sư và phó giáo sư năm 2022

Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ban hành Quyết định số 88/QĐ-HĐGSNN về việc công nhận 383 người đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022. Theo đó, có 383 ứng viên giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn chức danh năm 2022 (34 giáo sư và 349 phó giáo sư ở 28 ngành và liên ngành).

Theo quy định, danh sách 383 ứng viên trên đã được công bố trong thời hạn 15 ngày và không có đơn thư phản ánh, nên Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022. Năm 2022, ngành nhiều ứng viên đạt tiêu chuẩn phó giáo sư nhất là Kinh tế với 45 ứng viên và Hóa học - Công nghệ thực phẩm 43 ứng viên.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có ứng viên đạt chuẩn trong danh sách tổ chức công nhận và trao quyết định.

Thanh Hải (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc-tuan-qua-hieu-truong-cam-co-so-do-nha-truong-kiem-soat-thuc-pham-vao-truong-hoc-172221126090855617.htm