Giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác

Tham gia chương trình giao lưu có 6 cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018.

Ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Thế Kỷ trao kỉ niệm chương cho các điển hình tiêu biểu. (Ảnh: Nguyễn Ngân/VOV.VN)

Tối nay (24/8), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Thành ủy Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018.

Tới dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam...

Tham gia chương trình giao lưu có 6 cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018 ở nhiều lĩnh vực. Tại buổi giao lưu, các điển hình tiêu biểu đã chia sẻ những câu chuyện thực tế về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống và công việc hàng ngày.

Sư cô Thích Nữ Uyên Liên, Trụ trì chùa Phổ Quang, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ về quá trình nuôi dạy hơn 40 trẻ em mồ côi, trẻ hoàn cảnh khó khăn trong chùa. Theo sư cô Thích Nữ Uyên Liên, giáo lý nhà của Đức Phật với những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng, đó là hướng con người tới cái chân, thiện, mỹ và đem lại an vui hạnh phúc cho mọi người.

Chính vì vậy, sư cô đã xuất gia và chăm sóc, nuôi dưỡng các em bị bỏ rơi, mồ côi và trẻ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì đây là mong muốn của bản thân. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng các bé có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng tình thương yêu dành cho các bé, sư cô đã vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục nuôi dưỡng các bé.

Sư cô Thích Nữ Uyên Liên tâm sự: "Có thể vật chất thì các mạnh thường quân cũng như các phật tử có thể giúp đỡ để tôi nuôi dưỡng được các cháu. Nhưng trăn trở lớn nhất của bản thân tôi đó là làm sao để dạy dỗ các cháu nên người. Cách làm của tôi là cứ một bữa ăn trưa tôi dành ra 10 phút đến 15 phút để dạy dỗ các con và cứ hàng tuần vào tối thứ 7 sau giờ tụng kinh của chùa thì tập trung lại từ lớn đến nhỏ, khoảng 1 tiếng để tiếp tục dạy dỗ các con. Cứ như thế tôi đã vượt qua tất cả khó khăn trong thời gian qua".

Đại úy Đoàn Tư Thiên, Ban Chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông chia sẻ về công việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Trong 10 năm qua, anh đã xác minh hoàn chỉnh hơn 1.100 hồ sơ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với những trường hợp từng trực tiếp tham gia kháng chiến làm nhiệm vụ quốc tế để đề nghị cấp trên giải quyết theo quy định; tham gia công tác tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sỹ... Anh không quản ngại khó khăn, đến từng gia đình để hướng dẫn người dân làm hồ sơ. Dù công việc khó khăn, vất vả, nhưng niềm vui của anh chính là những trường hợp chính sách được nhận chế độ.

Đại úy Đoàn Tư Thiên nói: "Để làm công tác này, tuy hơi vất vả nhưng tôi cảm thấy yên tâm và giải quyết được cho các đối tượng chính sách được hưởng. Khi mời họ lên nhận chế độ, họ vui thì bản thân tôi cũng cảm thấy vui, cảm thấy mình đã giúp được cho các đối tượng chính sách được hưởng quyền lợi chính đáng của Đảng, Nhà nước".

Theo VOV

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giao-luu-dien-hinh-tieu-bieu-trong-hoc-tap-va-lam-theo-guong-bac.aspx