Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam: Nhầm lẫn tác giả hay 'đạo văn' bất thành?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường đại học Luật TP.HCM bị 'tố' đã sao chép, copy các tài liệu của các tác giả khác để làm công trình khoa học cho mình.

Theo thông tin PV ghi nhận được, người tố cáo là ông Võ Hồng Tú, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM. Trong đơn, ông Tú tố cáo ông Hùng đã sao chép, copy các tài liệu của các tác giả khác để làm công trình khoa học cho mình.

Trước thông tin nêu trên, PV báo CL&XH đã liên hệ với ông Hùng để làm rõ. Trao đổi với PV, ông Hùng cho rằng bản chất của câu chuyện đã bị “thổi phồng” và không giống như những lời tố cáo.

Đối với quyển sách “Cơ chế giám sát Hiến pháp với việc bảo đảm quyền con người” được viết không chỉ bởi ông mà còn bởi tập thể 3 tác giả. Trong đó, có cử nhân Lưu Đức Quang, dưới sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về quyền con người, quyền công dân (Trường đại học Luật TP.HCM) do NXB Giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm xuất bản vào tháng 5/2012.

Sau khi quyển sách này được xuất bản, nhóm tác giả đã phát hiện nhiều lỗi đáng tiếc về nội dung và kỹ thuật như: không ghi rõ tác giả nào viết chương nào, mục nào và sự phối hợp giữa các tác giả chưa tốt.

Đơn xác nhận sai sót trong giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam

Phần văn bản mà ông Tú cho rằng ông Hùng “đạo văn” do hai tác giả Nguyễn Mạnh Hùng và Lưu Đức Quang biên soạn đã sử dụng lại tư liệu do chính hai tác giả đã viết và các tư liệu do PGS.TS Trương Đắc Linh viết trong 02 cuốn sách “Xây dựng và bảo vệ Hiến pháp - Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam” (nhóm tác giả GS.TS Nguyễn Đăng Dung, PGS.TS Trương Đắc Linh, ThS. Nguyễn Mạnh Hùng, Cử nhân Lưu Đức Quang, ThS. Nguyễn Văn Trí) và cuốn “Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền” (nhóm tác giả GS.TS Nguyễn Đăng Dung, PGS.TS Trương Đắc Linh, ThS. Nguyễn Mạnh Hùng, Cử nhân Lưu Đức Quang) đã xuất bản trước đó nhưng các tác giả đã không trích nguồn đầy đủ”, ông Hùng nói.

Để đảm bảo chất lượng cuốn sách, đồng thời thể hiện tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc, nhóm tác giả đã thống nhất biên soạn lại quyển sách và đề nghị thu hồi quyển sách này. Trên cơ sở đề xuất của nhóm tác giả, Hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM đã ký quyết định số 1303/QĐ-ĐHL ngày 30/7/2012 để thu hồi toàn bộ quyển sách này.

Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã tiến hành thu hồi và tiêu hủy sách (có biên bản thu hồi và tiêu hủy đính kèm), quyển sách này không có in ấn và phát hành bất cứ ở đâu từ 7/2012 đến nay. Nhóm tác giả trong năm 2012 đã bị nhà trường xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và nhóm tác giả đã biên soạn lại quyển sách theo đúng quy định.

Như vậy, quá trình xử lý vụ việc này cho thấy: Không có dấu hiệu “đạo văn” vì không có sự tranh chấp về quyền tác giả, không có tranh chấp giữa người “đạo văn” với người bị “đạo văn”, vì PGS.TS Trương Đắc Linh cũng không có ý kiến gì từ khi xảy ra vụ việc (tháng 7/2012) cho đến ngày PGS.TS Trương Đắc Linh mất - tháng 8/2015.

Mặt khác, khi có đơn đề xuất của nhóm tác giả viết cuốn sách “Cơ chế giám sát Hiến pháp với việc bảo đảm quyền con người”, nhà trường cũng đã xử lý rốt ráo vụ việc này. Cần nói thêm rằng, sự việc này đã xảy ra từ năm 2012, ngay sau khi sách được xuất bản và phát hiện ra các sai phạm, nhà trường đã kiên quyết thu hồi, đồng thời kiểm điểm các cá nhân và đơn vị có trách nhiệm trong vấn đề biên tập sách này. “Một điều kỳ lạ là thời điểm xảy ra sự việc và nhóm tác giả chúng tôi bị kỷ luật, ông Tú cũng chứng kiến. Đã hơn 6 năm trôi qua, thế nhưng hôm nay lại đâm đơn tố cáo”, ông Hùng nói.

Đơn đề nghị xin đính chính nội dung sai sót trong giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam

Đối với quyển sách Giáo trình “Luật Hiến pháp Việt Nam” (Trường đại học Luật TP.HCM) do PGS.TS Vũ Văn Nhiêm là chủ biên; NXB Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam xuất bản năm 2017, ông Hùng cũng cho rằng đây hoàn toàn là lỗi kỹ thuật của các biên tập và không có dấu hiệu “đạo văn”. Ông Hùng dẫn chứng, theo sự phân công của Chủ biên thì ông Hùng phụ trách Chương 2 “Hiến pháp và lịch sử lập hiến Việt Nam”. Cùng viết chương này có Ths. Lưu Đức Quang và Cử nhân Võ Hồng Tú.

Theo phân công, Ths. Lưu Đức Quang viết mục 1 của Chương 2; ông Hùng và ông Tú cùng viết mục 2 Chương 2. Tuy nhiên, khi hết thời hạn được giao thì Ths. Lưu Đức Quang không hoàn thành phân công được giao (chỉ viết được mục 1.3 và 1.4 của Chương 2), đồng thời trả lại cho ông Hùng mục 1.1 và 1.2; ông Tú đồng biên soạn mục 2 cũng chậm tiến độ. Trên cơ sở đó, Chủ biên đã quyết định phân công ông Hùng viết thêm mục 1.1, mục 1.2 và trọn vẹn mục 2 Chương 2.

Sau khi xuất bản, nhóm soạn thảo phát hiện có một số sai sót trong việc biên tập: ông Hùng phụ trách mục 1.1 Chương 2 có in thiếu đồng tác giả là PGS.TS. Trương Đắc Linh; có sự nhầm lẫn về tên tác giả trong mục 1.3 Chương 2 (có 4 trang từ trang 47 đến 49): mục này do Ths. Lưu Đức Quang viết nhưng biên tập nhầm lẫn sang ông Hùng viết.

Trên cơ sở phát hiện sai những sai sót đó, nhóm soạn thảo đã trực tiếp làm việc với Ths. Lưu Đức Quang để trao đổi ý kiến và được sự đồng ý của tác giả, nhóm soạn thảo sẽ chỉnh sửa những sai sót trên trong thời gian gần nhất (có bản xác nhận của Ths. Lưu Đức Quang). Bên cạnh đó, nhóm soạn thảo đã có đơn đề nghị đính chính và đã có bảng đính chính và mục 1.3 của Chương 2, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam đã tiến hành kê khai thanh toán tiền tác giả của giáo trình cho Ths. Lưu Đức Quang.

Như vậy, những sai sót trong Giáo trình “Luật Hiến pháp Việt Nam” chỉ là sai sót về kỹ thuật (việc ghi chép và tổng hợp lại thiếu chính xác giữa Ths. Lưu Đức Quang và ông Hùng). Nói cách khác, mục 1.3 của Chương 2 Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam hoàn toàn do Ths. Lưu Đức Quang viết, chỉ là do lỗi kỹ thuật, nên trong Giáo trình lại thể hiện là của ông Hùng (có minh chứng của bộ phận thư ký và việc trao đổi qua lại bằng email giữa các tác giả trong thời gian viết giáo trình).

Theo conglyxahoi.net.vn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/giao-trinh-luat-hien-phap-viet-nam-nham-lam-tac-gia-hay-dao-van-bat-thanh-51671.htm