'Giáo sư' tiếng Mông

Thượng úy Thao Duy Lênh (Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Thanh Hóa) được đồng đội đặt biệt danh là 'giáo sư' tiếng Mông bởi anh có nhiều năm giảng dạy và là tác giả 76 bộ giáo án...

Từ thầy giáo “tay ngang”

Cơ duyên để Thao Duy Lênh trở thành “chuyên gia” ngôn ngữ Mông bắt đầu từ lúc anh trở về công tác tại quê hương Thanh Hóa sau khi tốt nghiệp ĐH Biên phòng năm 2001. Trên địa bàn đóng quân của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo có tới 82% dân số là người dân tộc Mông. Là người Mông, biết tiếng Mông nên người lính trẻ này được cấp trên tin tưởng giao cho chức Đội trưởng Đội vận động quần chúng.

Trong một lần dùng tiếng Mông để khai thác đối tượng phạm tội buôn ma túy, Thao Duy Lênh phát hiện có một nhóm buôn bán ma túy được trang bị vũ khí đang hoạt động trên địa bàn. Tin “nóng” được báo lên cấp trên. Ngay sau đó, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thành lập chuyên án. Thao Duy Lênh được giao chỉ huy tổ phục kích. Đó là một đêm cuối tháng 11.2001. Gió mùa đông bắc thổi ù ù; mưa như trút nước.

Thao Duy Lênh và các đồng đội vẫn bám chốt phục kích, chắc tay súng, dán mắt vào màn đêm, sẵn sàng vây bắt khi đối tượng xuất hiện. “Gần sáng, bóng dáng 4 kẻ tình nghi xuất hiện. Tôi hạ lệnh siết chặt vòng vây. Bốn kẻ buôn bán cái chết trắng tay lăm lăm dao găm, súng ngắn nhưng không kịp trở tay, bị chúng tôi tóm gọn cùng với 40 kg thuốc phiện và 2 bánh heroine”, Thao Duy Lênh nhớ lại.

Sau chiến công này, anh lính trẻ người dân tộc Mông đã vinh dự được bầu chọn là một trong 10 gương mặt điển hình của tuổi trẻ xứ Thanh năm ấy. Từ thành tích đầu đời binh nghiệp, cộng với kinh nghiệm xuống bản vận động bà con, Thao Duy Lênh nhận thấy muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì một trong những phương tiện tối quan trọng là phải biết tiếng của người Mông, do đó anh nghĩ ngay tới việc tổ chức các lớp dạy tiếng Mông cho đồng đội.

Nghĩ là làm, Thao Duy Lênh mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình và được lãnh đạo Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo ủng hộ. Sau 3 tháng, 70% cán bộ, chiến sĩ của đồn đã biết cơ bản về ngôn ngữ giao tiếp trong cộng đồng người dân tộc Mông. Hiệu quả công tác được nâng cao, đặc biệt là trong công tác nắm tình hình và vận động quần chúng.

Bộ GD-ĐT đã phê chuẩn cho phép dùng tập giáo án do Thao Duy Lênh và các cộng sự biên soạn làm tài liệu giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông trên toàn quốc.

Đến giáo trình bài bản

Thành công ban đầu nói trên khiến Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thanh Hóa cho phép mở các lớp dạy tiếng dân tộc Mông cho bộ đội biên phòng, công an, cán bộ công chức một số ngành và 5 huyện biên giới.

Lớp học tiếng Mông đầu tiên được khai giảng, Thao Duy Lênh cùng 2 sĩ quan biên phòng khác được giao đứng lớp, dạy viết chữ, dạy phát âm và ngữ pháp cho 43 học viên. Kết quả thi tốt nghiệp được tổ chức sau đó 3 tháng đem lại cho những người thầy không chuyên như Thao Duy Lênh niềm vui không nhỏ: 76% học viên đạt khá, giỏi.

“Kết quả này vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi vì tiếng Mông là một trong những thứ tiếng khó học nhất. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa, thổi bùng lên trong tôi niềm đam mê được dạy tiếng dân tộc Mông”, Thao Duy Lênh tâm sự.
Tiếng lành đồn xa. UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với bộ đội biên phòng tiếp tục mở các lớp dạy tiếng dân tộc Mông. Thao Duy Lênh được Sở Nội vụ tỉnh mời về làm tổ trưởng tổ biên soạn giáo trình dạy tiếng Mông.

Sau 5 tháng nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu và xin ý kiến của các nhà ngôn ngữ học ở Hà Nội, TP.HCM, Thao Duy Lênh và các cộng sự đã trình làng 76 bộ giáo án hoàn chỉnh về cấu trúc ngữ pháp, từ đơn giản đến phức tạp, có phiên âm La-tinh tiếng Mông Đơ, Mông Lành và Mông Đu. Cũng sau nhiều lần hội thảo giữa Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT, tập giáo án được hoàn chỉnh.

“Bộ GD-ĐT đã phê chuẩn cho phép dùng tập giáo án làm tài liệu giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông trên toàn quốc. Tính đến nay, tôi và các đồng đội đã trực tiếp giảng dạy 6 lớp tiếng dân tộc Mông cho 276 học viên, chủ yếu là cán bộ công chức và lực lượng vũ trang của tỉnh Thanh Hóa”, Thao Duy Lênh hồ hởi cho biết.

Quang Duẩn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/giao-su-tieng-mong-367329.html