Giáo dục với thị trường lao động

Thế giới việc làm trải qua những biến đổi về cấu trúc to lớn do tiến bộ công nghệ, sản xuất chuyên môn hóa phát triển và mối quan hệ việc làm đang thay đổi lại. Theo Obert Pimhidzai (2017), việc công nghệ mới mang lại lợi ích hay tiêu cực cho người lao động phụ thuộc vào mối quan hệ giữa hai bên.

Ngoài đào tạo tay nghề cho người lao động thì cuộc CMCN4.0 cũng đòi hỏi sự linh hoạt trong mỗi con người để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tác động đến việc làm

PGS.TS Trần Thị Thái Hà - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Khoa học Lao động và Xã hội đặt vấn đề khi nghiên cứu về “GD-ĐT với thị trường lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Cả hai PGS đều là thành viên tác giả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”, trong đó PGS.TS Trần Thị Thái Hà là chủ nhiệm đề tài.

Theo hai tác giả, thực tế nhiều nước cho thấy, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động khác nhau đối với các nhóm nghề khác nhau. Đối với những nghề gắn với lao động kỹ năng cao, công nghệ mới hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, còn đối với những nghề công nghệ có thể thay thế lao động thì có nguy cơ bị mất/giảm việc làm.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, do tạo ra nhiều việc làm có chất lượng cao hơn và tiền lương cao hơn. Cụ thể, nếu công nghệ mới hỗ trợ các ngành nghề yêu cầu kĩ năng cao, sẽ tăng cơ hội việc làm cho lao động có kĩ năng và khi cung lao động không đáp ứng kịp, sẽ làm tăng tỉ lệ hoàn trả đào tạo cho nhóm lao động này, đồng thời dẫn đến tăng năng suất lao động, cải thiện sản xuất nhanh và đa dạng hơn kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm (vòng xoáy tác động đi lên).

PGS.TS Trần Thị Thái Hà và PGS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, công nghệ mới tiềm ẩn những nguy cơ mất nhóm công việc thủ công, làm việc theo trình tự, kết quả làm tăng tính dễ bị tổn thương của việc làm và quy mô của khu vực phi chính thức.

Việc làm phi chính thức trên tổng số việc làm phi nông nghiệp còn khoảng 70% ở Indonesia, Philippines và Việt Nam. Việc làm dễ bị tổn thương vẫn chiếm trên 50% tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, trong khi ở khu vực Đông Nam Á, con số này khoảng 40%.

Việc áp dụng tự động hóa hiện tại và tương lai có ảnh hưởng đáng kể đến quy mô lực lượng lao động sử dụng để tạo ra với cùng mức hoặc nhiều sản lượng hơn. Điều này dẫn đến sa thải lao động, đồng thời cũng thay đổi nội dung công việc của những người được giữ lại.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, các tác động về việc làm sẽ càng trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, việc làm sẽ có nguy cơ bị phân tán và linh hoạt. Một số khu vực có giá trị gia tăng đối với nền kinh tế và góp phần tạo ra nhiều việc làm sẽ gặp phải thách thức do số hóa và tự động hóa mang lại. Những thách thức này sẽ càng trầm trọng hơn khi các nước trong khu vực phải đấu tranh với sự thiếu hụt việc làm bền vững do sự hiện diện của khu vực phi chính thức. Các xu hướng này cũng quan sát thấy ở Việt Nam: Có sự chuyển dịch từ công việc đơn điệu và thủ công sang các đa dạng và yêu cầu kĩ năng cao.

Thúc đẩy cơ chế làm việc linh hoạt

Theo nhóm tác giả, thị trường lao động sẽ có sự thay đổi rõ nét với đặc trưng của việc làm linh hoạt (kèm theo là sự bất ổn định của việc làm), thể hiện ở các phương diện sau: Thứ nhất, linh hoạt về số lượng lao động được sử dụng: Các doanh nghiệp có thể dễ dàng điều chỉnh kế hoạch nhân sự của họ theo khối lượng công việc và các nhiệm vụ.

Bài viết được biên tập, lược dẫn từ bài nghiên cứu khoa học “GD-ĐT với thị trường lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của PGS.TS Trần Thị Thái Hà và PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, đăng trên Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam - số 01/tháng 1/2018.

Thứ hai, linh hoạt về thời gian làm việc: Số lao động làm việc bán thời gian sẽ tăng lên. Thứ ba, linh hoạt về địa điểm làm việc: Cùng một thời gian, số người làm cùng một công việc từ các địa điểm khác nhau (nhờ kết nối của công nghệ); hình thức làm việc tại nhà và các hình thức khác sẽ tăng lên, song do tác động của Internet vạn vật, các vị trí làm việc cũng linh hoạt theo địa bàn và kết nối với nhau.

Thứ tư, linh hoạt về cơ quan: Một công việc có thể nhiều người làm, một người có thể làm nhiều cơ quan, có thể vừa làm chủ - vừa làm thuê. Có sự gia tăng tỉ lệ lao động kết hợp một hoặc nhiều công việc bán thời gian với các công việc tự do.

Việc gia tăng việc làm linh hoạt cũng đồng nghĩa với việc gia tăng bất bình đẳng việc làm, trong đó nhóm bị mất việc làm sẽ bị giảm về thu nhập và điều kiện việc làm bị kém đi.

Thách thức lớn từ Cuộc cách mạng 4.0

Cùng với những tác động trực tiếp đối với thị trường lao động, nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang đặt ra cho các nước những thách thức lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất: Thách thức đối với với hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục ở các nước thường chậm thay đổi, khó đáp ứng kịp với nhu cầu mới. Bên cạnh đó, sẽ thay đổi yêu cầu về kĩ năng. Theo đó, các kĩ năng mềm và kĩ thuật tăng cao; mất việc làm sẽ xảy ra ở các nghề có nội dung công việc lặp đi lặp lại, đòi hỏi các kĩ năng, trình độ thấp và thủ công.

Tuy nhiên, hệ thống GD-ĐT của đa số nước đang phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu của các chủ doanh nghiệp. Các kĩ năng này đang thiếu ở Việt Nam, thậm chí có cơ sở đào tạo vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của sự thay đổi.

Thứ hai: Gia tăng bất bình đẳng. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ kéo theo tình trạng mất việc làm mà hệ lụy của nó là gia tăng sự mất bình đẳng về việc làm và thu nhập. Những người có trình độ cao hơn được hưởng lợi nhiều hơn do có việc làm tốt hơn, còn những người có trình độ thấp phải đối mặt với những bất lợi về mất việc làm.

Đối với những người không bị mất việc làm, lại xuất hiện những rủi ro mới như: Các dạng tai nạn nghề nghiệp và vấn đề sức khỏe mới. Ở một số ngành nghề, người lao động phải luôn sẵn sàng làm việc suốt ngày đêm, sự phân chia thời gian cho công việc và nghỉ ngơi bị yếu dần và môi trường làm việc không được bố trí một cách tốt nhất sẽ gây ảnh hưởng đến thể chất và tâm lí.

Ngoài ra, khoảng cách tiền lương của lao động có tay nghề cao và thấp có sự gia tăng và sự bất bình đẳng ngày càng tồi tệ hơn. Điều này sẽ được thấy rõ hơn ở các nước đang phát triển trong các ngành sản xuất thâm dụng lao động.

Các ngành nghề phổ thông của nhóm thu nhập trung bình sẽ giảm dần, thậm chí biến mất và thay vào đó là những việc làm đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Đất đai trở nên ít quan trọng hơn do sử dụng công nghệ in 3D, tài nguyên thiên nhiên từng bước bị thay thế bởi công nghệ vật liệu tổng hợp mới, người có đất sẽ nghèo hơn.

Sự chênh lệch về tiền lương và thu nhập của tầng lớp được coi là “sáng tạo” nhất so với những lao động “tay chân” là rất lớn. Người có trình độ tay nghề cao sẽ tận dụng được sức mạnh công nghệ và sẽ có thu nhập cao hơn. Từ đó, bất bình đẳng xã hội có thể sẽ được kéo ra lớn hơn, tạo một khoảng cách khó san lấp.

Cách mạng công nghiệp 4.0 làm gia tăng phân hóa giàu nghèo và phân tầng xã hội làm tăng nguy cơ bất bình đẳng xã hội giữa các vùng miền, nhóm người, khu vực và giữa các quốc gia trên toàn thế giới.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động tiêu cực đặc biệt đến các nước nghèo, thu nhập thấp, sử dụng chủ yếu nguồn lao động giá rẻ, lao động phổ thông trình độ thấp do sự dư thừa lao động. Trong các nước phát triển, cũng làm sụt giảm thu nhập đối với số đông dân cư khi nhu cầu nhân lực có trình độ cao tăng đồng thời nhu cầu nhân lực phổ thông giảm mạnh.

Mặt khác, người lao động bị mất việc làm hàng loạt hoặc thay đổi nội dung của việc làm do sự thay đổi của công nghệ, đặc biệt đối với những tầng lớp trung niên chưa thích nghi kịp, bao gồm: Lao động trong các ngành nghề phổ thông; chế tạo sử dụng nhiều lao động; Có trình độ thấp, lao động nữ và thanh niên, người không có trình độ; trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; Lao động nông thôn; khu vực phi chính thức.

Như vậy, các chính sách GD-ĐT cần phải hướng đến hỗ trợ cho sự chuyển dịch về kĩ năng và các giải pháp mới giúp cho những người lao động “có việc làm” và cả “bị mất việc làm”.

Thứ ba: Di chuyển lao động truyền thống gặp khó khăn, mất cạnh tranh về lao động giá rẻ và thứ tư là thay đổi về mối quan hệ lao động và quản lý lao động.

_______________

Bài 2: Khuyến nghị về chiến lược GD-ĐT gắn với thị trường lao động

Hải Phong (lược dẫn)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-voi-thi-truong-lao-dong-3967599-b.html