Giao thông xóa hàng loạt điểm nghẽn phát triển

Hàng loạt các dự án giao thông lớn hoàn thành gần đây đem lại hiệu quả KT-XH to lớn trong việc rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế.

QL1 hoàn thành nâng cấp mở rộng đã giảm thời gian đi lại cho người dân, bảo đảm ATGT, tạo động lực phát triển KT-XH (Trong ảnh: QL1 mở rộng đoạn qua Quảng Bình) - Ảnh: Khánh Linh

Lợi lớn từ dự án giao thông hoàn thành

Nằm vắt vẻo giữa trùng điệp Trường Sơn, cắt ngang dãy Đại Lãnh, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Đèo Cả là một trong những đèo lớn và hiểm trở nhất khu vực miền Trung. Cung đường chỉ dài hơn 20km nhưng là nỗi ám ảnh kinh hoàng với biết bao thế hệ tài xế trên hành trình thiên lý dọc theo chiều dài đất nước, bởi trên tuyến đường này, hàng trăm sinh mạng con người đã bị cướp đi do các vụ TNGT thảm khốc.

Do địa hình ngăn cách, Đèo Cả cũng là điểm nghẽn khiến một địa phương hội tụ đầy tiềm năng, lợi thế như Phú Yên nhiều năm chưa thể phát triển xứng tầm. Chỉ đến khi dự án hầm đường bộ xuyên Đèo Cả được xây dựng và hoàn thành (tháng 8/2017), những lời đồn thổi về cung đường ma ám qua Đèo Cả mới chấm dứt. Đồng thời, công trình này đã mở toang cánh cửa để Phú Yên thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển KT-XH.

"Từ khi QL1 được mở rộng, việc lưu thông rất thuận lợi, an toàn, góp phần giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã quay vòng khai thác được nhiều chuyến xe hơn do thời gian được rút ngắn, cùng với đó doanh nghiệp cũng tiết kiệm được nhiên liệu. Trước đây, xe của doanh nghiệp chạy tuyến này phải mất khoảng 40-52 giờ, nay chỉ mất khoảng 36-40 giờ. Doanh nghiệp vận tải được hưởng lợi rất nhiều từ hạ tầng đường sá khang trang, đồng bộ. "

Ông Vũ Đức Hoàng
Phó giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long

Với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, dài hơn 13km, Đèo Cả là dự án hầm đường bộ có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Từ khi đưa vào khai thác, hầm Đèo Cả đã rút ngắn khoảng cách quãng đường dài 21,4km bằng đường đèo xuống còn 13,19km đi qua hầm, thời gian di chuyển chỉ còn 10 phút so với 45 phút trước đó. Đặc biệt, hầm Đèo Cả giúp nâng cao năng lực vận tải, tạo thuận lợi cho lưu thông, phát triển KT-XH cho cả khu vực Nam Trung bộ.

Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, việc đầu tư hầm Đèo Cả đã giúp Phú Yên tháo “nút thắt” giao thông để kết nối giao thương, tạo điều kiện phát triển kinh tế. “Hầm Đèo Cả đã giải quyết triệt để và xóa bỏ những điểm nguy hiểm ùn tắc giao thông. Hơn thế, dự án còn giúp nâng cao năng lực vận tải, tạo thuận lợi lưu thông giữa miền Trung và khu vực phía Nam, đặc biệt là hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa”, ông Việt đánh giá và cho biết, giao thông thuận tiện đã giúp Phú Yên mở rộng cánh cửa du lịch. Lượng du khách đến với Phú Yên tăng đáng kể. Trong đó, riêng năm 2017, có khoảng 1,4 triệu lượt khách đến với Phú Yên, tăng 19,5% so với cùng kỳ.

Cũng trên dải đất miền Trung, một đại dự án giao thông khác có tổng mức đầu tư trên 34.000 tỷ đồng là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hoàn thành đưa vào khai thác trước 65km đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ từ đầu tháng 8/2017, còn lại hơn 70km đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi sẽ thông xe trong tháng 9 này. Tuyến cao tốc này không chỉ rút ngắn thời gian đi lại, đảm bảo ATGT, mà còn giảm tải cho QL1, tạo cơ hội thu hút đầu tư để phát triển kinh tế cho khu vực các tỉnh miền Trung.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng cho biết, sau khi 65km cao tốc đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ đưa vào khai thác đã rút ngắn 30 - 45 phút hành trình so với lưu thông trên QL1 huyết mạch, giảm hao mòn phương tiện, chi phí nhiên liệu. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam nói: “Khi đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi hoàn thành, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn hơn 1 giờ, so với khoảng hơn 3 giờ khi lưu thông trên tuyến QL1 đoạn từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi”.

Tại khu vực phía Bắc, tháng 9/2017, công trình cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á mang tên Tân Vũ - Lạch Huyện được thông xe, đưa vào khai thác đã chính thức xóa bỏ thế ốc đảo, nối liền huyện đảo Cát Hải với TP Hải Phòng. Dự án hoàn thành, kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL5, QL18, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, CHK Quốc tế Cát Bi và trong tương lai sẽ tạo thành mạng giao thông hoàn chỉnh, phục vụ việc vận tải hàng hóa ra cảng của khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

“Với Hải Phòng nói riêng, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện sẽ kết nối và phát triển kinh tế ven biển của thành phố, góp phần làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cho những dự án nằm trong chương trình phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần giảm chi phí và thời gian đi lại, giảm tai nạn, rủi ro do vận chuyển bằng phà và sà lan, giảm tai nạn và tắc nghẽn giao thông hàng hải tại kênh Nam Triệu hiện nay”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá.

Hàng loạt dự án lớn sắp đưa vào khai thác

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, chỉ tính riêng năm 2017, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng 22 công trình. “Các dự án hoàn thành khi đưa vào khai thác đã góp phần giải quyết nhu cầu vận tải của người dân nơi dự án đi qua, phát triển giao thông liên vùng và hạn chế TNGT trên các tuyến cũ, đồng thời phát triển KT-XH của khu vực”, ông Thành đánh giá và cho biết, theo kế hoạch năm 2018, Bộ GTVT sẽ hoàn thành 35 công trình. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn chuẩn bị đưa vào khai thác như: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2), cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (toàn tuyến), cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông,…

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trong tháng 9 tới, cụm công trình: Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn hoàn thành thông xe, đưa vào khai thác sẽ góp phần rất lớn trong việc kết nối tam giác kinh tế phía Bắc Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. “Khi các công trình này hoàn thành, quãng đường Hà Nội - Hạ Long rút ngắn từ 180km xuống còn 130km, Hải Phòng - Hạ Long còn 25km (hiện nay là 75km), giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Hạ Long từ khoảng 3 giờ xuống còn hơn 1 giờ”, ông Long cho biết.

Liên quan đến hiệu quả của các dự án giao thông đã hoàn thành, theo kết quả tính toán của nghiên cứu “Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động nâng cấp, cải tạo và mở rộng QL1 (đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh) đối với công tác đảm bảo ATGT và chi phí vận tải” của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, QL1 mở rộng giúp các phương tiện lưu thông giảm bình quân 5% chi phí vận tải trên toàn tuyến. Cụ thể, chi phí vận tải cho một chuyến đi đối với xe khách 45 chỗ giảm 7,5%, xe giường nằm giảm trên 8%, xe tải 10 tấn giảm 1,5%, xe tải 18 tấn giảm 3,6%, xe container 20 feet giảm 5,3%, xe container 40 feet giảm 4%.

Ngoài tuyến QL1, nghiên cứu thực hiện trên một số tuyến đường khác như: Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại; QL1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30%; QL14 đoạn Pleiku - Cầu 110 (tỉnh Gia Lai) giảm khoảng 37%… Đó là chưa kể đến các lợi ích khó định lượng được như hiệu quả giảm TNGT, ô nhiễm môi trường.

Đình Quang

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/giao-thong-xoa-hang-loat-diem-nghen-phat-trien-d270050.html