Giao tiếp với chủ nhà

SGTT.VN - Sự vụng về trong giao tiếp của người giúp việc (quản gia) là nguyên nhân khiến hiểu lầm và gây mất thiện cảm với chủ nhà.

Ảnh: chỉ mang tính minh họa. Sau khi lo cho hai con ngủ, vợ chồng chị Ngân chuẩn bị một đêm lãng mạn với nhạc, nến và hoa để hâm nóng tình yêu. Hai vợ chồng đang bay bổng trong điệu valse nhẹ nhàng, bỗng bị cắt ngang bởi cô bé giúp việc: “Cô chú nhảy đẹp quá!” Vậy là mất hứng. Theo tư vấn của bộ phận đào tạo, công ty chuyên việc Promaids, sự vụng về, thiếu tế nhị của người giúp việc có thể làm cho chủ nhà hiểu sai và gây ra nhiều phiền toái. Một cuộc trao đổi lễ độ, thận trọng được chủ nhà hiểu đúng có thể làm cho người giúp việc được tin tưởng hơn. Về vấn đề xưng hô, nếu quản gia có độ tuổi trên 40, lớn tuổi hơn chủ nhà nên xưng “tôi” và gọi chủ là “cô, chú”. Nếu trong nhà có thêm cha, mẹ của chủ nhà, quản gia có thể gọi: “Thưa ông, bà”. Đối với khách của chủ nhà, tùy độ tuổi của họ mà gọi “ông, bà”, “cô, chú”, tự xưng là “em, cháu, con…” với n gười lớn tuổi. Quản gia nên có giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn, nhã nhặn, sử dụng những câu từ tế nhị, tránh nói trỏng. Biết kiềm chế cảm xúc trong giọng nói để không gắt gỏng. Nói vừa đủ nghe, tránh nói quá to. Khi giao tiếp mặt đối mặt với chủ nhà, không nên vì quá quen thuộc mà quản gia trở nên kém gìn giữ các cử chỉ, thái độ. Tránh những cử chỉ có thể làm cho người khác hiểu lầm. Quản gia nên có ánh nhìn tươi vui, niềm nở. Nên nhìn thẳng với ánh mắt hiền từ, tránh liếc ngang, dọc, nhìn trợn trừng. Có thể nhìn vào chóp cằm hoặc nhìn thẳng vào mặt người đối diện nhưng tránh có ánh nhìn soi mói hoặc thách thức. Giữa quản gia và chủ nhà phải có một khoảng cách nhất định. Nếu quản gia chủ động cần trình bày một vấn đề gì nên giữ khoảng cách trên một mét với chủ nhà. Khoảng cách dưới một mét là sự thân thiện hơi quá mức. Khi chủ nhà cần dặn dò quản gia điều gì, khoảng cách trên không nhất thiết phải đúng quy định. Trao đổi với chủ nhà, quản gia không nên sử dụng quá nhiều cử chỉ của đầu, cổ, đôi vai, bàn tay và mắt. Lưu ý cách nói sao cho chủ nhà và quản gia đều hiểu ý lẫn nhau. Ví dụ, một cái nhíu mày vô tình cũng khiến chủ nhà hiểu lầm quản gia có thái độ phản đối. Nếu chủ nhà gọi khi đang đi, quản gia nên dừng bước và quay mặt về phía người hỏi mà trả lời. Gặp chủ nhà khi đang lên hoặc xuống cầu thang, quản gia nên dừng lại và nhường lối đi bên có tay vịn cầu thang cho chủ nhà. Khi chủ nhà đi ra hoặc trở về nhà, nếu cửa ra vào thuộc loại có lò xo tự động đóng lại, quản gia cần giữ cánh cửa mở rộng, đợi chủ nhà vào hoặc ra hẳn cửa thì mới đóng cửa. Đồng thời, có lời chào hay nụ cười thích hợp. Quản gia phải tôn trọng không gian riêng của chủ nhà, tránh đường đột tự tiện bước vào phòng riêng của chủ nhà. Khi muốn vào phòng riêng của chủ nhà như làm vệ sinh, thu gom áo quần bẩn, quản gia phải gõ cửa, xưng tên và cho biết lý do mình xin vào phòng. Nếu chủ nhà cho phép thì nhẹ nhàng mở cửa bước vào.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/loi-song/128718/giao-tiep-voi-chu-nha.html