Giao thời nhạc Việt - sóng sau xô sóng trước

Nhiều nhân tố trẻ đang tự tỏa sáng ở thị trường nhạc Việt mà không cần bệ phóng, chiêu trò. Thay vào đó, họ có tài năng, sự sáng tạo và hiểu khán giả muốn gì.

Ở bất kỳ thời điểm và hoàn cảnh nào, chỉ cần là sự thay đổi thì dù lớn hay nhỏ chắc chắn sẽ có xung đột và mâu thuẫn. Âm nhạc cũng nằm trong vòng xoáy đó - vòng xoáy của sự giao thời - khi những cái cũ và cái mới vẫn chưa chịu “hiểu” nhau.

Hãy cùng mở cửa đón nhận những điều mới mẻ

2018 là năm thị trường nhạc Việt trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi có sự ra đời của loạt những bản hit đến từ các gương mặt mới mẻ, điều này thể hiện rõ rệt qua các BXH nhạc Việt. Ví như khi lướt qua BXH #zingchart, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy sự thống trị của nhiều tên tuổi chưa từng ghi dấu trên thị trường.

Nguyễn Trọng Tài là một ví dụ điển hình. Anh được nhiều khán giả biết đến bằng một video ngẫu hứng khi đang ca hát cùng bạn bè trên bàn nhậu. Bản audio chính thức của Hongkong1 nhanh chóng tiến thẳng lên vị trí đầu bảng #zingchart real-time chỉ sau 52 phút ra mắt.

Hay Người Âm Phủ (OSAD) là bài hát bất ngờ nổi lên sau khi được hot girl 7 thứ tiếng Khánh Vy cover. Ca khúc nhanh chóng tiến lên No.1 #zingchart tuần ngay trong tuần đầu tiên.

Hoặc chàng ca sĩ trẻ Đạt G, với bản hit Buồn không em, đạt được lượt nghe ngất ngưỡng trên #zingchart nhưng lại vấp phải loạt tranh cãi, thậm chí là dè bỉu từ dư luận.

Chúng ta có đang quá hà khắc?

Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu rằng những lời phán xét, chê bai về các nghệ sĩ trẻ, các tác phẩm của họ có đang quá hời hợt và gay gắt hay không khi những người trẻ ấy đã gặt hái được vô vàn thành tích khủng trên các kênh nghe nhạc trực tuyến cũng như hội nhóm về giải trí.

Những nghệ sĩ trẻ như Kay Trần, Andiez, Đạt G… không chỉ đơn giản là ca sĩ, là những sắc màu âm nhạc mới của thời đại mà họ còn là những đại diện điển hình cho sở thích, đam mê, thậm chí là “gout” thẩm mĩ của cả một thế hệ những người trẻ hôm nay.

Một lúc nào đó, chúng ta hãy ngồi lại, hãy suy ngẫm, hãy cởi mở và thử một lần lắng nghe những người trẻ ấy đang hát gì, đang làm được những gì, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm một góc nhìn rất khác về họ và các tác phẩm họ thể hiện. Bởi vì khán giả sẽ không ngốc đến mức nghe đi nghe lại một bài hát nếu nó không có gì thú vị.

Ca sĩ Hương Giang Idol từng chia sẻ rằng: “Trước đây Giang không hay nghe nhiều các bài hát trên BXH nhạc Việt, gần đây Giang nghe và Giang nhận ra nhiều bạn trẻ cũng hay và thú vị đấy chứ".

"Mỗi người nghe sẽ có một thị hiếu khác nhau nên chúng ta không thể đánh đồng đâu là hay và dở. Nó có thể dở với chúng ta nhưng nó lại hay với người khác. Nên đừng bao giờ phán xét ai hết kể cả họ là những nghệ sĩ không tên tuổi”.

Tìm câu trả lời từ quy luật phát triển tất yếu của thời đại

Mỗi ca khúc mới ra đời đều gắn liền với một câu chuyện, một ý nghĩa nhất định nào đó, vì vậy chúng không chỉ cần sự đón nhận mà còn cần cả sự thấu hiểu và lắng nghe.

Thế nên khi chúng ta bài xích một nghệ sĩ trẻ, một ca khúc mới thì điều đó không làm chúng ta hay âm nhạc trở nên tốt hơn mà chỉ vô tình đẩy mọi thứ vào ngõ cụt. Và âm nhạc bằng cách nào đó đã bị định kiến, lấy đi sự tự do trong quá trình phát triển.

Bản thân mỗi người đều có sự tự tôn. Nên cũng không dễ để họ đón nhận thứ âm nhạc mới mẻ nào khác, đi ngược lại với sở thích, cá tính của họ. Nhiều người trong số đó còn thẳng thừng bảo họ không thể nghe nổi những bài hát, giai điệu và ca từ đó.

Vì sao? Vì họ là một thế hệ khác, sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh khác, có những sở thích khác, nên họ không thể đi theo “đoàn tàu” của những nghệ sĩ trẻ. Họ đứng đó, ngang hàng nhưng không thể bước lên.

Đừng biến mình thành kẻ cô đơn trên miền đất lạc hậu

Giao thời được hiểu chính xác thời khắc giao nhau giữa cũ và mới, cái mới đến trong lúc những cái cũ vẫn chưa đi. Năm 2018, khi thời khắc giao thời đã đến với những xu hướng âm nhạc cũ và mới đan xen nhau, làm chúng ta loay hoay lựa chọn.

Dĩ nhiên mỗi người với một cá tính riêng, có thể lựa chọn một sở thích, một con đường riêng, những dù thế nào cũng đừng cố gắng phủ nhận hiện thực để rong ruổi một mình trên miền đất lạc hậu.

Nhiều người còn sót lại của thế hệ trước căng mình lên để suy nghĩ, để không bị bỏ lại phía sau. Họ là những nghệ sĩ lớn, đã tiên phong đi đầu trong trào lưu “bình cũ rượu mới” còn chúng ta sao vẫn cố gắng phủ nhận qui luật phát triển của thị trường làm gì?

Nhìn lại thị trường âm nhạc năm qua, những tên tuổi nổi bật có thể nhắc đến vì sự văn minh, luôn biết cách làm mới bản thân để phù hợp với thời đại như Đàm Vĩnh Hưng.

Hay ca sĩ Thanh Hà, Bằng Kiều… không chỉ cho ra đời những tác phẩm cập nhật đúng xu hướng âm nhạc của thị trường mà họ còn thường xuyên có những video cover lại các bài hát mới, được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt.

Những người nhìn thời thế để tồn tại, họ không phải là những kẻ a dua. Họ chỉ đơn giản là những kẻ thức thời trước âm nhạc. Những nghệ sĩ lớn đó mang theo thông điệp mới rằng hãy chơi đi, hãy thay đổi để bắt kịp với âm nhạc. Đừng để mình là kẻ bị bỏ lại phía sau.

Khi thế giới đang đi về phía trước, chúng ta lại chọn cách hoài niệm những cái cũ. Dù chúng ta biết rằng những cái cũ có thể làm mới lại nhưng nó không thể đi xa được. Chỉ có những người đương thời mới biết xã hội cần gì, âm nhạc phải làm sao để phát triển.

Những giá trị cũ là để trân trọng còn những cái mới là để thừa nhận và vun đắp nó. Chúng ta cũng nên cởi mở hơn với âm nhạc và người trẻ. Không phải chính những nghệ sĩ lớn cũng từng là một cô bé, cậu bé chập chững đi hát hay sao?

Sự chuyển mình này của âm nhạc là thuận theo tự nhiên. Chúng ta có cố nắm lại, có cố bảo vệ chính kiến của mình cũng không sao. Quan trọng nhất là âm nhạc có đường đi riêng của nó, mà thường thì âm nhạc không biết chọn sai.

Tóm lại, âm nhạc đối với mỗi người có một ý nghĩa khác nhau. Vậy nên cũng sẽ có những cảm nhận khác nhau xoay quanh giai điệu, nốt nhạc, ca từ… của một bài hát. Với câu chuyện này thật khó để nói ai đúng ai sai, ai nghe nhạc sang và ai nghe nhạc “chợ”.

Như lời của nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ: “Nghệ thuật là cái gì lạ lắm. Mình không thể nào gượng ép được một người phải thích cái này hoặc ghét cái kia. Nghệ thuật là cái thuộc về gu thẩm mỹ riêng của mỗi người”.

2018 là năm bùng nổ của những hiện tượng âm nhạc mới trên BXH #zingchart. Đây cũng là năm bức tranh giao thời của nhạc Việt hiện ra vô cùng rõ nét. Những tác phẩm, những xu hướng âm nhạc mới ra đời, đặt song song cùng những quan điểm, những tác phẩm âm nhạc cũ đã tạo nên một cuộc đối đầu đầy thú vị.

Dù nhiều ca khúc của các nghệ sĩ trẻ đã vấp phải không ít khó khăn từ dư luận nhưng chúng vẫn quật cường và gặt hái được nhiều thành tích tốt. ZMA 2018 với thông điệp #playnow là sự kiện tổng kết lại tình hình phát triển của thị trường âm nhạc trong năm qua, cổ vũ cho những xu hướng âm nhạc mới mẻ, hiện đại, văn minh.

ZMA sẽ giúp khán giả có góc nhìn đúng hơn về những nghệ sĩ trẻ, cũng như mang đến cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về thị trường âm nhạc năm qua.

Thu Thủy

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giao-thoi-nhac-viet-song-sau-xo-song-truoc-post896451.html