Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn có những bước tiến quan trọng

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH TW Đảng, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh Bắc Kạn đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục toàn diện đều có những bước tiến mới.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục Bắc Kạn đã và đang đổi mới toàn diện theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục Bắc Kạn đã và đang đổi mới toàn diện theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH TW Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước ta.

Coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, thông qua Nghị quyết số 29, Đảng xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đây là chiến lược rất đúng đắn và phù hợp với đòi hỏi thực tiễn đất nước.

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.

Với 09 nhóm giải pháp đề ra, Nghị quyết phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực…

Giáo dục Bắc Kạn chuyển biến mạnh mẽ

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều Chương trình hành động, nghị quyết, chỉ thị và kế hoạch… để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết.

Sau 10 năm, giáo dục và đào tạo Bắc Kạn có những chuyển biến mạnh mẽ. Đến hết năm 2022, 100% cơ sở giáo dục công lập của tỉnh đã có đảng bộ hoặc chi bộ đảng (độc lập hoặc ghép); tổng số đảng viên trong các cơ sở giáo dục là 5.030 đồng chí. Các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục; đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục bảo đảm trung thực, khách quan. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2013 đến năm 2022 trung bình đạt trên 95%. Hiện cả tỉnh có 106/283 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 37,4%.

Tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển GD&ĐT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, THPT và giáo dục liên thông được quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 100% thôn, tổ dân phố có chi hội khuyến học.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được chú trọng phát triển, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Năm học 2022-2023, đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông của tỉnh là 5.273 người, trong đó số giáo viên trên chuẩn là 1.160 người (chiếm 22%). Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã tuyển dụng được 1.293 viên chức sự nghiệp GD&ĐT; tổ chức thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II cho 265 giáo viên.

Chính sách, cơ chế tài chính được đổi mới, huy động được sự tham gia đóng góp tích cực của xã hội cho phát triển GD&ĐT. Tổng chi ngân sách cho giáo dục trong giai đoạn 2013-2023 là hơn 14.760 tỷ đồng, bằng 22,9% tổng chi ngân sách của tỉnh. Cùng với các nguồn vốn lồng ghép khác, cơ sở vật chất giáo dục, nhất là ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được quan tâm đầu tư. Chế độ chính sách cho học sinh thuộc các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện đúng quy định.

Những đòi hỏi của thực tiễn và giải pháp

Có thể thấy, giáo dục và đào tạo của tỉnh đã thực sự có những đổi thay “căn bản”, “toàn diện”. Sự tác động to lớn của công cuộc chuyển đổi số đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền và toàn ngành GD&ĐT phải khai thác hiệu quả thời cơ, thuận lợi, phát huy thành tựu đã đạt được trong những năm qua để tiếp tục vươn lên.

Trong đó giải pháp đầu tiên được Tỉnh ủy đề ra là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị xã hội tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD&ĐT.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Tiếp tục sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng thị trường lao động…/.

Đăng Bách

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/giao-duc-va-dao-tao-bac-kan-co-nhung-buoc-tien-quan-trong-post58035.html