Giáo sư, TSKH Tô Ngọc Thanh: Văn hóa chính là con người

Ông có hơn 40 năm lặn lội, nằm vùng ở các tộc người thiểu số, bước chân ông rong ruổi hơn 60 nước trên thế giới và đến bây giờ, ở tuổi 90, Giáo sư Tô Ngọc Thanh vẫn cặm cụi bên bàn làm việc với hàng chồng đề tài khoa học. Giáo sư chia sẻ cùng chúng tôi những trăn trở của ông về văn hóa và ngôn ngữ của các tộc người và nỗi lo văn hóa dân gian chỉ còn là cái bóng của quá khứ. Ông khẳng định, văn hóa chính là con người, lựa chọn văn hóa nào cũng do chính chúng ta.

- Thưa Giáo sư, cả cuộc đời gắn bó và nghiên cứu về văn hóa dân gian, đối với ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?

+ Bà nội và mẹ tôi có kể rằng, hồi bé nếu không hát ru thì tôi không ngủ. Lớn lên tôi ra Hà Nội ở với bố, không ai hát ru cho nữa nhưng tôi nhận ra mình yêu âm nhạc. Sau này tôi học nhạc, chơi với nhiều anh em nghệ sĩ chèo, đi xem hầu đồng, rồi mê đắm văn hóa dân gian. 25 tuổi, tôi vác ba lô lên Tây Bắc đi điền dã, bắt đầu cho hành trình của mình.

Hơn 40 năm sống ở các vùng dân tộc miền núi, tôi đến khoảng 15 tộc người, ở đâu, tộc người nào tôi cũng sống cùng họ, ở cùng họ, nói được ngôn ngữ của họ. Như với người Ba Na, tôi mất 7 năm ở đó, cũng đóng khố cởi trần, ăn ngủ cùng họ. Phương pháp của tôi là insider (người trong cuộc). Khi tôi sang Mỹ tham dự hội nghị, với phương pháp nghiên cứu đó, họ hỏi tôi có biết hai thứ tiếng không. Tất nhiên rồi, vì không có hai thứ tiếng làm sao tôi thành người trong cuộc để có thể hiểu sâu về đời sống của họ được.

Món xôi là một đặc sản thể hiện văn hóa của người Thái.

- Vậy thưa Giáo sư, điều gì ở văn hóa dân gian hấp dẫn ông đến thế?

+ Nước ta có 54 tộc người, chia ra nhiều nhóm ngữ hệ khác nhau, như ngữ hệ Môn Khmer (có tộc người Bana, Êđê), nhóm Việt Mường (Thái, Tày...)... Mỗi ngữ hệ như thế, tôi chọn 1 tộc người điển hình để nghiên cứu. Đầu tiên tôi ở với người Thái 12 năm, tôi rất thông thạo tiếng Thái, vì phương pháp của tôi là người trong cuộc, có lẽ người Thái không hiểu văn hóa của họ bằng tôi. Khi nghiên cứu về người Mông, tôi nói được tiếng Mông, tiếng Dao.... Đến bây giờ, tôi rời hiện trường ấy hơn 20 năm rồi, đã quên vợi đi rồi. Nhưng đó là cả một kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Nó mang vẻ đẹp lấp lánh của những huyền sử, của những biểu tượng.

- Nhưng Giáo sư cho rằng, ngày nay, văn hóa dân gian đang dần mất đi vẻ đẹp lấp lánh của những huyền thoại?

+ Nếu chị đi ngược lên miền núi sẽ không còn cảnh súc vật ở dưới, người ở trên, đường vào ngõ xóm không còn phân trâu bò, nhìn về tiến bộ vật chất, văn minh thì có vẻ phát triển, nhưng đó chỉ là bề ngoài của văn hóa mà thôi, còn bên trong, người Thái có còn là người Thái không, họ có còn diễn đạt bằng ngôn ngữ của họ nữa hay không? Đó là điều cần suy nghĩ.

Tôi lấy một ví dụ, theo phong tục người Thái, khi chào ra về, họ sẽ nói: “Tôi đi trước nhé”. Tôi đi trước khác hẳn tôi về nhé, tạm biệt nhé dù thực ra cũng là về, nói như thế để thấy tôi và các bạn vẫn không rời nhau. Cái hay, cái ý nhị của họ là ở chỗ đó. Bây giờ họ không nói như thế nữa. Họ nói bằng tiếng Kinh. Ngôn ngữ là cách biểu đạt tâm hồn con người nhưng nó đang mất dần. Kiểu nói bằng hình ảnh của người thiểu số, mỗi hình tượng sẽ biểu tượng cho một điều gì đó, nó mang vẻ lấp lánh, bóng bẩy của các huyền tích, điều này bây giờ gần như không còn nữa.

Một ví dụ khác, tôi nghiên cứu về người Thái và hiểu rằng, họ thích ăn cơm nếp vì họ ở thung lũng mà thung lũng chỉ có thể trồng lúa nếp thôi. Giờ họ ăn gạo tẻ rồi, nhưng cơm nếp là 1 đặc sản của họ, phải đồ chứ không nấu. Họ cho nếp vào chõ, đồ xong đổ ra nong được trải bằng lá dong, sau đó lấy que cời ra và quạt cho hết khói, khi nào tay sờ được mới đơm cho vào chõ, nên cơm nếp để đến ngày hôm sau vẫn dẻo. Nó được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Người Thái không đánh trẻ con, không nói nặng với trẻ con. Họ đối xử với trẻ con như một nhân cách, vì thế trẻ con Thái rất ngoan. Ta thì “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, rất khác nhau, đó là văn hóa?

- Hơn 40 năm lăn lộn với các vùng văn hóa ấy, hẳn Giáo sư có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Giáo sư có thể chia sẻ một vài kỷ niệm?

+ Có một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi. Đó là năm 1962, tôi đeo ba lô đi vào một vùng xa của Sơn La để nghiên cứu về người Thái. Tôi đi bộ và leo núi, trời lạnh buốt, ngày xưa cán bộ như tôi có thêm một cái áo là tốt lắm rồi. Chân không có tất. Sốt rét rừng không có thuốc, tôi bị nhiễm sốt rét rừng, sau 1 ngày trèo đèo lội suối, trời chạng vạng tối, tôi ngất xỉu bên bờ suối, tỉnh dậy thấy đang ở nhà một người Thái, được họ thay cho quần áo Thái dệt bằng vải thô rất ấm. Mỗi ngày tôi lên một cơn sốt, cứ thế 4 tháng ròng, hai bố con họ chăm sóc cho tôi. Khi tôi khỏe, ông già ngỏ ý muốn tôi ở lại làm rể. Nhưng tôi là một cán bộ khoa học, tôi không thể ở lại. Tôi hiểu rằng, đó là mong ước muốn đổi đời của họ. Người ta đối xử với tôi như thế, đó cũng chính là văn hóa.

Món xôi ngũ sắc là một đặc sản của người Thái.

- Điều Giáo sư lo ngại chính là sự mất mát của các ngôn ngữ tộc người và đi liền với nó là sự biến mất của văn hóa các tộc người thiểu số? Giáo sư có bi quan quá chăng?

+ Giờ thế hệ trẻ không hiểu dân tộc mình nữa vì họ không suy nghĩ bằng biểu tượng, họ đã đánh rơi mất sự lấp lánh trong ngôn ngữ, suy tư và thực dụng hóa cuộc sống, nó không còn sự trong trẻo hồn nhiên. Tôi ở với đồng bào hơn 40 năm, tôi rất yêu sự trong trẻo và vẻ đẹp của những biểu tượng đó. Họ khác chúng ta vì thế, hai thế giới khác nhau, suy nghĩ, biểu hiện khác nhau.

- Vậy theo Giáo sư, chúng ta phải làm gì?

+ Hãy cứ để họ nói tiếng nói của mình, nó có sẵn rồi, vì ngôn ngữ là cả một kho tàng văn hóa, không có ngôn ngữ là mất tất cả. Bây giờ tính thực dụng của đời sống đang thắng thế, nhưng chúng ta không nên trả giá cuộc sống hiện đại bằng việc đánh đổi cái đẹp đẽ lấy cái thô tục. Không còn cách nói mang tính biểu tượng của những huyền thoại thì giữa các tộc người thiểu số với chúng ta không còn khác nhau và cái gọi là biểu hiện khác nhau của văn hóa cũng không còn nữa, bởi lời ăn tiếng nói là một biểu hiện của văn hóa. Vì thế, ngôn ngữ là điều quan trọng nhất chúng ta cần gìn giữ, đó chính là con người, chính là văn hóa. Chúng ta có 54 tộc người, nhưng đáng buồn thay, khi tôi vào trường dân tộc nội trú, tôi nhìn quần áo của các cháu mặc để chào theo ngôn ngữ của chúng, chúng nó nhìn tôi cười, bảo rằng ông nói tiếng Kinh đi. Có phải tôi là người lạ lùng không? Cứ muốn kéo mọi thứ trở lại không? Hình như tôi có một cõi sống riêng thì phải.

- Vậy theo Giáo sư, trong hành trình phát triển của một dân tộc, một đất nước, điều căn cốt nhất chúng ta cần gìn giữ là gì?

+ Tôi sống gần 1 thế kỷ, chứng kiến nhiều đổi thay, biến thiên của thời cuộc. Tôi là một trí thức có suy nghĩ, có phân tích, đánh giá và phản biện. Tôi nghĩ rằng, văn hóa là một thực thể xã hội, có tính độc lập riêng của nó, không phải cái này thay đổi là lập tức nó thay đổi theo, vì thế nó đọng lại thành truyền thống. Giờ kinh tế thị trường, xã hội hiện đại, để tiện lợi, mọi cái đều thay đổi. Tôi đơn cử văn hóa gia đình, ta luôn quan niệm gia đình là tổ ấm, nơi mọi người chăm sóc, yêu thương nhau. Giờ gia đình lỏng lẻo hơn. Xã hội hôm nay có nhiều bất an, xáo trộn, nhiều tệ nạn xảy ra. Đó chính là ứng xử giữa con người với con người. Đi đâu tôi cũng tìm con người, có nhiều điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng đó là con người, là văn hóa. Dù muốn hay không muốn chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, cuộc sống thay đổi thì văn hóa cũng phải thay đổi, nhưng cái thay đổi đó có hợp lý với cuộc sống không, có phá vỡ các giá trị hay không, đó là lựa chọn của chính chúng ta.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Giáo sư!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/-giao-su-tskh-to-ngoc-thanh-van-hoa-chinh-la-con-nguoi-i642776/