Giáo dục ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh

Tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc, tổ chức lớp truyền dạy chiêng Mường, thành lập câu lạc bộ (CLB) giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đưa trò chơi dân gian vào các hoạt động ngoại khóa… Đó là những hoạt động thiết thực và bổ ích, cho thấy quyết tâm của nhiều đơn vị, trường học nhằm giáo dục học sinh ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, giúp các em thêm hiểu hơn về dân tộc mình, để rồi bản sắc văn hóa sẽ đi theo các em đến lúc trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh được giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa trong trang phục truyền thống nên rất tự hào, tự tin khi mặc đến trường.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh được giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa trong trang phục truyền thống nên rất tự hào, tự tin khi mặc đến trường.

Từ năm 2019 đến nay, trường THPT Quyết Thắng (Lạc Sơn) chú trọng triển khai thực hiện mô hình "Giáo dục ý thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường cho học sinh thông qua hình thức sinh hoạt của CLB”. Sau khi ra mắt, CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường đã hoạt động hiệu quả, tập trung vào 6 mảng chính: dân ca, trang phục, nhạc cụ, ẩm thực, trò chơi, văn hóa dân gian. Ngoài ra, CLB tổ chức triển khai dạy bộ chữ Mường cho các thành viên nhóm dân ca và văn hóa dân gian. Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, CLB đã gieo những hạt giống tâm hồn giúp học sinh thêm yêu và hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.

Cô Đinh Thị Hảo, Phó Hiệu trưởng trường THPT Quyết Thắng cho biết: Thành lập từ tháng 10/2019, CLB hoạt động hiệu quả, góp phần đắc lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Học sinh yêu trường, mến lớp, phụ huynh tin tưởng vào các thầy cô. Đến nay, CLB đã thu hút gần 300 thành viên. Chung một tình yêu, các thành viên CLB đã hăng say tham gia các hoạt động như sưu tầm, dàn dựng, tập luyện, khôi phục lại các bài trình tấu chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, làn điệu dân ca, trò chơi truyền thống... rồi biểu diễn trong các dịp lễ Tết, ngày hội văn hóa của làng, xã và các sự kiện lớn của trường, của địa phương. Điều đáng tự hào là CLB đã được các nghệ nhân, phụ huynh và nhân dân trong vùng Quyết Thắng hết lòng ủng hộ. Đặc biệt, hiện nay, nhiều học sinh là thành viên của CLB đã rời ghế trường THPT, đỗ vào các trường đại học lớn trong toàn quốc nhưng vẫn tham gia tích cực vào hoạt động của CLB. Các em chính là những hạt nhân chia sẻ những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc đến các bạn sinh viên trên mọi miền Tổ quốc.

Tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Cao Phong, từ nhiều năm nay, việc giáo dục ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh đã được trường chú trọng. Trong các tiết sinh hoạt đầu tuần, các hoạt động ngoại khóa, hay khi tổ chức sự kiện quan trọng… tất cả học sinh đều tự hào mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, vào tháng 10/2022, nhà trường còn phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cao Phong tổ chức khai giảng lớp truyền dạy chiêng Mường cho 50 học sinh và ra mắt CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa Mường Thàng. Đây là hoạt động ý nghĩa, cho thấy ngọn lửa đam mê dành cho văn hóa dân tộc đã được lan tỏa trong nhà trường, để nơi đây không chỉ là môi trường học tập mà còn là nơi thắp sáng tình yêu, nơi gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Trên phạm vi toàn tỉnh, những năm gần đây, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục thì các trường học trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc vào các tiết học và hoạt động ngoại khóa. Nhiều chương trình, hoạt động nhằm giáo dục học sinh ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã được đưa vào trường học, tạo động lực đẩy mạnh phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" của ngành GD&ĐT tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, đây là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp những chủ nhân tương lai của đất nước thêm hiểu, thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo môi trường học đường lành mạnh, thân thiện, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Bám sát định hướng, rất đáng ghi nhận là các trường mầm non cũng đưa nội dung phù hợp vào buổi học chuyên đề, hoạt động tạo hình, góc trải nghiệm… để "gieo” vào tâm hồn trẻ thơ những "hạt giống” tốt đẹp. Với cách làm hấp dẫn, hiệu quả của các nhà trường, thế hệ trẻ đã dần hiểu và thêm yêu truyền thống của dân tộc mình, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nuôi dưỡng tình yêu và trách nhiệm của mỗi học sinh về bảo tồn giá trị truyền thống sẽ là mục tiêu mà các trường học hướng tới.

Khánh An

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/176743/giao-duc-y-thuc-bao-ton-ban-sac-van-hoa-dan-toc-cho-hoc-sinh.htm