Giao thông ngày cận Tết: Hà Nội không ùn tắc, thành phố Hồ Chí Minh 'nghẹt thở'

Việc một lượng lớn sinh viên về quê từ trước Tết ông Công, ông Táo nên trong ngày 18-1 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) đã giúp các bến xe, tuyến đường trên địa bàn Thủ đô giảm tải, gần như không xảy ra ùn tắc. Áp lực giao thông chỉ tăng trên các con đường dẫn ra cửa ngõ thành phố, song vẫn trong sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng 'nghẹt thở' diễn ra nhiều nơi, từ các tuyến đường nội đô đến các bến xe, sân bay... Dự báo, sự quá tải này sẽ tiếp tục trong các ngày giáp Tết.

Lượng khách ở Bến xe Giáp Bát ngày 18-1 (24 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) chỉ tương đương các ngày thường. Ảnh: Tuấn Lương

Áp lực giao thông tăng ở các tuyến dẫn ra cửa ngõ Thủ đô

Từ sáng 18-1, nhóm phóng viên Báo Hànôịmới đã có mặt tại nhiều ngả đường, nhà ga, bến xe trên địa bàn Thủ đô để ghi nhận về tình hình giao thông trong những ngày giáp Tết. Tại Bến xe Giáp Bát, trái với tình trạng ken đặc người như thường thấy vào một số dịp cao điểm, cả khu vực bán vé cũng như nơi tập kết xe chờ đến lượt đón khách xuất bến đều khá bình lặng; thậm chí, có những thời điểm, cả dãy quầy bán vé trống khách. Trong khu vực sân bến không có tình cảnh người và hành lý chen chúc lên xe. Mang theo cành đào nhỏ về quê Thanh Hóa đón Tết, em Trần Lan Phương, sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Hầu hết sinh viên đã về quê rải rác từ sau ngày Rằm tháng Chạp đến trước Tết ông Công, ông Táo. Do có chút việc bận nên em về sau các bạn. Rất may là bến xe thông thoáng, mua vé lên xe thuận tiện, dễ dàng”.

Tương tự là Bến xe Mỹ Đình, khi lượng sinh viên chỉ chiếm khoảng 1/10 số hành khách tại bến. Theo ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, hành khách qua bến về quê đông vào ngày 17-1 (tức ngày 23 tháng Chạp). Từ ngày 25 đến 26 tháng Chạp, dự kiến chỉ đông hơn chút so với ngày thường. Tới ngày 27 và 28 tháng Chạp có thể sẽ tăng lên hơn 150% so với ngày thường, dự kiến có hơn 1.100 lượt xe/ngày, chủ yếu là các tuyến đi Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Thọ...

Trong khi đó, nhiều tuyến phố của Thủ đô trong ngày 18-1 đông, nhưng không đến mức ùn tắc. Tuy nhiên, các tuyến đường dẫn ra cửa ngõ thành phố áp lực giao thông tăng cao, đặc biệt là đoạn từ ngã ba Giải Phóng - Vành đai 3 dẫn ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đến chiều 18-1, việc di chuyển trên tuyến đường này vẫn khó khăn, dù lực lượng chức năng đã tăng cường chốt trực hướng dẫn phân luồng giao thông. Anh Nguyễn Trường Anh, quê ở tỉnh Nam Định phản ánh, khi vừa rời ngã ba Giải Phóng - Vành đai 3, các dòng xe đã phải đi chậm kéo dài cho tới khu vực trạm thu phí. Tình hình cũng diễn ra tương tự khi lưu thông đến Cầu Giẽ do lưu lượng phương tiện lớn. Tuy nhiên, không xảy ra tình trạng tắc nghẽn, không thể di chuyển như ngày 24 tháng Chạp một vài năm gần đây.

Theo Thượng úy Nguyễn Việt Anh, Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Hoàng Mai, sức ép giao thông những ngày cuối năm luôn gia tăng ở khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Cùng với nỗ lực phân luồng, hướng dẫn giao thông của lực lượng chức năng, điều cần nhất để giảm áp lực giao thông vẫn là ý thức của người đi đường. Nếu mỗi người điều khiển phương tiện đi đúng làn đường, không chen lấn, xô đẩy thì giao thông sẽ cơ bản thuận lợi.

Thành phố Hồ Chí Minh: “Nghẹt thở” dòng người về quê đón Tết

Hàng dài người dân xếp hàng từ ngoài sảnh vào đến bên trong quầy làm thủ tục tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.

Ghi nhận tại các tuyến đường trung tâm thành phố Hồ Chí Minh những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, từ sáng đến chiều tối, các tuyến đường đều đông đúc và ùn tắc. Vào giờ cao điểm, tại các vòng xuyến hay giao lộ trên các tuyến đường, cửa ngõ thành phố và đặc biệt là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đều kẹt cứng người và xe cộ.

Từ 5h ngày 18-1, tại sảnh đi nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất đã trở nên ngột ngạt. Hàng nghìn người xếp hàng dài từ ngoài sảnh vào đến bên trong quầy làm thủ tục. Trong khi đó, tại khu vực trông giữ xe, hàng người nối tiếp nhau băng cắt ngang qua dòng xe đưa đón để vào khu vực nhà ga. Lực lượng an ninh sân bay rất vất vả để hướng dẫn người đi bộ an toàn. Tại nhà ga quốc tế, tình trạng “một người về nước, cả họ đi đón” vẫn diễn ra như các năm trước. Nhiều gia đình đến từ các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… thuê xe ô tô đưa cả gia đình đến sân bay đón đã làm cho sảnh ga quốc tế ngột ngạt hơn bao giờ hết. Thậm chí, có người còn mang theo cả thức ăn, nước uống, gối kê… để chờ đợi người thân hàng giờ đồng hồ.

Tình trạng “nghẹt thở” cũng diễn ra tại các tuyến đường cửa ngõ như cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. Những hàng dài ô tô, xe máy chen chúc từng mét đường nồng nặc khói bụi, mùi xăng xe. Dự báo, tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới những ngày cận Tết. Nhằm sớm giải tỏa ùn tắc, ngoài thu phí không dừng, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE, đơn vị quản lý và vận hành) phải tiến hành thu phí thủ công (thu tiền mặt), thậm chí nếu kẹt xe nghiêm trọng sẽ tiến hành xả trạm. Còn đối với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, để hướng về các tỉnh miền Tây, trong trường hợp cần thiết cũng sẽ xả trạm để bảo đảm cho người dân lưu thông thuận lợi và an toàn.

(HNM) - Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, ngày 18-1, 30 tổ công tác 141 của Công an thành phố tiếp tục được bố trí chốt trực 24/24 giờ trên khắp các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Công an thành phố đã mở rộng địa bàn, khép kín thời gian hoạt động, bố trí 30 tổ công tác 141 chốt trực 24/24 giờ trực tiếp phòng, chống các loại tội phạm và đua xe trái phép trên địa bàn Thủ đô.

Chu Dũng

Lương - Hiệp - Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/955938/giao-thong-ngay-can-tet-ha-noi-khong-un-tac-thanh-pho-ho-chi-minh-nghet-tho