Giáo dục tuần qua: Nhiều vi phạm trong lựa chọn SGK; nữ cán bộ ở Huế làm lộ đề thi toàn tỉnh

Bộ GD&ĐT chỉ ra hàng loạt sai sót trong lựa chọn sách giáo khoa tại 6 địa phương; Nữ cán bộ ở Thừa Thiên - Huế làm lộ đề thi học kỳ 1 lớp 12 toàn tỉnh vì 'thương cháu';... là những tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, dự thảo chỉ cho phép thí sinh mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và Atlat Địa lý Việt Nam khi thi môn Địa lý.

So với quy chế trước đây, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu.

Thay đổi đáng chú ý là dự thảo quy định, thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến bên cạnh việc đăng ký dự thi trực tiếp như trước đó, tại trường phổ thông nơi học lớp 12.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, thí sinh không rời khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian tự luận mà phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Các em vẫn phải nộp lại bài kèm đề thi và giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng và di chuyển đến phòng chờ. Với quy định hiện hành, thí sinh có thể rời phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài.

Một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,5 điểm ưu tiên cũng được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo, cụ thể:

Người dân tộc thiểu số đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương và có nơi thường trú ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi, để ban hành và áp dụng ngay trong năm nay.

200 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở Quảng Nam nghỉ việc

Ngày 12/1, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Trần Anh Tuấn báo cáo về thực trạng giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục (CBQL giáo dục) nghỉ việc.

Theo báo cáo, từ năm 2020 đến năm 2022, tổng số GV, CBQL giáo dục thuộc các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh nghỉ việc là 200 người (năm 2020: 41 người; năm 2021: 39 người; năm 2022: 120 người).

Trong đó, cấp mầm non có 88 người, cấp tiểu học là 67 người, cấp THCS là 33 người và cấp THPT là 12 người. Hầu hết GV, CBQL giáo dục nghỉ việc đang công tác tại các trường công lập.

200 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại Quảng Nam nghỉ việc. (Ảnh: Thanh Hùng/Vietnamnet)

Về nguyên nhân, ông Tuấn lý giải, do địa bàn tỉnh rộng, nhiều huyện miền núi, nhiều giáo viên do điều kiện công tác xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghỉ việc để tìm công việc thuận lợi hơn; đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong số đó có một số trường hợp GV, CBQL nghỉ việc ở địa phương này do đã trúng tuyển vào viên chức ở địa phương khác.

Bộ GD&ĐT nêu những sai sót của 6 địa phương trong lựa chọn sách giáo khoa

Ngày 10/1, Thanh tra Bộ GD&ĐT ra văn bản số 05/TB-BGDĐT thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND tỉnh trong lựa chọn sách giáo khoa và quy trình lựa chọn sách giáo khoa tại 6 địa phương. Đó là các tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi và Khánh Hòa.

Kết luận nêu, UBND các tỉnh cơ bản đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa và các quyết định ban hành tiêu chí, thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, quyết định ban hành danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Tuy nhiên, kết luận cũng nêu những nội dung còn hạn chế, thiếu sót.

Sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: VTC News)

Tỉnh Khánh Hòa thành lập các Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 6, lớp 7, lớp 10. Trong đó, một số hội đồng chưa bảo đảm thành phần theo quy định (có ít nhất 2/3 thành viên tham gia hội đồng là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó).

UBND tỉnh Đắk Lắk công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 chậm 2 tháng so với quy định. Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Krong Pak và Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) giao nhiệm vụ cho giáo viên của tổ chuyên môn không đúng chuyên môn nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa.

Trong quá trình lựa chọn, các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của các tỉnh Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp không xây dựng báo cáo UBND tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và tiếp thu ý kiến lựa chọn sách giáo khoa của các trường trung học theo quy định.

Tỉnh Khánh Hòa không tổ chức lựa chọn thành viên tham gia hội đồng từ cơ sở giáo dục đối với 2 môn học Âm nhạc, Mỹ thuật (lý do không có giáo viên) ở cấp THPT là vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.

Tại Quảng Ngãi, đến thời điểm thanh tra, đối với lớp 10, chỉ có 31/40 trường THPT tổ chức chọn đối với môn Âm nhạc và có 16/40 trường THPT tổ chức lựa chọn môn Mỹ thuật.

Trường THPT Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang đã thiếu minh chứng thể hiện việc hướng dẫn các tổ chuyên môn, giáo viên lựa chọn sách giáo khoa lớp 10. Một số biên bản lựa chọn sách giáo khoa không đúng quy định.

Với những sai sót trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (tỉnh Kiên Giang, Long An, các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa Trung học tỉnh Đồng Tháp) tiếp tục thực hiện đúng quy trình và bảo đảm tôn trọng ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục. Thực hiện báo cáo đầy đủ quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ban hành quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Nữ cán bộ ở Thừa Thiên - Huế làm lộ đề thi học kỳ 1 lớp 12 toàn tỉnh

Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, qua truy vết làm rõ sự cố nghi lộ đề thi một thi tại kỳ thi học kỳ 1 lớp 12, đơn vị đã bước đầu làm rõ.

Từ tin nhắn mã đề kiểm tra học kỳ của học sinh bị phát hiện sử dụng trên điện thoại cá nhân tại phòng kiểm tra học kỳ 1 ở một trường THPT trên địa bàn, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã truy vết, xác minh.

Sở đã tìm ra nguyên nhân, theo đó sau khi nhận đề thi chung từ ngân hàng đề thi của Sở, một nữ cán bộ Trường THPT Nguyễn Sinh Cung (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong quá trình quản lý đề in sao đã tìm cách lấy phần tự luận môn Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) mang về cho cháu đang theo học tại một Trường THPT ở TP Huế.

Học sinh này sau đó đã chia sẻ đề thi cho bạn nên đề kiểm tra khối 12 vào ngày 7/1 bị lộ.

Sở GD&ĐT tỉnh đã tiến hành họp, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân cán bộ vi phạm của Trường THPT Nguyễn Sinh Cung. Tại cuộc họp, nữ cán bộ vi phạm giải thích, việc lấy đề kiểm tra đưa cho cháu vì "thương cháu".

Hiện Sở này sớm xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân nữ giáo viên Trường THPT Nguyễn Sinh Cung. Cùng với đó, sẽ tiến hành kỷ luật và xử lý các học sinh đã sử dụng tài liệu bị lập biên bản

Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường truy vết và tổ chức kiểm tra lại môn học bị lộ đề.

Học sinh lớp 10 được đổi môn tự chọn vào cuối năm học

Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT.

Nội dung công văn nêu rõ: Tiếp theo Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 về triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, trước tình hình thực tế hiện nay đối với năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT, Bộ GD&ĐT hướng dẫn tạm thời việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông.

Theo đó, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học tự chọn, cụm chuyên đề học tập, việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học tự chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Với những học sinh có nguyện vọng chuyển đổi và được nhà trường chấp nhận, nhiệm vụ của các em là phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo. Bản cam kết này cần có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ.

Nhiệm vụ của nhà trường là phải có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Thanh Hải (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc-tuan-qua-nhieu-vi-pham-trong-lua-chon-sgk-nu-can-bo-o-hue-lam-lo-de-thi-toan-tinh-172230115085713154.htm