Giao mùa, trẻ nhập viện do viêm phổi, tiêu chảy tăng

Thời điểm giao mùa giữa hè sang thu, tại các bệnh viện ở Hà Tĩnh, bệnh nhân nhi nhập viện do viêm phổi, tiêu chảy tăng.

Tại khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) thành phố Hà Tĩnh, mỗi ngày có từ 60 đến 80 bệnh nhi điều trị nội trú, trong đó số trẻ bị viêm phổi, tiêu chảy, viêm tai giữa chiếm 70%; số còn lại bị viêm đường hô hấp, nhiễm trùng, sốt...

Bác sĩ BVĐK thành phố khám nội soi tai mũi họng chẩn đoán bệnh cho trẻ

Bác sĩ BVĐK thành phố khám nội soi tai mũi họng chẩn đoán bệnh cho trẻ

Bệnh nhi nhập viện tăng khiến việc sắp xếp giường bệnh gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch, khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu BVĐK thành phố Hà Tĩnh chỉ được 55 giường bệnh nhưng phải kê lên thành 80 giường để phục vụ bệnh nhân mỗi người một giường.

Bác sĩ Trần Anh Pháp, Trưởng khoa cho biết: “Có những ngày cao điểm, bệnh nhi nhập viện lên đến 100 cháu. Do quá tải, không đủ giường bệnh nên khoa phải chuyển bệnh nhân sang khoa Ngoại và cử cán bộ y tế phục vụ bệnh nhân chu đáo”.

Bác sỹ chuyên khoa Nhi BVĐK thành phố theo dõi sức khỏe trẻ và tư vấn cho các bậc phụ huynh về chăm sóc trẻ khi bị nhiễm bệnh

Còn tại khoa Nhi BVĐK Hà Tĩnh, mỗi ngày có từ 80 đến 100 bệnh nhi điều trị nội trú, trong đó có đến hơn 50% bệnh nhân sốt, tiêu chảy, viêm phổi. Bác sĩ Lê Hữu Anh - Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết: "Nhóm bệnh nhi bị các bệnh về đường tiêu hóa, sốt, viêm phổi tăng nên cùng với việc chăm sóc, điều trị, để đảm bảo cho các trẻ khác không bị lây nhiễm chéo, khoa đã bố trí các phòng riêng biệt dành cho những loại bệnh khác nhau."

Bác sỹ Anh khuyến cáo: Ở thời điểm giao mùa giữa hè và thu, trong một ngày có thể xuất hiện nhiều hình thái thời tiết (sáng se lạnh, trưa nắng gắt và hanh, tối lại mát mẻ) chính là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển.

Để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh cho trẻ, các bậc cha mẹ nên chú ý tăng sức đề kháng cho con. Cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), chia thành nhiều bữa nhỏ và nấu dạng lỏng để trẻ tiêu hóa dễ dàng hơn, nhằm bảo đảm cung cấp đủ năng lượng.

Để phòng lây nhiễm cho trẻ, khoa Nhi BVĐK tỉnh đã bố trí các buồng bệnh riêng biệt dành cho các nhóm bệnh nhân khác nhau

Bên cạnh đó, trẻ cũng cần uống nhiều nước, sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, giữ vệ sinh tay chân, chăm sóc răng miệng sạch sẽ giúp phòng bệnh.

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý tới giấc ngủ của trẻ, một giấc ngủ sâu sẽ khiến trẻ khỏe mạnh hơn, sức đề kháng được cải thiện rõ nét hơn. Đối với những trẻ khi bị ho khò khè hoặc sốt cao, nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ thì dễ dẫn đến viêm phổi. Vì thế, khi phát hiện thấy trẻ có các biểu hiện bất thường như: Ho hoặc sốt cao thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Đối với bệnh do virus rota, thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 3 - 24 tháng tuổi, trong 5 năm đầu đời, phần lớn trẻ nhỏ đều mắc phải bệnh này. Khi trẻ mắc bệnh, thông thường trẻ bị nôn, sau đó khoảng một, hai ngày thì bắt đầu đi ngoài. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước, mất muối nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong, nếu không được bù nước kịp thời. Vì vậy, nếu thấy trẻ bị tiêu chảy, kèm ho, sốt, các phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được điều trị sớm.

Thục Chi - Thanh Loan

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/y-te/giao-mua-tre-nhap-vien-do-viem-phoi-tieu-chay-tang/161181.htm