Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức chương trình đề cao đạo hiếu, tri ân tổ quốc

Hòa thượng Thích Gia Quang cho hay chương trình 'Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc' năm 2024 góp phần lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp của đạo hiếu

Chiều 21-5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo để thông tin về chương trình "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2024" diễn ra vào ngày 10-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hòa thượng Thích Gia Quang cho hay chương trình "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc" năm 2024 sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp của đạo hiếu. Ảnh: Lan Anh

Hòa thượng Thích Gia Quang cho hay chương trình "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc" năm 2024 sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp của đạo hiếu. Ảnh: Lan Anh

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ba trụ cột văn hóa quan trọng nhất ở Việt Nam là gia đình - cộng đồng làng xã và quốc gia dân tộc. Đức báo ân, báo hiếu trong Phật giáo có khả năng tạo lập chất keo gắn kết các cá nhân với gia đình, cộng đồng và xã hội. Điều này thể hiện qua Đại lễ Vu Lan báo hiếu, không chỉ nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và công ơn giáo dưỡng của thầy tổ.

"Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến đất nước đồng bào, đến các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhớ tới ơn đức cao cả của các bậc cha ông, anh hùng liệt sĩ đã sống, chiến đấu và hi sinh vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam"- Hòa thượng Thích Gia Quang nói.

Hòa thượng Thích Gia Quang cũng nhấn mạnh từ ngàn đời nay đạo hiếu vẫn luôn là giá trị đạo đức cao đẹp, là nền tảng cho mọi sự phát triển trong cuộc sống. Hiếu đạo trong Phật giáo không chỉ bó hẹp trong phạm vi tình cảm mẹ cha mà được đề cập đến một cách trọn vẹn với Tứ trọng ân: Ân quốc gia xã hội, ân cha mẹ sinh thành, ân tam bảo sư trưởng và ân chúng sinh vạn loại. Bốn ân này được coi trọng vì theo giáo lý nghiệp báo và duyên khởi của Phật giáo, trong thế giới duyên sinh tương tác, mọi chúng sinh đang hiện hữu, đều tồn tại trong mối hỗ tương duyên khởi trùng trùng; đã thụ ân của vô số chúng sinh và đến đời này lại thụ ân của cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chương trình "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2024" nhằm mục đích xiển dương đạo pháp, phát huy truyền thống văn hóa hiếu đạo của dân tộc Việt Nam nói chung và đạo hiếu Phật giáo nói riêng. Từ đó, góp phần lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp của đạo hiếu tới cộng đồng Phật tử, cùng với những người mến mộ đạo Phật trong và ngoài nước.

Ngoài ra, chương trình còn là nén tâm hương thành kính, thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn, tưởng nhớ nguồn cội của thế hệ con cháu hôm nay và mai sau với các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước. Chương trình cũng đề cao đức hiếu sinh, tình yêu với quê hương, với đất nước, với vạn loài, với Đạo Pháp.

Trước khi chương trình giao lưu nghệ thuật diễn ra, vào tháng 7-2024, ban tổ chức sẽ tổ chức một chuyến hành hương "theo dấu chân chiến sĩ Điện Biên năm xưa", viếng mộ thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại chiến trường Điện Biên trong những năm kháng chiến chống Pháp, trao quà từ thiện cho các gia đình chính sách và khó khăn tại địa phương.

Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức cũng sẽ tặng quà và sổ tiết kiệm cho một số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn không nơi nương tựa và các mảnh đời đang gặp khó khăn.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-to-chuc-chuong-trinh-de-cao-dao-hieu-tri-an-to-quoc-196240521185002948.htm