Giáo viên dạy giỏi thật sự phải như thế nào?

Các cuộc thi giáo viên giỏi lâu nay thiên về diễn hơn là dạy. Và sau cuộc thi, tất cả trở về vị trí ban đầu. Như vậy, đánh giá giáo viên giỏi chỉ theo tiêu chí cuộc thi là điều bất ổn

Đã có một thời, danh hiệu giáo viên dạy giỏi được xét khi phải trải qua những cuộc thi rất hoành tráng, rầm rộ do sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tổ chức. Giờ dạy được chuẩn bị hằng tháng. Giáo viên phải dồn hết tâm - trí - lực và huy động các nguồn tư liệu để dạy bài một cách tốt nhất.

Danh hiệu chưa sát thực

Cũng có những nơi xét giáo viên giỏi theo tiêu chí chức vụ: tổ trưởng, tổ phó và các nhóm trưởng luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Đây là sự đặc quyền, đặc lợi theo chức vụ chứ không đúng năng lực thật sự của mỗi giáo viên. Điều này tạo ra sự thiệt thòi cho những giáo viên khác bởi không phải vì họ không giỏi mà là không có cơ hội để khẳng định năng lực của mình.

Việc đánh giá giáo viên dạy giỏi cần thực chất hơn. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Việc đánh giá giáo viên dạy giỏi cần thực chất hơn. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Cũng đã có những nơi dựa trên các tiêu chí theo kiểu hành chính như trễ giờ, số ngày nghỉ, chất lượng giáo án, cách vào điểm hoặc làm công tác chủ nhiệm, công tác kiêm nhiệm để xét giáo viên giỏi mà bỏ quên đi tiêu chí quan trọng nhất là kỹ năng sư phạm, năng lực chuyên môn, chất lượng giờ dạy.

Có lần, tôi được chứng kiến hai cảnh đón tiếp trái ngược của học sinh khi đi gác thi học kỳ. Một phòng thì học sinh hò reo sung sướng và vô cùng phấn khích khi thầy giáo bước vào. Còn một phòng thì các em mặt ỉu xìu, nhăn nhó. Hỏi ra, tôi mới biết thầy được học sinh reo hò vì "coi thi rất tâm lý, hay ngó lơ, bỏ qua khi các em trao đổi; thầy còn tế nhị đi ra ngoài uống nước khi bọn em gặp câu khó". Còn thầy khiến các em ỉu xìu vốn rất nghiêm khắc, khó tính, "thầy coi thi thì chúng em không trao đổi, trợ giúp gì được cho nhau, lớ xớ có khi bị lập biên bản".

Một số tiêu chí

Nên xét giáo viên giỏi dựa vào giờ dạy? Đúng, nhưng không nên theo hình thức "diễn" mà phải thật tự nhiên. Cần phải dự giờ không báo trước ít nhất 3-4 lần đối với một giáo viên trong một năm. Phải dự giờ đột xuất thì mới thấy chất lượng thực, không "diễn", không "giả".

Giáo viên giỏi thì bài nào cũng phải dạy được và giáo án phải nằm trong đầu chứ không phải trong những trang giáo án đọc chép cho học sinh. Những cuộc thi cấp tỉnh, thành phố chỉ nên thực hiện trong những hội thảo về đổi mới phương pháp có tính thử nghiệm. Đã có không ít giáo viên chỉ dạy tốt trong giờ thao giảng còn những giờ khác lại dạy rất bình thường.

Lấy ý kiến của học sinh về giáo viên là một căn cứ rất thực tế đáng tin cậy. Bởi lẽ, học sinh là người làm việc trực tiếp trong một thời gian dài với giáo viên. Thế nhưng, việc này rất cần tế nhị và những câu hỏi phải chuẩn mực về sư phạm; phải loại bỏ được những lý do yêu mến thầy cô không chính đáng từ phía học sinh như thích vì thầy dễ tính, vì hay kể chuyện tiếu lâm, vì cho điểm dễ, vì hiền, vì hay kể chuyện "thâm cung bí sử" của trường…

Nên công bằng với tất cả giáo viên và ai cũng có cơ hội để phấn đấu, không nên mặc định trong xét thi đua phải ưu tiên các cấp quản lý. Tránh tình trạng giáo viên có tâm huyết, có năng lực, dù hoàn thành nhiệm vụ của mình tốt đến đâu cũng khó với tay đến danh hiệu.

Nên lược bỏ bớt khâu kiểm tra sổ sách và sáng kiến kinh nghiệm. Công việc sổ sách chỉ là hình thức, còn sáng kiến kinh nghiệm dễ dẫn đến sự sao chép hoặc có sáng kiến cuối cùng chỉ người viết và người chấm đọc. Nên chăng, danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp thành mới bắt buộc có sáng kiến cần thiết và tương xứng?

Xếp loại thi đua cho giáo viên cần phải công bằng, minh bạch thì mới có tác dụng tích cực. Cũng không nên dựa vào kết quả điểm thi, điểm tổng kết bộ môn lớp mà giáo viên phụ trách để đánh giá xếp loại vì năng lực học tập của mỗi lớp khác nhau, nhất là phụ thuộc vào khối thi mà học sinh đầu tư thời gian, công sức cho môn học của mình. Đó sẽ là mầm mống của bệnh thành tích đáng sợ.

Bỏ phiếu kín bầu giáo viên giỏi

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ thay đổi phương thức công nhận giáo viên dạy giỏi. Theo đó, thay vì phải trải qua một cuộc thi như trước đây, bộ đưa ra phương án khác để xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.

Cụ thể, hội đồng xét công nhận sẽ kiểm tra hồ sơ, minh chứng của giáo viên, nghiên cứu chất lượng đạt được của các hồ sơ và họp lấy ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trường hợp được 2/3 thành viên của hội đồng trở lên nhất trí thì công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi. Bên cạnh đó, còn có quy định dự kiến giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường phải là người "được đồng nghiệp, học sinh và cha mẹ tín nhiệm". Phương thức dự kiến này đang gây tranh luận trong giới giáo viên.

Y.Anh

Hoàng Thị Thu Hiền

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giao-vien-day-gioi-that-su-phai-nhu-the-nao-20190411214741574.htm