Giao tiếp nơi công sở - tránh những hệ lụy khó lường

Dù bạn là sếp hay nhân viên, lời ăn tiếng nói luôn là điều quan trọng khi giao tiếp, ứng xử nơi cơ quan, công sở. Một lời nói khiến người khác bị tổn thương và một lời góp ý chân thành khác hẳn nhau. Khi nói, bạn phải lưu ý để tránh những kết quả đáng tiếc.

Một lối cư xử tôn trọng, lịch sự, không buộc tội, không trách móc, luôn cởi mở, thân thiện và bày tỏ khả năng lắng nghe, thấu hiểu sẽ giúp mối quan hệ công sở được thoải mái, dễ chịu. Ảnh minh họa.

Một lối cư xử tôn trọng, lịch sự, không buộc tội, không trách móc, luôn cởi mở, thân thiện và bày tỏ khả năng lắng nghe, thấu hiểu sẽ giúp mối quan hệ công sở được thoải mái, dễ chịu. Ảnh minh họa.

"Tôi hết ca, không phải việc của tôi!"

Thái độ và trách nhiệm làm việc của bạn thường thể hiện rất nhanh khi phản ứng lại một điều gì đó không vừa ý trong giao tiếp.

"Tôi không làm!"; "Điều này không phải do tôi!" hay "Tôi không biết!" ... đều thể hiện những thái độ bất phục tùng, thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm.

Việc chưa xong của một ngày không thể khép lại với những người có trách nhiệm. Nếu bạn gặp khó khăn, có thể chia sẻ. Nếu bạn không thể giải quyết thì hãy huy động và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người khác. Bạn không thể nói ra thì không ai có thể giúp bạn.

Hơn nữa, những câu trả lời ích kỷ không những làm đồng nghiệp và sếp nổi giận mà còn có thể khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội tiếp theo khi phát triển sự nghiệp của mình, thậm chí bạn sẽ bị sa thải.

Trong khi đó, những người giao tiếp tốt sẽ sẵn sàng chấp nhận sự chỉ trích hoặc xúc phạm vì họ biết mình có thể giải quyết việc đó. Điều này có thể mang lại tác dụng tốt hơn trong việc gắn kết một mối quan hệ.

Có thể công việc được giao chưa từng được đề cập đến trong bảng mô tả công việc của bạn, nhưng nếu đó là việc trong tầm tay để đóng góp cho sự phát triển của công ty thì bạn không nên từ chối.

Nếu chuyện giao việc ngoài chuyên môn có thể khiến bạn gặp khó khăn, bạn có thể trao đổi thẳng thắn về những khó khăn đó để những người có trách nhiệm sẽ giúp bạn tháo gỡ những vướng mắc trên tinh thần xây dựng.

Tránh đàm tiếu và phê bình người khác khi giao tiếp

Một khi bạn nhận ra có những điều không đúng với ý nghĩ của bạn nơi công sở, việc cần thiết là bạn trao đổi thẳng thắn giúp người mà bạn muốn chỉ trích, phê bình sửa chữa.

Rất nhiều cô nàng công sở thích ngồi để "soi" sếp, "soi" đồng nghiệp mà quên đi rằng mình cũng đang có rất nhiều nhiệm vụ phải làm, và việc các bạn làm cũng đang bê bết không kém.

Một cách xây dựng, bạn nên tập trung cùng với đồng nghiệp của mình làm việc chăm chỉ, tập trung vào nhiệm vụ của mình để xây dựng một tập thể vững mạnh.

Việc ngồi soi mói, chỉ trích hoặc "bới lông tìm vết" chỉ khiến bạn mất thời gian và mất thêm nhiều năng lượng quý giá. Chưa kể, bạn phải luôn sống trong sự chỉ trích, ý nghĩ làm thế nào để "vạch mặt" người khác, khiến bạn tổn thương trước tiên.

Thay những câu đối kháng bằng xây dựng hoặc từ chối khéo léo hoặc trì hoãn một chút cũng thể hiện sự điềm đạm, chín chắn của bạn với bất cứ công việc hay vấn đề gì đó.

Ví dụ thay vì bạn nói "Tôi không làm!" thì hãy nghĩ thêm và nói rằng: "Để tôi suy nghĩ thêm!" hoặc "Tôi sẽ giúp bạn ngay khi tôi hoàn thành xong công việc của mình!".

Nếu bạn cố chấp và liên tục nói xấu người khác sẽ tạo ra những ức chế cho đồng nghiệp, sếp hay bất cứ những người nào trở thành đối tượng của bạn nơi công sở.

Điều này có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường, khi một ngày nào đó, những ức chế, hận thù có thể trở thành động cơ để anh ta/cô ta "xử" bạn phía bên ngoài hàng rào công ty.

Đã chấp nhận làm việc trong môi trường công sở, bạn hãy học cách yêu thương, cảm thông và chia sẻ với mọi người. Vì tất cả chúng ta đều là người làm thuê.

Ông chủ sẽ trả tiền cho những việc chúng ta làm. Mục tiêu đi làm của bạn là kiếm tiền thì hãy làm tốt công việc của mình và hơn thế để nhận được những khoản thù lao xứng đáng.

Còn nếu mục tiêu đi làm của bạn là để chỉ trích, soi mói, đàm tiếu, bới móc người khác... Thì bạn đang chọn nhầm chỗ. Dù bạn là "con ông cháu cha" hay là người có năng lực siêu phàm đến mấy thì sự nghiệp của bạn sẽ sớm...đi tong!

Hãy suy nghĩ kỹ trước khi nói, tránh hậu quả của việc "lỡ lời" ảnh hưởng tới sự nghiệp của bạn.

Tuyết Mai

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-tiep-noi-cong-so-tranh-nhung-he-luy-kho-luong-179230430072340639.htm