Giao lưu trực tuyến với các chiến sĩ tàu Trường Sa HQ 022

18h30 tối 16/1, Thanhnien Online đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc với chiến sĩ trên tàu Trường Sa HQ 022 (đang làm nhiệm vụ trên biển). Khách mời của chương trình là chính trị viên Nguyễn Ngọc Dương, trung úy Lê Minh Phúc (quê ở Nghệ An), thiếu úy Đặng Hùng Tuân (quê ở Ninh Bình) và thiếu úy Trần Văn Phi (quê ở Nam Định).

Từ Trường Sa nhóm phóng viên Thanh Niên điện về cho biết: "Chúng tôi đang ở trên tàu Trường Sa HQ 022, con tàu đang làm nhiệm vụ trên biển. Trong chuyến ra thăm, tặng quà và chúc Tết bộ đội Trường Sa, bất ngờ chúng được gặp các chiến sĩ công tác trên tàu Trường Sa HQ 022. Năm ngoái tàu Trường Sa HQ 022 đã đón Tết trên biển, năm nay tàu lại tiếp tục đón Tết trên biển. Gặp chúng tôi ở đất liền ra, các anh tay bắt mặt mừng, các anh đang sẵn lòng chia sẻ với bạn đọc báo Thanh Niên qua một buổi giao lưu trực tuyến nhanh trên tàu".

Mở đầu buổi trực tuyến, thay mặt cho cán bộ, chiến sĩ của tàu Trường Sa HQ 022, anh Nguyễn Ngọc Dương - chính trị viên của tàu xin gửi đến tất cả các độc giả của Báo Thanh Niên lời chúc năm mới an khang thịnh vượng. Xin cảm ơn tất cả những tình cảm chân thành của bạn đọc Báo Thanh Niên cũng như tất cả những người thân yêu ở đất liền đã quan tâm đến cán bộ chiến sĩ đang đóng quân và làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa thân yêu.

Tàu Trường Sa HQ 022 được coi là "hòn đảo" di động trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Tàu có nhiệm vụ vận chuyển người, hàng hóa đến quần đảo Trường Sa, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Chính trị viên, Thượng úy Nguyễn Ngọc Dương: Tàu Trường Sa HQ 022 là tàu vận tải. Nhiệm vụ chủ yếu của tàu là vận chuyển người và hàng để xây dựng quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, có thể làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, hoặc sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

* Các anh cho em hỏi, làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, hoạt động độc lập, có khó khăn gì không với các anh? (yent…@yahoo.com)

- Thượng úy Nguyễn Ngọc Dương: Nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa là một nhiệm vụ rất quan trọng. Quần đảo Trường Sa là một trong những quần đảo bão tố, tất cả những cơn bão trong năm hầu như đều đi qua quần đảo Trường Sa. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa thì cán bộ chiến sĩ chúng tôi phải rèn luyện cho mình khả năng chịu đựng sóng gió. Và phải vượt qua sự nhớ nhà, những thiếu thốn về tinh thần, vật chất… để động viên nhau hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.

* Các anh đã chuẩn bị gì cho đêm giao thừa trên biển? (minh…@gmail.com)

- Trung úy Lê Minh Phúc: Chúng tôi có một số công tác chuẩn bị đón xuân trên biển. Chúng tôi chuẩn bị gói bánh chưng, đánh bắt hải sản, câu cá, trồng rau xanh để góp phần cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Tổ chức các hoạt động: Hái hoa dân chủ, văn hóa văn nghệ để vui tết đón xuân, tạo không khí đón xuân đầm ấm, hạnh phúc, giúp bộ đội khi hoạt động trên biển xua tan đi nỗi nhớ nhà.

* Các anh đã nghĩ về điều gì khi giao thừa đến? ( hong…@yahoo.com)

- Thiếu úy Trần Văn Phi: Khi giao thừa đến, bản thân tôi cũng hòa với không khí đón một cái Tết thứ 2 ở quần đảo Trường Sa. Cũng không biết nói gì hơn là chúc đồng bào cả nước cũng như tất cả các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa sức khỏe, bước sang một năm mới nhiều thành công và có nhiều niềm vui mới.

- Thiếu úy Đặng Hùng Tuân: Giờ phút giao thừa thì tôi suy nghĩ nhiều nhất là muốn gia đình và những người thân của tôi sang năm mới có nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Nhân tiện qua báo Thanh Niên, tôi cũng gửi lời chào tới đồng bào cả nước và tất cả các chiến sĩ trong quần đảo Trường Sa lời chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng.

- Trung úy Lê Minh Phúc: Giây phút giao thừa là giây phút thiêng liêng nhất đón chào năm mới. Do vậy, riêng tôi luôn luôn nghĩ về người thân, gia đình và tất cả mọi người. Và nhân tiện năm mới, cho tôi gửi tới các đồng chí ở đất liền cùng với gia đình lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, năm mới gặt nhiều thắng lợi mới.

- Thượng úy Nguyễn Ngọc Dương: Trước thềm năm mới, thay mặt các cán bộ chiến sĩ giờ phút này đang làm việc trên quần đảo Trường Sa chúc những người mẹ, người vợ của những người lính, chúc nhân dân cả nước đã quan tâm tới quần đảo Trường Sa, chúc các cán bộ chiến sĩ đang đóng quân trên mọi miền Tổ quốc một năm mới an khang, thịnh vượng.

Ảnh Dương Liễu

- Trung úy Lê Minh Phúc: Việc trồng rau xanh là việc thường xuyên của chúng tôi khi làm nhiệm vụ trên biển. Bởi vì khi làm nhiệm vụ trên biển thì rau xanh là rất hiếm, chúng tôi phải tăng gia sản xuất. Bên cạnh trồng rau xanh, chúng tôi còn đánh bắt hải sản, câu cá để cải thiện chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Nói chung, với người lính như chúng tôi, những việc đó là thường xuyên, không có gì khó khăn ạ.

* Các anh cho em biết trồng rau xanh như thế nào? Các anh có thể kể một số bí quyết để trồng những cây rau xanh ở trên tàu. (Hung…@yahoo.com)

- Thiếu úy Đặng Hùng Tuân: Để có một vườn rau xanh, chúng tôi phải rất cẩn thận khi mưa nắng. Khi trời nắng thì chúng tôi phải mở bạt ra, còn khi mưa thì chúng tôi lại phủ bạt vào. Trời mưa thì chúng tôi phải tổ chức hút nước mưa để cho nước mưa đỡ chảy vào rau, đỡ thối rau. Ngoài ra, rau thiếu ánh sáng thì rất dễ thối, nên chỉ khi trời nắng thì chúng tôi mới có một vườn rau xanh đẹp.

* Khi xảy ra bão tố trên vùng biển (theo anh Dương nói là vùng đảo Trường Sa thì không có một cơn bão nào là không đi qua Trường Sa), các anh làm công tác cứu hộ cứu nạn như thế nào? (tymuoi… @yahoo.com)

- Thượng úy Nguyễn Ngọc Dương: Nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Khi chúng tôi làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, nếu bão tố xảy ra, chúng tôi phải sẵn sàng ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn những tàu thuyền, ngư dân của Việt Nam. Đặc biệt, có những trường hợp chúng tôi đã cứu tàu thuyền, ngư dân của nước ngoài khi họ bị nạn ở khu vực mình đảm nhiệm. Mặc dù điều kiện sóng gió rất lớn, nhưng cán bộ chiến sĩ trong năm vừa qua đã hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn. Ví dụ như ngày 6.1.2007 tàu đã thực hiện cứu nạn đối với ghe BĐ 1369, cứu toàn bộ ngư cụ và 9 ngư dân Bình Định. Tháng 7 vừa qua, trong khi làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa tàu đã chở bệnh nhân Lê Hồng Phương của Công ty Hải sản Biển Đông bị đau ruột thừa cấp và nếu không chuyển lên tuyến trên thì anh ta có thể nguy hiểm đến tính mạng.

* Xin cho biết cụ thể trong cơn bão số 6 và số 7 gần đây, công tác cứu hộ, cứu nạn trên tàu đã được triển khai như thế nào không? (doanhtrai…hotmail.com)

- Thượng úy Nguyễn Ngọc Dương: Quán triệt tinh thần của lãnh đạo chỉ huy đơn vị, cán bộ, chiến sĩ chỉ huy trên tàu đã đoàn kết làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt về trang thiết bị tàu xuồng, chuẩn bị tốt tư tưởng để chịu đựng tất cả các cơn bão và triển khai tất cả các phương án phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển. Chính nhờ sự chuẩn bị chu đáo mà đơn vị đã khắc phục tối đa những hậu quả mà bão số 6 và 7 đã ảnh hưởng đến trên quần đảo Trường Sa. Trong thời điểm đó, tàu chúng tôi cũng đang hoạt động ở quần đảo Trường Sa và đã làm một nhiệm vụ rất quan trọng là tìm kiếm và giúp một chiếc xà lan của Malaysia được an toàn khi bị mắc cạn ở khu vực quần đảo Trường Sa.

* Các anh ơi, lênh đênh trên biển chắc là khổ lắm, nếu đau ốm sẽ xử lý như thế nào? (xiu…@gmail.com)

- Thượng úy Nguyễn Ngọc Dương: Thực ra khi cấp cứu một bệnh nhân thì rất khó khăn, đặc biệt là ở trên quần đảo Trường Sa thì càng khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, khi có bệnh nhân trên đảo thì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tàu cũng chở bệnh nhân đến nơi an toàn nhất. Lúc đó chúng tôi đặt tiêu chí là làm sao để cứu lấy mạng sống bệnh nhân. Trong quần đảo Trường Sa, cũng có những đảo có kíp bác sĩ giỏi.

* Các anh thường mong đợi điều điều gì nhất? (anhd…@yahoo.com)

- Thiếu úy Trần Văn Phi: Sống lênh đênh trên biển nhiều tháng trời thì bản thân tôi cũng như các cán bộ chiến sĩ trên tàu đều mong muốn được nhìn thấy người thân, và nhất là như hôm nay thấy những người từ đất liền ra thăm cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đang làm nhiệm vụ giữa quần đảo Trường Sa này.

* Em được biết, một số chiến sĩ ở Trường Sa đều có gia đình, thông thường thì vợ không thích người chồng đi công tác xa, vậy các anh thuyết phục như thế nào để người vợ mình vui lòng để các anh đi làm nhiệm vụ? (hoaco…@yahoo.com)

- Trung úy Nguyễn Tuấn Anh: Vợ chồng ở với nhau, tôi vẫn tâm sự với vợ và mong thông cảm với hoàn cảnh công tác của chồng. Mặc dù ở xa nhưng qua kênh liên lạc, những cánh thư theo các chuyến tàu ra biển thì tình vợ chồng vẫn được gắn bó. Vợ tôi làm công tác phụ nữ nên cũng rất hiểu hoàn cảnh nên tạo điều kiện cho chồng hoàn thành công tác bảo vệ Tổ quốc.

- Thiếu úy Trần Văn Phi: Tôi lấy vợ sớm, trước khi lấy nhau chúng tôi có rất nhiều tình cảm và vợ tôi cũng đã rất hãnh diện vì có người chồng là lính đảo quanh năm trên biển bảo vệ Tổ quốc. Vợ tôi cũng thường xuyên động viên ủng hộ tinh thần là: “Anh yên tâm công tác, ở nhà đã có em chăm sóc gia đình, con như là có anh ở bên cạnh”.

* Sống trên tàu phải có sức khỏe, ngoài giờ học tập các anh rèn luyện thân thể như thế nào? (caybang…@hotmail.com)

- Trung úy Nguyễn Tuấn Anh: Ngoài giờ huấn luyện ra chúng tôi có thể chạy ngay trên boong tàu, tập tạ, nếu thời tiết tốt chúng tôi có thể hạ xuồng vào giao lưu đánh bóng chuyền với bộ đội trên đảo. Mỗi buổi sáng chúng tôi cũng tập những bài thể dục như khi ở trong bờ, rồi kéo xà... Ngày lễ thì tổ chức giao lưu với bộ đội trên đảo...

* Nếu các anh gặp những người từ đất liền ra trong dịp năm hết Tết đến các anh có cảm xúc gì? (minh…@yahoo.com)

- Thượng úy Nguyễn Ngọc Dương: Mình đón Tết nơi biên cương của Tổ quốc vì thế có rất nhiều cảm xúc. Chúng tôi nguyện đem hết sức mình và động viên anh em để làm sao đáp ứng được những kỳ vọng lớn lao của dân tộc đã trao cho những người lính chúng tôi.

* Các anh chiến sĩ muốn nói gì, chúc gì với gia đình riêng của các anh? (honganh…@gmail.com)

- Thượng úy Nguyễn Ngọc Dương: Rất vinh dự cho tôi vì giờ phút này được gửi lời chúc mừng về cho người thân. Giống như những đồng đội khác, tôi có gia đình, vợ tôi là cô giáo Hồ Thị Châu hiện đang công tác tại trường mầm non Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Tôi có con 3 tuổi là bé Nguyễn Nam Long. Trong giờ phút này tôi muốn động viên vợ và con ở nhà hãy yên tâm vững tin cùng gia đình đón Tết vui vẻ và "đừng quên anh, em hãy yên tâm một ngày nào đó anh sẽ hoàn thành nhiệm vụ và trở về trong vòng tay của em".

- Thiếu úy Trần Văn Phi: Bước sang năm mới, rất vinh dự cho bản thân là gửi lời chúc Tết tới người thân qua Báo Thanh Niên, chúc vợ là Nguyễn Thanh Thúy, bé gái là Trần Nhật Tân cố gắng đón mùa xuân ấm cúng như anh đang có ở nhà.

- Trung úy Lê Văn Phúc: Gửi lời chúc tốt lành đến cho vợ tôi là Bùi Thị Hiền ở Nghệ An và con gái luôn luôn hạnh phúc. Dù anh không ở nhà nhưng vẫn luôn luôn thương yêu mẹ con em, anh yêu hai mẹ con nhiều. Cho tôi gửi lời hỏi thăm đến thầy cô, học sinh trường Tiểu học Xi măng 12-9 Thanh Sơn Nghệ An trong thời gian qua đã tổ chức phong trào viết thư hỏi thăm động viên các chú bộ đội. Chúc sức khỏe, hạnh phúc!

Còn rất nhiều câu hỏi khác của bạn đọc trên cả nước gửi về giao lưu với các chiến sĩ Trường Sa, Thanhnien Online sẽ chuyển đến các chiến sĩ trong một ngày gần nhất.

Trước khi mùa xuân đến, thay mặt bạn đọc cả nước, chúng tôi xin chúc các chiến sĩ trên tàu Trường Sa HQ 022 những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc một năm mới tràn đầy sức khỏe và hạnh phúc.

TNO và nhóm phóng viên từ Trường Sa
(thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/giao-luu-truc-tuyen-voi-cac-chien-si-tau-truong-sa-hq-022-328911.html