Giao mùa ở cuối chân mây

Pù Luông với những đám mây trắng mỏng mảnh như sương giăng mắc từ đỉnh trời xuống triền thung lũng. Mây làm dịu đi sắc vàng hanh hao của rừng núi những ngày cuối tháng Chạp. Từ trên cao nhìn xuống, ẩn hiện trong khói sương là những mái nhà sàn bạc màu thời gian của đồng bào Thái, Mường … Nơi mà mỗi người chờ mùa xuân về trong niềm hi vọng.

Vẻ đẹp thơ mộng của bản Đôn (Pù Luông). Ảnh: Kiều Mai.

1.Sáng thứ 7, từ đêm trước, Hà Văn Tùng đã định bụng sẽ cuộn trong chăn, ngủ nướng một mạch đến khi mặt trời lên cao quá ngọn vầu, rọi những tia nắng dìu dịu vào đôi má bồ quân đang nẻ chân chim vì hanh của nó, nó mới chịu dậy. Nhưng không, khi trời mới tảng sáng, con trâu nái mang cái bụng chửa kềnh càng đã cụi cụi đôi sừng cong như chiếc liềm vào cây cột sàn, ngay phía dưới lưng đệm chỗ nằm, khiến nó nhăn nhó, cục cựa. Cùng với đó là tiếng gà rừng te tắt gáy ngoài đầu nương đã kéo nó ra khỏi mớ chăn nệm vẫn còn ấm sực. Bên cạnh, bà nội trở mình, cất tiếng khúc khoắc…

Tùng đứng chống nạnh trên triền con dốc dẫn xuống cánh đồng lúa vừa xong vụ gặt đang chìm trong màn mây mờ ảo. Con đường ngày nào cũng đi qua vài ba bận, nhớ thuộc từng viên cuội nhỏ trên mặt đường nhưng vào những buổi sáng nhiều mây như hôm nay, nó vẫn phải cẩn thận đặt từng bước chân vì đồ rằng, chỉ cần sơ ý chút thôi, cả nó và trâu sẽ bước lạc vào mây đến một miền cổ tích, siêu thực nào mất. Ưỡn ngực hít một hơi dài căng đầy lồng ngực cái không khí se lạnh của buổi ban mai trong lành, nó dợm bước, phía sau con trâu nái chậm rãi bước theo.

Nhà nó ở ngay đầu con dốc dẫn vào bản Pù Luông, xã Thành Sơn, huyện vùng cao Bá Thước (Thanh Hóa). Mới học lớp 5 nhưng Tùng đã phải thay bố mẹ chăm sóc bà nội và quán xuyến việc nhà. Nó không biết chính xác bà nội năm nay bao nhiêu tuổi nhưng cứ nhìn cái lưng còng sát xuống bậc cầu thang và mái tóc bạc như hoa lau của bà, Tùng đoán tuổi của bà nội còn nhiều hơn tuổi của căn nhà sàn ọp ẹp mà bà cháu nó đang trú ngụ. Mỗi khi mùa đông đến, bà nội hay thức giấc và ho nhiều vào lúc nửa đêm về sáng. Những lúc như thế, nó thường trở dậy bật điện, tìm lọ dầu gió xoa vào lòng bàn chân, bàn tay, vào mũi cho bà ấm… Mỗi tuần đôi bận, bố mẹ nó từ tận trong miền Nam sẽ gọi điện về hỏi han, căn dặn 2 bà cháu chăm sóc lẫn nhau và nó biết, lần nào mẹ cũng khóc, dù chỉ qua cái điện thoại màn hình đen trắng.

Tôi men theo con đường rải toàn đá cuội bước xuống cánh đồng - nơi Tùng ngồi tư lự trên một phiến đá mồ côi như đang chờ đợi, hi vọng về một điều gì đó xa xôi lắm. Nắng xuống đã làm tan sương sớm và đẩy tấm màn mây là là về phía những đỉnh núi màu lam. Đi cùng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn Hà Đức Hạnh, người hàng xóm của Tùng chép miệng cảm thán: “Tội thằng bé vừa chăm chỉ, hiếu thảo lại vừa sáng dạ! Cái nghèo đã buộc bố mẹ đem theo đứa em kém nó 4 tuổi vào Nam mưu sinh, để lại bà cháu lay lắt chăm nhau! Nhiều khi nó buồn lắm đấy nhưng giấu mọi người!” Tôi đến bên, Tùng lí nhí chào rồi ngượng ngùng tụt xuống khỏi mom đá. Có lẽ hơn ai hết, trong suy nghĩ non nớt của mình, nó đang mong mùa xuân đến thật nhanh. Mưa xuân sẽ khiến cả thung lũng bừng lên mơn man sức sống. Nắng mới cũng sẽ đem căn bệnh phế quản rời xa bà nội. Và trên tất thảy, Tết đến cũng là khi bố mẹ nó trở về từ miền đất xa lắc. Nó lại sẽ cõng đứa em bé như con gấu bông ngoài chợ, chạy nhảy tung tăng khắp thung lũng trong tà áo mới…

Chị Út và người dân Kho Mường đang mong chờ một mùa Tết về.

2.Thung lũng Kho Mường, xã Thành Sơn huyện Bá Thước nằm lọt thỏm giữa bốn bề là vách đá dựng đứng tiếp nối với đại ngàn mênh mông xanh thẳm. Mùa này, nắng như từ thinh không mang theo hanh hao, xuyên qua tầng mây bạc rồi rải xuống thung lũng một màu hổ phách trong trẻo đến lạ kỳ. Chấm phá giữa bức tranh siêu thực ấy là con đường nhỏ mềm mại như dải lụa màu nâu nằm vắt từ đỉnh Pù Luông qua các sườn núi rồi mất hút ở đâu đó trong lưng chừng mây. Tôi như trôi trên dải lụa ấy sâu mãi xuống tận bình nguyên - nơi con suối Mường như một lát cắt chia đôi thung lũng Kho Mường ra làm hai nửa vơi đầy.

Mãi 5 giờ chiều, chị Ngân Thị Út mới lùa xong đàn lợn mọi tới gần 20 con từ nương về chuồng. Tất cả chúng đều thon dài chắc nịch như những quả bí xanh đồng bào Mông trồng trên nương rẫy sắp đến kỳ thu hoạch. Phía dưới sàn, chiếc nôi động đậy, một bàn tay bé con, mập mạp hua lên vành nôi… Chị Út rửa vội tay chân chạy đến ôm con ngồi xích lại gần bếp lửa, rồi cất tiếng ru bằng điệu khặp Thái dặt dìu. Lời ru cứ thế theo gió lan mãi ra, làm chênh chao cả trời chiều.

Gần 30 tuổi nhưng vợ chồng chị đã có với nhau 3 mặt con. Ngày thì chồng theo đám thợ nề đi xây cất khắp bản trên làng dưới, chị ở nhà vừa chăm con, quán xuyến đàn gia súc, gia cầm. Tôi đưa mắt nhìn khắp lượt căn nhà sàn to đẹp vẫn còn nguyên màu sơn mới. Chị cười lỏn lẻn nói như khoe: “Nhờ vào đàn lợn, đàn gà kia cả đấy! Mà ở đây không chỉ riêng gia đình nhà mình làm được đâu, dân bản ai cũng làm được, ai cũng giỏi mà!”. Vừa đặt lại con vào nôi, chị Út vừa tiếp câu chuyện của mình. Trước, đời sống của bà con dân bản Kho Mường còn cơ cực lắm! Lương thực cả năm chỉ trông chờ vào diện tích lúa nước ít ỏi, gieo cấy được một vụ. Đường sá đi lại cực kỳ khó khăn vất vả nên dù cho cố gắng đến mấy thì bà con cũng chỉ đủ gạo ăn trong nửa năm. Còn lại thì vào rừng đào măng, vượt núi sang các bản lân cận làm thuê, cuốc mướn tìm kế sinh nhai. Đám trẻ con cũng vì thế mà còi cọc do đói cơm, đói cả cái chữ.

Kho Mường chỉ thực sự đổi thay khi được Nhà nước đầu tư làm một con đường dài hơn 3 km, nối từ trung tâm xã vào bản. Đặc biệt là khi chủ trương phát triển du lịch cộng đồng, khám phá được huyện, xã áp dụng thí điểm. Những căn nhà sàn bề thế được dựng lên, các món ăn đặc trưng của người Thái được trau chuốt thêm để phục vụ du khách ghé lại. Ban đầu chỉ một vài đoàn khách ghé qua, sau cứ đông dần. Không chỉ khách ta mà còn có cả những đoàn khách tây, vai mang ba lô vượt núi vào với Kho Mường. Cũng từ đây, các sản vật tưởng như hết sức bình dị của vùng như: Lợn mọi, gà ri thả đồi, măng khô, mộc nhĩ... đã trở thành đặc sản và bắt đầu theo chân du khách về phố.

Giao thông thuận tiện, hàng hóa lưu thông đã góp phần làm thay đổi rõ rệt tư duy sản xuất, phát triển của những người dân vùng cao. Mặc dù chưa thể nói rằng Kho Mường đã giàu lên nhưng nhiều gia đình đã có của ăn của để, trong nhà sắm sửa tiện nghi. Chồng chị Út và đám thanh niên trong bản không còn phải bươn bả tha hương, cầu thực. “Bản mình là bản đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của xã đấy”- chị Út không giấu được niềm tự hào, cho tôi hay.

“Mình và bà con mong Tết lắm đấy! Chỉ ít ngày nữa thôi, tất cả lợn gà, măng khô và các sản vật khác mang hương vị của núi rừng sẽ được các thương lái đưa về xuôi phục vụ nhu cầu cho dịp Tết cổ truyền của người dân. Dân bản sẽ lại có tiền cho con đi học xa, có tiền để xây dựng thêm những căn nhà sàn khang trang hơn để chờ đón những đoàn khách ghé lại trong năm mới” - chị Út cười hồn hậu.

NGUYỄN CHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-mua-o-cuoi-chan-may-5707854.html