Giao lưu giữa Việt Nam và Đài Loan 'ngày càng sôi động'

Chính quyền Đài Đông mong muốn sẽ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với phía Việt Nam, qua đó phá rào cản ngôn ngữ và ranh giới địa lý để giao lưu kỹ thuật và văn hóa.

Bà Nhiêu Khánh Linh.

Bà Nhiêu Khánh Linh.

Tại cuộc Triển lãm Đài Loan (Taiwan Expo) 2019 do Hiệp hội phát triển thương mại đối ngoại Đài Loan (TAITRA) thực hiện ở Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế I.C.E, Hà Nội, từ ngày 8/8 tới 10/8/2019, chính quyền huyện Đài Đông đã dẫn dắt nhiều công ty kinh doanh sáng tạo văn hóa tham gia.

Vậy lý do nào đã khiến chính quyền huyện Đài Đông lựa chọn tham gia triển lãm năm nay?

VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn riêng với chủ tịch huyện Đài Đông Nhiêu Khánh Linh để tìm hiểu các nét văn hóa đặc sắc của địa phương, cũng như lý do vì sao bà quyết định dẫn các công ty kinh doanh sáng tạo văn hóa sang Việt Nam tham gia triển lãm.

Theo bà Nhiêu Khánh Linh: "Việt Nam đối với người Đài Loan tuy xa lạ nhưng cũng rất quen thuộc. Sự quen thuộc một phần từ các gia đình đa văn hóa, hình thành sau những đám cưới với cô dâu Việt, và từ những người xuất khẩu lao động tìm tới Đài Đông. Nhưng theo thời gian, Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua các ấn tượng ban đầu, có thể còn mang chút định kiến, để trở thành "con hổ kinh tế mới ở Đông Nam Á."

Giao lưu giữa Đài Loan và Việt Nam ngày càng sôi động. Số lượng cư dân mới của Đài Đông đến từ Việt Nam đã lên đến hơn 1.000 người, khiến đây là nhóm cư dân nước ngoài đông thứ hai ở đây. Ở nơi nào người ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy các quán ăn đường phố bán đồ Việt rất ngon lành. Người nhập cư từ Việt Nam thì rất thân thiện, nhiệt tình, lao động chăm chỉ và luôn khiến chúng tôi bất ngờ.

Dòng chảy văn hóa ở Đài Loan có những tương đồng với Việt Nam do cái gốc ngữ hệ Nam Đảo, đáng để hai bên tăng cường giá trị văn hóa song phương thông qua giao lưu dưới các hình thức như tham gia triển lãm, đối thoại..."

- Mấy năm qua Đài Đông đã lọt vào danh sách 10 thắng cảnh du lịch đẹp nhất của châu Á (Lonely Planet bầu chọn) và 10 thành phố du lịch mới nổi của thế giới (Booking.com 2018). Xin chủ tịch Nhiêu Khánh Linh giới thiệu với độc giả VietnamPlus về Đài Đông, cũng như chia sẻ vì sao Đài Đông lại vươn lên tới chỗ nổi tiếng quốc tế?

Chủ tịch Nhiêu Khánh Linh: Đài Đông nằm ở phía Đông Nam Đài Loan, phía Đông giáp Thái Bình Dương, là một phố huyện đa văn hóa, có núi, biển và môi trường tự nhiên phong phú. Từ Hà Nội, Việt Nam bay khoảng 3 tiếng sang Đài Loan. Sau khi tới nơi, khách tiếp tục đáp máy bay hoặc tàu hỏa tuyến miền Đông là có thể thoát ra khỏi sự đông đúc xô bồ của phố thị lớn Đài Loan để đến Đài Đông tận hưởng hành trình du lịch sống chậm.

Ấn tượng đầu tiên của rất nhiều người đối với Đài Đông có thể là lễ hội văn hóa khinh khí cầu và cuộc thi lướt sóng quốc tế mở, khiến Đài Đông có điều kiện nổi tiếng thế giới. Ngoài môi trường tự nhiên độc đáo và việc tổ chức các hoạt động quốc tế, có một yếu tố quan trọng nữa là kết hợp văn hóa của nhiều nhóm sắc tộc khác nhau. Như thế bên cạnh môi trường tự nhiên dồi dào, chúng tôi còn có thực lực văn hóa mềm phong phú.

- Vì sao bà muốn dẫn dắt các doanh nghiệp ngành sáng tạo văn hóa Đài Đông sang Việt Nam tham gia triển lãm 2019?

Chủ tịch Nhiêu Khánh Linh: Ngành sáng tạo văn hóa ở Đài Đông vô cùng phong phú và không khí sáng tạo cũng rất tự do. Điều này có liên quan đến bối cảnh đa dạng sắc tộc và văn hóa ở Đài Loan.

Đài Đông được ban tặng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên và vật liệu quý giá, nhưng làm sao để chuyển hóa những vật liệu này thành sản phẩm sáng tạo văn hóa? Chúng tôi phải dựa vào các xưởng thủ công, những nơi có thể cho ra các sản phẩm dồi dào yếu tố văn hóa theo một cách thức sáng tạo nhất.

Chính quyền Đài Đông luôn tổ chức các trại sáng tác trẻ để nuôi dưỡng sự sáng tạo. Chúng tôi cũng tích cực tham gia các loại triển lãm sáng tạo văn hóa trong hòn đảo và trên trường quốc tế, như triển lãm văn hóa Hạ Môn và Bắc Kinh, Thái Lan BIG+BIH, IICF… Tất cả các sự kiện này Đài Đông đều có thành tích đáng kể, sản phẩm cũng luôn giành được sự khẳng định. Các xưởng thủ công sau khi tham gia triển lãm trở về cũng liên tục nhận được nhiều thư mời hợp tác giao lưu.

Mục đích tích cực tham gia triển lãm quốc tế là hy vọng xây dựng thương hiệu Đài Đông và tầm nhìn của ngành sáng tạo văn hóa Đài Đông ở nước ngoài. Đồng thời việc này sẽ mở rộng kênh tiêu thụ của các xưởng sáng tạo văn hóa Đài Đông ở nước ngoài.

Việt Nam và Đài Đông có mối quan hệ sâu sắc về phương diện văn hóa. Khi biết chúng ta cùng trong một nhánh ngữ hệ Nam Đảo, rằng chúng ta có mối liên kết văn hóa tương đồng, tôi càng tin rằng việc dẫn dắt ngành sáng tạo văn hóa Đài Đông sang Việt Nam tham gia triển lãm lần này là chính xác!

Sang Việt Nam ngoài tham gia triển lãm, chính quyền huyện Đài Đông cũng tích cực thiết lập mối quan hệ với các xưởng chế tác gốm sứ ở Hà Nội, Việt Nam. Chúng tôi hy vọng hai bên sẽ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) qua đó phá rào cản ngôn ngữ và ranh giới địa lý để giao lưu kỹ thuật và văn hóa, thúc đẩy mối liên kết văn hóa và hữu nghị tốt đẹp nhất cho kỹ thuật thủ công mỹ nghệ hai bên.

- Xin bà cho biết lần tham gia triển lãm "Taiwan Expo 2019" này, Đài Đông sẽ giới thiệu những yếu tố đặc sắc và điểm sáng nào?

Chủ tịch Nhiêu Khánh Linh: Đài Đông tựa núi giáp biển, môi trường địa lý tương tự như Hà nội Việt Nam, có khu đô thị náo nhiệt, cũng có thị trấn yên tĩnh. Điểm khác so với địa hình Hà Nội là Đài Đông hẹp dài và có đường bờ biển dài nhất hòn đảo Đài Loan.

Chỉ cần bớt chút thời gian là người ta có thể đến bờ biển, do đó lần này quầy triển lãm Đài Đông lấy chủ đề "Tinh hoa Đài Đông - Taitung Essence," lựa chọn “Biển” là ý tưởng tổng thể của quầy triển lãm, dung hòa sản phẩm của 3 xưởng thủ công Atabeads, Atelier và Mima'an.

3 xưởng tham gia triển lãm lần này đều có nét đặc sắc riêng. Atabeads là điểm tập hợp của nhiều phụ nữ tới từ nhiều bộ tộc khác nhau ở Đài Loan, với sứ mệnh bảo tồn các phụ kiện trang trí truyền thống. Họ kết hợp nghệ thuật chế tác thủ công truyền thống với hoạt động đóng gói hàng mang tính mới mẻ cách tân và các thiết kế giúp chuyển tải tinh thần, giá trị văn hóa để cho ra những sản phẩm hết sức độc đáo.

Trong khi đó, xưởng Atelier lại theo đuổi một sứ mệnh khác. Vải làm từ vỏ cây từng được thổ dân bản địa sử dụng để che giấu mùi cơ thể khi đi săn. Tuy nhiên do khó sản xuất và bảo tồn, nghệ thuật chế tạo quần áo từ vỏ cây gần như đã bị biến mất. Xưởng Atelier đã giải quyết vấn đề này bằng cách cho ra các loại trang phục kết hợp giữa vải làm từ vỏ cây với vải vóc hiện đại. Sản phẩm ra đời vì thế vừa thời trang vừa có giá trị sử dụng thực tế.

Trầu cau ngoài dùng để ăn có thể làm gì nữa? Xưởng Mimaan sẽ đem đến “hình ảnh mới” cho quả cau lá trầu. Thông qua việc kết hợp vật tổ (totem) của thổ dân bản địa với hình ảnh trầu cau, xưởng đã tạo ra các sản phẩm vừa hữu dụng vừa đẹp mắt, lại góp phần bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, chúng tôi còn mời riêng nghệ sỹ diễn tấu sáo mũi thổ dân – thầy giáo Lâm Tiểu Phong (Lin Hsiao-Feng), đến biểu diễn tại quầy hàng của Đài Đông vào giờ cố định trong thời gian diễn ra triển lãm. Sáo mũi là dụng cụ âm nhạc truyền thống của thổ dân Đài Loan, cấu tạo của thân ống đôi chơi điệp khúc cao và thấp cùng một lúc, với âm thanh trầm ổn phiêu lãng lay động lòng người.

Hy vọng triển lãm kết hợp giữa thị giác và thính giác này có thể mang đến cho người dân Việt Nam cảm giác: "Chà, đây là Đài Đông à!" cũng như tạo niềm vui, khơi dậy sự tò mò và khao khát ghé thăm gian hàng của chúng tôi để khám phá nhiều hơn nữa./.

Hoạt động giao lưu văn hóa của đoàn Đài Đông với các xưởng gốm ở Bát Tràng

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giao-luu-giua-viet-nam-va-dai-loan-ngay-cang-soi-dong/587531.vnp