Giáo viên bị xử phạt bằng tiền thì không có tính mô phạm trong giáo dục

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng: 'Đối với những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo có thể cho nghỉ việc chứ không thể xử lý bằng hình thức phạt tiền'.

Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục có khả thi. Ảnh internet.

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến xã hội. Theo đó, dự thảo nghị định đã đưa ra nhiều chế tài nhằm ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục.

Đặc biệt, trong dự thảo nghị định có quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo, như hành vi chửi, xúc phạm, đánh học sinh đều được quy định phạt tiền phạt nếu giáo viên vi phạm.

Cụ thể, Điều 32 Dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Bên cạnh đó, giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ 1-6 tháng.

Đối với những quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo, ông Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc ban hành các mức phạt về những hành vi vi phạm hành chính trong giáo dục là cần thiết.

Bộ GD&ĐT chỉ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục nhưng không có chế tài xử phạt, cách xử lý đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục sẽ không có hiệu quả. Do đó, Bộ GD&ĐT cần phải có chế tài cụ thể và quy định rõ lực lượng chức năng nào sẽ thực hiện xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Ông Thi nhấn mạnh: “Trước kia mới chỉ nói giáo viên không được thế này, thế kia nhưng lại không có hình thức xử lý. Đến nay đã có hình thức xử lý đối với những hành vi sai quy định nhưng cũng cần phải có lực lượng thực thi nhiệm vụ xử phạt hành chính. Ví dụ: Hiện nay, chúng ta đã có quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng không ai làm nhiệm vụ xử phạt hành chính đối với những hành vi hút thuốc lá nơi công cộng nên mọi người vẫn vi phạm”.

Theo ông Thi, đối với quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục cũng cần phải có đơn vị thực thi nhiệm và việc thực thi phải có tính khả thi. Bên cạnh đó, hình thức xử phạt như thế nào hợp lý cũng cần phải cân nhắc.

Trước băn khoăn của xã hội, việc giáo viên là nghề đặc thù nhưng khi có những hành vi như đánh học sinh, dạy thêm sai quy định sẽ bị phạt tiền, ông Thi cho biết: Việc Bộ GD&ĐT ban hành quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục với mục đích để nhắc nhở giáo viên thực hiện công việc đúng chức năng, nhiệm vụ không phải để xử phạt.

Khác với quan điểm của ông Thi, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT lại cho rằng, thực hiện phạt tiền giáo viên là không nên. Nếu giáo viên đã vi phạm đạo đức nhà giáo thì chỉ có hai hình thức xử lý, một là cho giáo viên tiếp tục làm việc, hai là cho giáo viên nghỉ việc. Nếu là giáo viên cũng bị đem ra dọa xử phạt hành chính thì không có tính mô phạm trong giáo dục.

Theo ông Vinh, khi Bộ GD&ĐT thực hiện xây dựng quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục cần thống kê lại một năm có bao nhiêu vụ giáo viên có hành vi bạo lực đối với học sinh, trong khi đó, bạo lực giữa học sinh với học sinh đáng lo ngại.

“Đối với giáo viên về cơ bản là làm việc thiện, không muốn đánh học sinh. Tuy nhiên, có những giáo viên không được đào tạo bài bản, trong một phút nóng giận có thể làm việc đó vi phạm đạo đức nhà giáo thì phải xử lý. Nhưng việc xử lý có thể cho giáo viên nghỉ việc chứ không thể bằng hình thức phạt tiền”, ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Vinh cũng cho rằng, hiện nay Bộ GD&ĐT vẫn đang lấy ý kiến xã hội về dự thảo nghị định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục sửa nghị định này.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được ban hành năm 2013. Sau 5 năm, Nghị định đã bộc lộ rõ những bất cập và tình hình thực tiễn có nhiều thay đổi đòi hỏi phải sửa chữa, bổ sung.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cần bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và pháp luật có liên quan, quan sát tình hình thực tế và đặc thù giáo dục, bảo đảm tính khả thi.

Mục đích ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục này để cho các chủ thể liên quan đến giáo dục thấy việc nào không được làm, nếu làm sẽ có nguy cơ bị phạt thế nào để tránh, chứ không chỉ nhằm để phạt nhiều.

Đối với mức phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể người học 20-30 triệu đồng…

Ông Bằng cho rằng, bên cạnh mức xử phạt giáo dục còn có quy định đối với phụ huynh, nếu xúc phạm giáo viên cũng bị xử phạt theo quy định như vậy. Đây là công cụ để cảnh báo, để bảo vệ giáo viên, để không vi phạm nặng hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng, thực tế, giáo viên đi dạy cũng không tránh khỏi việc nổi nóng, quát học sinh… hình thức vi phạm tới mức độ nào, phạt như thế nào đều phải xem xét một cách cụ thể.

Trước đây Nghị định 138 đã nêu rất rõ về xử phạt các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt, nay ban soạn thảo cũng đã cân nhắc rất kỹ, cụ thể hơn, phân biệt rõ hành vi, xúc phạm danh dự nhân phẩm và xâm phạm thân thể. Ví dụ: Người ta nói xúc phạm danh dự, có thể chửi bới, nói to nhưng trong luật không thể quy định cụ thể là chửi được; hay cô giáo véo tai học sinh quy định cụ thể phạt bao nhiêu tiền được?

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giao-vien-bi-xu-phat-bang-tien-thi-khong-co-tinh-mo-pham-trong-giao-duc.aspx