Giao thông ảnh hưởng như thế nào đến du lịch nông nghiệp ĐBSCL?

Kết nối giao thông giữa các vùng là một trong những điều kiện thu hút nhà đầu tư về du lịch.

Quang cảnh hội thảo

Sáng 1/10, tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã diễn ra hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL”)” do Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh An Giang và Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt tổ chức.

Thuận lợi và thách thức

Đây là cơ hội cho loại hình du lịch nông nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắt, trong việc khai thác từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh để phát triển trong tình hình mới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, ĐBSCL là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam. Trong những năm qua, nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã đẩy mạnh khai thác các loại hình của du lịch nông nghiệp và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội nhất định. Với ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú của hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mê kông, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo. Tận dụng ưu thế, nhiều địa phương đã triển khai đã triển khai các quy hoạch, chính sách phát triển du lịch theo hướng mới, trong đó, chủ đạo là loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, trải nghiệm cuộc sống trên sông nước bằng ghe, tàu,…

Năm 2017, ngành du lịch nơi đây đã đón tiếp trên 20 triệu lượt khách tăng trung bình 9%/năm. Mặc dù lượng khách đến khu vực có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú tại khu vực rất thấp (hơn 2 triệu khách lưu trú trong tổng số 20 triệu lượt khách.

Tuy nhiên xét về tổng quan, mức tăng trưởng và tốc độ phát triển du lịch của vùng hằng năm còn chậm so với các vùng khác. Phần lớn các sản phẩm du lịch tại vùng chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố tài nguyên sinh thái, tự nhiên, chưa được đầu tư, làm mới theo hướng chuyên nghiệp, sáng tạo dẫn tới sự trùng lặp, đơn điệu về sản phẩm. Sự kết nối giữa du lịch, nông nghiệp và các ngành khác chưa hiệu quả, chưa được khai thác tương xứng với thế mạnh của một trong những vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước. Bên cạnh đó kết nối giao thông, điều kiện hạ tầng cũng còn nhiều hạn chế.

Mô hình cá lóc bay tại Cồn Sơn (TP Cần Thơ)

Giao thông kết nối hạ tầng du lịch nông nghiệp

Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, trong số những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng du lịch khu vực ĐBSCL là do việc thu hút đầu tư phát triển du lịch gắn với chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự kết nối giao thông giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các vùng khác, kết nối khu vực với các trung tâm gửi khách vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử là Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được quy hoạch cho cả vùng nhưng chỉ có 4 kết nối với một số trung tâm du lịch.

Mặc khác, ưu điểm nổi trội của vùng là có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng việc khai thác các tuyến vận chuyển khách đường sông, các điều kiện về hạ tầng, bến khách, phương tiện vận chuyển chưa thực sự hiệu quả để phục vụ cho kết nối trong nội vùng.

Còn tuyến đường nội bộ cũng chưa đáp ứng yêu cầu cho phát triển du lịch, tốc độ lưu thông, thiếu trạm dừng chân, hệ thống thông tin, chỉ dẫn cho du khách đến tham quan du lịch.

Vì vậy để khai thác du lịch nông nghiệp có hiệu quả, Tổng cục Du lịch cho rằng các địa phương trong vùng cần nghiên cứu, định hướng để lựa chọn mô hình du lịch nông nghiệp đặc thù. Đặc biệt, một khi đã xác định được sản phẩm là du lịch nông nghiệp thì bước tiếp theo đó là làm thế nào để đưa khu vực nông thôn đó trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Và vấn đề cần phải giải quyết đó là kết nối hạ tầng giữa các trung tâm gửi khách và các điểm đến, kết nối doanh nghiệp lữ hành và các chủ nông trại

Để làm được điều này, địa phương cần ưu tiên đầu tư hạ tầng cho vùng để nâng cao khả năng thu hút khách du lịch, trong đó có cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đóng vai trò là đầu mối cho toàn vùng. Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ để khai thác du lịch trong vùng đồng thời kết nối với TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hệ thống điện, cấp thoát nước, bãi đổ xe, trung tâm hướng dẫn, trưng bày cung cấp thông tin du lịch, điểm dừng chân,…cũng cần được quan tâm nâng cấp

Lê An

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/giao-thong-anh-huong-nhu-the-nao-den-du-lich-nong-nghiep-dbscl-d273818.html