'Giao thừa tuổi trẻ' của chàng phượt thủ đi xe máy xuyên lục địa

Tròn một năm thực hiện chuyến phượt xuyên lục địa, câu chuyện của Trần Đặng Đăng Khoa giờ không chỉ của riêng anh, mà đã trở thành 'biểu tượng' của những người trẻ sống hết mình.

Cái tên Trần Đặng Đăng Khoa đã không còn xa lạ trong lòng giới trẻ yêu thích chủ nghĩa xê dịch. Một năm trước, anh là người tiên phong cho những kẻ mơ mộng muốn làm Phileas Fogg liều lĩnh trong tiểu thuyết 80 ngày vòng quanh thế giới (Jules Verne), hay sống với sự gan dạ, khao khát tự do trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (Mark Twain).

Một năm sau, Khoa khẳng định với những kẻ mơ mộng: “Ai không bao giờ bắt đầu thì sẽ không bao giờ đến đích”, cũng như đập tan suy nghĩ của những người cho rằng "thằng Khoa ước mộng viển vông, để coi nó đi được bao xa rồi lại phải quay về...".

365 ngày rong ruổi khắp thế giới của Trần Đặng Đăng Khoa

Tròn một năm ngày thực hiện chuyến phượt xuyên lục địa cùng "bạn thân" là chiếc xe máy, đến nay, Trần Đặng Đăng Khoa vẫn tiếp tục hành trình của mình trên khắp các con đường.

1/6/2017, Đăng Khoa bắt đầu hành trình khám phá thế giới từ TP.HCM. 1/6/2018, Đăng Khoa đang có mặt tại Nam Mỹ và vẫn trên hành trình chinh phục địa cầu, chinh phục chính bản thân anh cũng như sự chờ đợi, mong mỏi của gia đình, bè bạn tại Việt Nam.

Hành trình của Trần Đặng Đăng Khoa trong một năm qua.

Giao thừa của tuổi trẻ

Giao thừa của tự nhiên là khi Trái Đất đi hết cung đường xoay quanh Mặt Trời, hay khi Mặt Trăng dạo đủ chặng đường hướng về Trái Đất. Giao thừa tự nhiên có ngày cố định.

Nhưng giao thừa của tuổi trẻ là khi nào? Không ngày, không tháng, không năm. Chỉ là khi bạn hoàn thành mục tiêu của thanh xuân, giao thừa sẽ điểm chuông.

Trần Đặng Đăng Khoa - chàng phượt thủ xuyên lục địa bằng xe máy vừa đón giao thừa tuổi trẻ ở tuổi 31.

365 ngày sống trọn vẹn trên 3 châu lục

Một năm dài hay ngắn không phải do sự đong đếm của thời gian mà được tính bởi trải nghiệm đời người. Nếu đúng như vậy, có lẽ Trần Đặng Đăng Khoa đã sống hết cuộc đời của một gã đã quá tứ tuần khi năm vừa qua anh đi hết 33.000 km trên 3 châu lục, qua 30 nước và trải nghiệm mọi địa hình, khí hậu, gặp gỡ bao nền văn hóa khác nhau.

Đăng Khoa đã đi qua 33.000 km, đến với 30 quốc gia và trải nghiệm hầu hết mọi khí hậu, địa hình, chiêm ngưỡng bao kỳ quan thiên nhiên thế giới.

365 ngày của Khoa là cuốn nhật ký mà ai cũng hằng mong được là người tự sự. Trong cuốn nhật ký ấy có "Những ngày nắng đổ lửa ở Bắc Ấn; rồi cái ôm chân tình của bạn bè ở Pakistan; hay lần cố chạy hết ga để theo kịp xe cảnh sát hộ tống qua vùng nguy hiểm ở Iran...

Sau đó là những ngày lênh đênh trên tàu qua biển Đen, đêm say bí tỉ với những người bạn Bulgaria; vài phút sửa xe với mấy anh thợ tay mơ ở Georgia, không sửa được rồi vừa khóc vừa cười; mấy kilomet lết từng mét một để leo qua dãy Alps ở Thụy Sĩ, những đêm chạy xe lạnh thấu xương ở Pháp và Hà Lan, những ngày cô đơn lẻ loi băng ngang sa mạc Atacama ở Chile rồi ngỡ ngàng trước cánh đồng muối ở Uyuni.

Ngày chạy xe băng ngang con đường tử thần ở Bolivia, đắm chìm trong lễ hội Carnival hay đêm giao thừa ấm tình người với anh chị em người Việt ở Peru, những đêm bị muỗi cắn nát người ở Amazon, rồi vô vàn những ngày lạc lối trong dãy Andes xuyên suốt Nam Mỹ cùng vô vàn trải nghiệm không kể xiết...”.

Đăng Khoa đã có những kỷ niệm không thể nào quên với 30 nền văn hóa cùng những ký ức đẹp cùng những người anh gặp trên hành trình.

Những dòng tâm sự của Khoa chạy liền một dải như con đường anh đã đi trên ba châu lục. Đúng như mục đích anh đã đặt ra khi bắt đầu hành trình: "Đi để trải nghiệm văn hóa và con người, quả thực". Chàng trai 8X đã sống trọn vẹn những ngày tháng tuổi 31 ở gần hết mọi ngóc ngách trên Trái Đất này.

Tua lại một năm ấy là những ngày tháng anh ở Nam Mỹ khám phá đất nước tươi đẹp Colombia. Đất nước này - từng mang tiếng là thiên đường của ma túy và tội phạm - lại hiện lên vô cùng thân thiện và tươi đẹp qua “những câu chuyện tào lao” của Khoa.

Colombia hiện lên vô cùng thân thiện và tươi đẹp qua “những câu chuyện tào lao” của Khoa.

Rồi những chặng đường ở Batumi (Georgia), Santiago (Chile), Lima (Peru) rong ruổi trên dải đất Nam Mỹ. Mỗi mảnh đất lại đem đến một câu chuyện cho tuổi trẻ. Có nơi là những bức ảnh bình yên đến lạ như Khoa đang lạc vào chốn thiên đường, nhưng có nơi sẽ phải là cả một câu chuyện dài thuật lại trải nghiệm đích thực của dân phượt đối mặt với nhiều hiểm nguy.

Trên cung đường phượt xuyên lục địa của mình, Đăng Khoa đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc của thiên nhiên thế giới. Một bên là chốn thiên đường an yên ở Bolivia, một bên là chặng đường chinh phục con đường nguy hiểm nhất thế giới - Yungas Road.

Xa hơn nữa là châu Âu, châu Á, nơi Đăng Khoa chưa chia sẻ nhiều những câu chuyện văn hóa nơi đây, nhưng trải nghiệm trong anh chắc chắn vẫn lưu lại trong những trang nhật ký hành trình, và hơn hết là trong tâm trí anh.

Ai không bao giờ bắt đầu thì sẽ không bao giờ đến đích

"Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu đầy táo bạo hoặc không gì cả" - Câu nói đầy ấn tượng của Helen Keller như một lời khuyên đầy ý nghĩa trong quãng đời thanh xuân của mỗi người. Mỗi người chọn cho mình một chuyến phiêu lưu riêng để sống trọn vẹn tuổi trẻ. Phiêu lưu với đam mê và khát vọng. Phiêu lưu với tình yêu và ngàn cung bậc cảm xúc của tình người. Phiêu lưu trong mỗi chuyến du ngoạn thế giới. Ai cũng có một khát vọng phiêu lưu riêng cho mình, đặc biệt là những người trẻ như Đăng Khoa.

Có người sợ phải đánh đổi cho sự “táo bạo” của tuổi trẻ. Nhưng như Khoa nói: “Ai không bao giờ bắt đầu thì sẽ không bao giờ đến đích”.

Chặng đường của Đăng Khoa đi qua đèo Furka, Thụy Sĩ.

Trên hành trình hiện thực giấc mơ, Đăng Khoa dừng chân ở vịnh Kotor, Montenegro.

Với Khoa, anh đánh đổi cho những trải nghiệm, và những dòng chiêm nghiệm gửi tuổi trẻ: “Thế gian này thật rộng lớn và kỳ vĩ nhưng cũng cô đơn và lẻ loi. Vì thế, nếu có điều kiện hãy một lần trong đời bước ra vùng an toàn để nhìn ngắm thế gian ấy, để đi đến những vùng đất lạ và trải nghiệm, và lắng nghe, và nhìn ngắm bằng cả trái tim mình để mai sau dù có thế nào cũng không hối tiếc”.

Hành trình 365 ngày qua là chặng đường hoàn thành giấc mơ của tuổi trẻ đồng thời hiện thực hóa lời hứa với tương lai sẽ không để lại hối hận tiếc nuối cho cuộc đời. Đó cũng là hành trình mà mỗi người trẻ phải tự tìm lấy và bước đi. Có thể không phải là ước mơ du lịch vòng quanh thế giới, nhưng hãy là mộng mơ của riêng cá nhân mình. Để 365 ngày trôi qua hành trình ấy sẽ kết lại bằng giao thừa của tuổi trẻ.

Giao thừa 2019 và ‘điểm đến cuối cùng’

Hành trình của Đăng Khoa chưa kết thúc tại đây. Anh vẫn còn 2-3 châu lục trong kế hoạch khám phá của tuổi trẻ. Đó tiếp tục là một chặng đường dài, nhiều khó khăn, thử thách trên những miền đất mới. Một châu Phi hoang dã nhưng nhiều trở ngại, một châu Úc xinh đẹp nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt và lắm trắc trở.

Giao thừa 2019 sẽ tiếp tục là khoảnh khắc đáng mong chờ không chỉ của riêng Trần Đặng Đăng Khoa mà còn của hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam đang nuôi giấc mộng cho cuộc phiêu lưu táo bạo của riêng mình.

Nhưng chuyến đi của Khoa cũng đem đến cho tuổi trẻ nhiều suy nghĩ về “điểm đến cuối cùng”. Sau hành trình dài 2 năm, anh sẽ trở về Việt Nam gặp lại gia đình, người thân và bạn bè. Quê hương là điểm đến cuối cùng của chàng phượt thủ đã rong ruổi khắp thế giới. Nhưng điều đặc biệt, kỳ lạ thay, “điểm đến cuối cùng” này luôn xuất hiện đôi ba lần xuyên suốt chuyến đi.

Khi Việt Nam đón giao thừa - khoảnh khắc mỗi người con đất An Nam đều cảm thấy chạnh lòng khi ở xa, Đăng Khoa cũng nhớ về Việt Nam. Khi đất nước hòa chung niềm vui và nhịp đập với đội tuyển quốc gia U23 những tháng ngày cuối năm 2017 đầu 2018, Khoa ở phương xa vẫn hướng về Tổ quốc.

Dù ở phương xa trên chặng đường chinh phục giấc mơ tuổi trẻ, Đăng Khoa vẫn luôn hướng về quê hương trong những thời điểm thiêng liêng của Tổ quốc.

Có lẽ “điểm đến cuối cùng” không phải là một dấu “pin” trên bản đồ google đánh dấu bước chân mỗi người đã trở về điểm xuất phát, mà “điểm đến cuối cùng” là mảnh đất ghi dấu trong trái tim mỗi người. Nơi ấy, những người trẻ cất giữ trong tâm để hướng về, để khi mệt mỏi lại ôn lại chút kỉ niệm với nơi ấy, để nó đem đến động lực bước tiếp.

Mỗi bạn trẻ có riêng cho mình một “điểm đến cuối cùng”, để đêm giao thừa tuổi trẻ ngồi lại xem mình đã đi xa nơi ấy mấy dặm và gom được bao nhiêu trải nghiệm cho quãng đời thanh xuân.

Trần Đặng Đăng Khoa có riêng cho anh một giao thừa thật đẹp tuổi 31 và hoàn thành điều anh đã hạnh phúc chia sẻ khi ở tuổi 30 đầy khát vọng: “Tôi may mắn đi được đến cùng nhờ biết cách nuôi dưỡng khát khao và từng bước hiện thực hóa chuyến đi. Với những ai còn đang dang dở, hãy cứ nuôi dưỡng ước mơ ở đó, một lúc nào đó cũng sẽ thực hiện được, như chính tôi cũng từng gác lại chuyến đi rất nhiều lần”.

Khánh Trinh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giao-thua-tuoi-tre-cua-chang-phuot-thu-di-xe-may-xuyen-luc-dia-post847606.html