Giao thương nông sản Việt - Trung: Cần tạo ra hệ sinh thái ngành hàng

Thay vì chỉ là chuyện lỗ - lãi một vài chuyến, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, quan hệ giao thương cần phải được nhìn ở góc độ rộng hơn, cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Tại Hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới” do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức vừa qua, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa XK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Mặc dù trái cây của Việt Nam rất phong phú, đa dạng, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt và được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, song số lượng sản phẩm được XK còn rất hạn chế.

Nguyên nhân được chỉ ra là do các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam XK sang Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ cả về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như về quy cách đóng gói và các chính sách mới của phía Trung Quốc, đặc biệt toàn bộ DN nước ngoài sản xuất thực phẩm XK đi Trung Quốc đều phải đăng ký mã số XK với Hải quan Trung Quốc theo Lệnh 248 và Lệnh 249…

Thống nhất với nhận định năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn hơn so với 2022, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường lưu ý, để duy trì hoạt động giao thương sang Trung Quốc, DN cần tiếp tục thực hiện Lệnh 248, 249, trong đó có hoàn thiện đăng ký bổ sung trước ngày 30/6/2023. Đặc biệt, DN cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) nhấn mạnh Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, khi kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); Yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; Quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư; Yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói…

Lãnh đạo Cục BVTV cũng chỉ rõ những khó khăn của ngành sản xuất trong nước như: Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để XK; Các mặt hàng mới chưa có hồ sơ hoàn thiện và biện pháp kỹ thuật để làm cơ sở đàm phán… Để đáp ứng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc, Cục BVTV đề xuất đưa các vấn đề về đàm phán rào cản kỹ thuật mở cửa thị trường nông sản vào nội dung các cuộc họp cấp cao; Kêu gọi các bên chung tay xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, chuyển từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương và cam kết “Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài”.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng đặc biệt lưu ý, thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

Nhấn mạnh thông điệp “Chính phủ luôn đề cao thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, DN. Để làm được, ông đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước coi đây là những người bạn đồng hành, thay vì là đối tượng quản lý. “DN có bền vững thì đất nước mới bền vững. Thông qua giao thương kinh tế, Việt Nam muốn khẳng định là quốc gia sản xuất có trách nhiệm trên thế giới” - ông chia sẻ. Đồng thời, Bộ trưởng hy vọng Lạng Sơn nói riêng và 63 tỉnh, thành phố cả nước nói chung gắn kết hơn nữa, để đưa giao thương với Trung Quốc gấp 10, gấp 100 lần hiện tại.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giao-thuong-nong-san-viet-trung-can-tao-ra-he-sinh-thai-nganh-hang-post466941.html