Giáo viên đánh thâm tím tay học sinh lớp 1: Chỉ phê bình có đủ răn đe?

​Giáo viên đánh học sinh tại trường Tiểu học Vũ Vinh (Vũ Thư, Thái Bình) chỉ bị phê bình, nhắc nhở và yêu cầu rút kinh nghiệm.

Theo nguồn tin, cô giáo Phạm Thị Mơ - người đánh học sinh lớp 1 thâm tím tay - chỉ bị nhà trường phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm do gia đình học sinh không có kiện cáo.

Với hình thức kiểm điểm này của trường Tiểu học Vũ Ninh, dư luận lo ngại khi không đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm tương tự.

Chị Đoàn Thị Mến (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: Các cháu lớp 1 còn rất nhỏ nếu giáo viên không mềm mỏng trong dạy bảo, hơi chút là đánh mắng hay cầm thước kè kè bên cạnh thì sẽ tạo tâm lý sợ học cho học sinh.

Hình ảnh vết bị đánh bầm tím trên tay của học sinh được gia đình ghi lại. Ảnh: Lao Động.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thuyên (Quỳnh Phụ, Thái Bình) chia sẻ chị từng là giáo viên nên hiểu thầy cô rất áp lực. Thế nhưng, không phải vì áp lực mà đánh học sinh dã man tới bầm tím, đặc biệt là học sinh tiểu học.

"Tôi kêu gọi phụ huynh có cái nhìn cởi mở hơn với những lỗi nhỏ của giáo viên nhưng cũng cần nghiêm khắc với những người vi phạm như trường hợp này. Bởi những câu chuyện như thế đã xảy ra quá nhiều, chẳng lẽ không có tính giáo dục với chính các giáo viên thì làm sao giáo dục được người khác?", chị Thuyên nói.

Chị Nguyễn Thị Huyền (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ cùng một thời điểm, tình huống nhưng giáo viên trường Tiểu học Kiêu Kỵ, Hà Nội, bị kỷ luật hình thức cảnh cáo, không phân công chủ nhiệm 1 năm, còn giáo viên tại Tiểu học Vũ Vinh, Thái Bình, chỉ bị nhắc nhở.

Hình thức kỷ luật này chưa thực sự nghiêm bởi hiện tượng giáo viên đánh học sinh không còn là chuyện lạ. Rất nhiều giáo viên đã bị kỷ luật thích đáng mà người sau không tự nhìn lại mình, không rút kinh nghiệm thì đáng trách hơn rất nhiều.

Bàn luận về giáo dục bằng đòn roi, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển tiềm năng con người - cho rằng ngày xưa, giáo viên răn đe học sinh bằng roi vọt, quỳ gối, úp mặt vào tường… Đó là những hành động bình thường. Còn bây giờ, xã hội cho rằng đó là động chạm đến tinh thần của đứa trẻ, ảnh hưởng thế hệ tương lai.

"Do vậy, giáo viên cần xử lý học sinh vi phạm kỷ luật bằng những hình thức khác như nhắc nhở, trao đổi với các em, viết thư thông báo cho gia đình, gần gũi, chia sẻ và cảm hóa các em… sẽ tốt hơn", ông Kỳ Anh nói.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giao-vien-danh-tham-tim-tay-hoc-sinh-lop-1-chi-phe-binh-co-du-ran-de-post843467.html