Giáo viên 'bật mí' kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp đạt điểm cao

Trong 2 ngày 7 và 8/7, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đây là lứa học trò chịu nhiều tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 khi cả ba năm THPT, các em đều phải học online.

Các giáo viên bộ môn giàu kinh nghiệm đã có những chia sẻ, “mách nước” giúp học sinh bình tĩnh, có chiến lược ôn tập và kỹ năng làm bài đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Lưu ý với thí sinh về kỹ năng làm bài thi môn Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng: Thay vì lo lắng và áp lực, các em cần tích cực rà soát những kiến thức cơ bản trong chương trình Ngữ văn lớp 12, ghi nhớ những giá trị nội dung và nghệ thuật chính của mỗi bài. Tự kiểm tra lại hệ thống kỹ năng đáp ứng từng kiểu loại câu hỏi trong đề thi. Các em nên ôn tập theo các đơn vị kiến thức cơ bản trong mô hình đề thi mấy năm nay với ba phần: Đọc hiểu/viết đoạn văn nghị luận xã hội/viết bài văn nghị luận văn học. Trong đó, ở phần đọc hiểu luôn gồm một ngữ liệu đọc hiểu và 4 câu hỏi đọc hiểu được sắp xếp theo các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng tới vận dụng cao. Các em cần nhận ra những tín hiệu của từng kiểu loại câu hỏi để có phương pháp trả lời phù hợp, tránh trả lời thừa hoặc thiếu.

TS. Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn khuyên các em tích cực rà soát những kiến thức cơ bản trong chương trình Ngữ văn lớp 12.

TS. Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn khuyên các em tích cực rà soát những kiến thức cơ bản trong chương trình Ngữ văn lớp 12.

Phần viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn có nội dung nghị luận quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu, do đó, học sinh cần đặc biệt chú ý đảm bảo hai yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn theo đúng yêu cầu trong câu lệnh của đề bài. Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, đòi hỏi các em dành nhiều nhất thời gian và tâm sức. Các em cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, đặc biệt trong câu lệnh, phác họa sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài. Nếu đoạn văn Nghị luận xã hội cần thể hiện cái tôi bản lĩnh, trung thực thì bài Nghị luận văn học rất cần khả năng cảm nhận tinh tế, sự phân tích sâu sắc và tình cảm chân thành.

TS. Lê Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học công nghiệp Hà Nội cũng chia sẻ với thí sinh cách thức làm bài thi trắc nghiệm môn Toán. Theo đó, sau khi giám thị phát đề thi, thí sinh sẽ có khoảng 5 phút để kiểm tra đề có thiếu sót hoặc thắc mắc gì không. Hãy tranh thủ thời gian này để lướt nhanh qua một lượt đề thi, sau khi đọc lướt một lượt xem phần nào chắc chắn thì làm trước. Đọc thật kĩ yêu cầu của câu hỏi là bước để tránh việc sai những câu đáng tiếc dù bạn đã biết rõ câu trả lời.

TS Lê Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Cũng theo TS Lê Anh Tuấn, với mỗi môn thi trắc nghiệm, số lượng câu hỏi sẽ khác nhau, ví dụ với môn Toán đề thi có 50 câu, nhưng đều tuân thủ theo nguyên tắc sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó theo từng khu vực, chính vì vậy các em cần biết phân bổ thời gian hợp lý cho từng khu vực câu hỏi. Mỗi câu hỏi sẽ có bình quân từ 1,5 đến 2 phút để làm. Tuy nhiên với các câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu, các em cần làm nhanh, chỉ tính ở mức độ vài chục giây một câu, thời gian còn lại các em dồn vào câu mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên môn Tiếng Anh của hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng đã gợi ý cho học sinh những “chiến thuật” làm bài thi hiệu quả. Theo cô Hương, trong những năm thi gần đây, đề thi môn Tiếng Anh thường được giữ nguyên cấu trúc, dạng bài. Các em học sinh hãy nắm chắc cấu trúc đề, ôn thật kĩ từng dạng câu hỏi theo chuyên đề giống với đề minh họa của Bộ GD&ĐT và chú ý độ khó của từng dạng bài. Chẳng hạn ở dạng bài trọng âm, phát âm, các câu hỏi hoàn thành câu thuộc dạng bài ngữ pháp, câu hỏi chức năng giao tiếp, tìm câu đồng nghĩa, sửa lỗi sai… đa phần các câu hỏi đều ở dạng nhận biết - thông hiểu; các câu hỏi khó hơn và mang tính phân loại học sinh nằm ở câu hỏi từ vựng nâng cao, cụm từ, thành ngữ và các câu hỏi mang tính suy luận của dạng bài đọc hiểu, đọc điền.

Thí sinh cần bình tĩnh, tự tin và tham khảo kinh nghiệm để làm bài tốt nhất. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh, giáo viên tổ Khoa học xã hội, Hệ thống Giáo dục HOCMAI lưu ý thí sinh một số điểm cần nhớ khi làm bài Khoa học xã hội. Thí sinh cần phân tích và xử lý nhanh, không nhất thiết phải làm theo trình tự câu hỏi. Câu nào thấy dễ và tự tin thì làm trước, câu khó làm sau song những câu dễ phải làm nhanh và chắc. Bên cạnh đó, cũng cần đọc kỹ yêu cầu của câu hỏi và tìm “từ khóa”, có thể lấy bút chì khoanh tròn “từ khóa” để giải quyết câu hỏi nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm kiến thức. Nếu không nhớ chính xác, có thể sử dụng phương pháp loại trừ. Nếu đến cuối giờ vẫn không tìm được đáp án, cần chọn cách “phỏng đoán” dựa trên cơ sở kiến thức hoặc kinh nghiệm, cố gắng không đoán mò.

Cô Thiều Thị Dung, Tổ khoa học tự nhiên, Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ: Để đạt được kết quả tốt nhất với bài thi Khoa học tự nhiên, thí sinh cần chuẩn bị tâm lí vững vàng, tránh căng thẳng dẫn đến những sai sót không đáng có. Trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần lưu ý đọc kỹ đề vì nếu đọc đề bài một cách sơ sài sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Đặc biệt, do số lượng câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 28-30 câu nên thí sinh cần ưu tiên xử lí nhanh, gọn, chính xác các câu hỏi này trong khoảng 15-20 phút. Sau đó dành khoảng 2 phút tô luôn đáp án toàn bộ các câu hỏi này vào phiếu trả lời. Thời gian còn lại, thí sinh quan sát nhanh các câu cuối, phân loại các câu hỏi có dạng quen thuộc và ưu tiên xử lí trước, câu lạ và khó xử lí sau và hãy dành 5 phút cuối để kiểm tra lại đáp án của toàn bộ đề thi để chắc chắn không bỏ sót hoặc tô nhầm đáp án của câu hỏi nào.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/giao-vien-bat-mi-kinh-nghiem-lam-bai-thi-tot-nghiep-dat-diem-cao-i659300/