Giáo dục về… thực phẩm

'Tôi nghe nói nền giáo dục sau này sẽ lấy ba trọng tâm là: 'trí dục', 'thể dục, 'đức dục'. Nhưng tôi luôn hi vọng, người ta sẽ cho thêm vào một yếu tố nữa đó là 'giáo dục thực phẩm', để tạo nên một nền giáo dục hay một nền y học giúp nhiều người nhận thức đúng đắn hơn về thực phẩm.'

Đó là nguyện vọng của Tiến sĩ Hiromi Shinya (sinh năm 1935 tại Nhật Bản) được ông chia sẻ trong cuốn sách “Nhân tố enzyme” (NXB Thế giới). TS Hiromi Shinya - người được mệnh danh là “bác sĩ phẫu thuật nội soi số 1 của Mỹ” - nhận định việc giáo dục thực phẩm với đối tượng trẻ em là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Trong cuốn sách “Nhân tố enzyme”, TS Hiromi Shinya giảng giải cho chúng ta kiến thức về enzyme, vai trò của enzyme đối với sức khỏe cũng như cách ăn uống, sinh hoạt để cơ thể mạnh khỏe.

Theo đó, enzyme là tên gọi chung cho các chất xúc tác sinh học có thành phần cơ bản là protein, được tạo thành trong các tế bào sinh vật. Enzyme tham gia vào tất cả các hoạt động thiết yếu duy trì sự sống.

Tiến sĩ, bác sĩ Hiromi Shinya nhận định việc giáo dục thực phẩm với đối tượng trẻ em là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Theo bác sĩ Hiromi Shinya, các hoạt động sống của con người được duy trì bằng rất nhiều loại enzyme khác nhau. Không kể đến quá trình hấp thụ, tiêu hóa, ngay cả quá trình trao đổi chất, tạo tế bào mới hay đào thải độc tố trong cơ thể cũng có sự tham gia của các enzyme.

Lượng enzyme trong cơ thể là chìa khóa nắm giữ “vận mệnh” của sinh vật. Nếu trong cơ thể có nhiều enzyme, đồng nghĩa với năng lượng sống, khả năng miễn dịch của cơ thể cao.

Việc hấp thu các loại thức ăn có chứa nhiều enzyme sẽ giúp củng cố môi trường đường ruột, hỗ trợ cho các vi sinh vật trong ruột sản sinh ra enzyme.

TS Hiromi Shinya giải thích rằng, thực phẩm chứa nhiều enzyme là thực phẩm tốt, thực phẩm chứa ít hoặc không có enzyme là thực phẩm xấu. Rau, củ, quả hay thịt, cá càng tươi thì càng chứa nhiều enzyme. Tốt nhất là ăn các thực phẩm được trồng ở các vùng đất đai màu mỡ, giàu khoáng chất, không sử dụng các chất hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật và ăn ngay sau khi thu hoạch.

Rau, củ, quả càng tươi thì càng chứa nhiều enzyme. (Ảnh minh họa)

Từ kết quả lâm sàng khi tiến hành kiểm tra dạ dày của hơn 300.000 bệnh nhân, bác sĩ Hiromi Shinya rút ra kết luận: “Người có sức khỏe tốt là người có dạ dày đẹp, ngược lại, người có sức khỏe kém là người có dạ dày không đẹp.” Một đặc điểm chung của những người có dạ dày, đường ruột tốt là họ ăn rất nhiều thức ăn tươi có chứa nhiều enzyme.

Theo bác sĩ Hiromi Shinya, cùng với việc ăn thức ăn giàu enzyme, chúng ta cần hạn chế những thói quen khiến tiêu tốn lượng enzyme trong cơ thể, mà trong đó thói quen sinh hoạt tồi tệ nhất là uống rượu và hút thuốc lá.

Trong cuốn sách “Nhân tố enzyme”, TS Hiromi Shinya cũng giới thiệu về phương pháp sống lâu và khỏe mạnh mà ông đã dày công nghiên cứu cùng với sự trợ giúp của đông đảo các bệnh nhân của ông.

TS, bác sĩ Hiromi Shinya nhận định “giáo dục thực phẩm” là một nhu cầu cấp thiết. Trong khi đó, ông cũng cho rằng phần lớn mọi người không hiểu cái gì mới thực sự tốt cho sức khỏe bản thân. Theo khuyến cáo của bác sĩ Hiromi Shinya, “nếu không có những kiến thức đúng đắn, bạn sẽ bị xoay quanh bởi các công ty truyền thông quảng cáo mà thôi.”

Với thông điệp “để sống lâu và khỏe mạnh, con người phải biết cách bổ sung enzyme và hạn chế tiêu tốn enzyme”, cuốn sách “Nhân tố enzyme” đã góp phần thực hiện được mong muốn “giáo dục thực phẩm” cho mọi người của bác sĩ Hiromi Shinya. Những kiến thức trong cuốn sách sẽ giúp chúng ta biết cách chọn cho mình những thực phẩm giàu enzyme cũng như chọn cho mình lối sống giúp tiết kiệm enzyme. Nhờ đó, chúng ta có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.

Theo Dantri.vn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/giao-duc-ve-thuc-pham-3438053-l.html