Giáo viên đề xuất về dạy học theo sách giáo khoa tiếng Anh lớp 10 mới

Việc giảng dạy theo SGK tiếng Anh lớp 10 mới từ năm học này, nhiều giáo viên ở các trường THPT đã bày tỏ những quan điểm, đề xuất khác nhau.

Bắt đầu từ năm học 2016-2017, Hà Nội sẽ triển khai đại trà bắt buộc tại 100% các trường THPT (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn thành phố với hình thức mỗi trường có ít nhất 2 lớp 10 dạy sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới. Những lớp 10 còn lại tiếp tục dạy học theo SGK hiện hành. Những lớp 11 và 12 phải được tiếp tục dạy học lên theo đúng chương trình SGK.

Ngoài ra, từ năm học 2017-2018, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tại 100% các trường THPT (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn thành phố với hình thức mỗi trường có ít nhất 3 lớp 10 SGK theo chương trình mới. Những lớp 11 và 12 phải được tiếp tục dạy học lên theo đúng chương trình SGK.

Từ năm học 2019-2020, thành phố Hà Nội sẽ triển khai 100% số lớp 10 trong các trường THPT (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn thành phố được học SGK tiếng Anh chương trình mới và học nối tiếp chương trình đến lớp 12.

Xung quanh việc giảng dạy theo SGK tiếng Anh lớp 10 mới từ năm học này, nhiều giáo viên ở các trường THPT đã bày tỏ những quan điểm, đề xuất khác nhau.

Bìa cuốn SGK tiếng Anh lớp 10 mới

Bìa cuốn SGK tiếng Anh lớp 10 mới

Thêm tài liệu tin cậy hướng dẫn giáo viên giảng dạy

Một giáo viên dạy Ngoại ngữ trường THPT Thạch Thất, huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết: Nội dung các bài học trong SGK tiếng Anh lớp 10 mới có kiến thức phong phú, tích hợp nhiều kỹ năng lồng ghép hơn so với SGK cũ.

Nếu áp dụng ngay ở các trường học thuộc các quận, huyện có điều kiện kinh tế phát triển thì có thể được nhưng ở những trường thuộc huyện nghèo thì chưa khả thi vì điều kiện cơ sở vật chất, trình độ của đội ngũ giáo viên chưa thể thực hiện được. Ngoài ra, năng lực học của nhiều học sinh ở ngoại thành Hà Nội cũng không được tốt.

Cô giáo trường THPT Thạch Thất cho biết, các lớp học của cô dạy đa phần học sinh đều học kém về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, môi trường để các em giao tiếp và phát triển ngôn ngữ hầu như không có. Phương tiện hỗ trợ giảng dạy ở trường đều thô sơ, chủ yếu là thông qua đài cassete, trong khi đó tài liệu hướng dẫn giáo viên giảng dạy theo chương trình mới còn sơ sài. Đây là những trở ngại lớn đối với giáo viên khi phải giảng dạy SGK tiếng Anh lớp 10 mới.

Theo cô giáo trường THPT Thạch Thất, Hà Nội, SGK tiếng Anh lớp 10 mới có rất nhiều kiến thức và tương đối khó đối với những học sinh ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, nhiều học sinh có điểm thi môn Ngoại ngữ dưới trung bình nên nếu để các em học SGK tiếng Anh mới thì ngành Giáo dục cần có những tài liệu hướng dẫn giáo viên giảng dạy, học sinh học tập cụ thể theo từng bài học.

Một trong những trang SGK tiếng Anh lớp 10 mới

Nên có nhiều buổi lắng nghe mong muốn, đề xuất của giáo viên

Là giáo viên dạy Ngoại ngữ, trường THPT Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cô Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết, lộ trình giảng dạy tiếng Anh như Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra là hợp lý để các trường học, giáo viên có thời gian chuẩn bị cho việc giảng dạy.

Chương trình giảng dạy tiếng Anh SGK mới, học sinh sẽ học tối thiểu 3 tiết/tuần với đầy đủ 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết theo các chủ đề quen thuộc, gần gũi là định hướng đúng đắn. Các trường có học sinh thiên về các môn khoa học tự nhiên thì có thể học tiếng Anh 3 tiết/tuần. Còn những học sinh theo ban cơ bản và ban D (Toán, Văn, tiếng Anh) thì có thể thêm từ 1 đến 2 tiết tự chọn là học tiếng Anh.

Nếu đổi mới việc học tiếng Anh ở trường THPT thì ngành Giáo dục cũng nên nghiên cứu việc ra đề thi THPT Quốc gia cho phù hợp. Theo đó, đề thi THPT Quốc gia môn tiếng Anh trong những năm tới nên thay đổi để tất cả học sinh đều làm được với mức điểm cao. Ngoài ra, khi xét vào các trường ĐH, Bộ GD-ĐT cũng nên quy định là học sinh phải đạt điểm môn tiếng Anh ở mức nào đó mới được đăng ký vào ĐH thì chắc chắn việc học tập ngoại ngữ sẽ tốt hơn.

Theo cô Thu Cúc, đối tượng học sinh tác động rất lớn tới việc giảng dạy của giáo viên. Nếu học sinh có năng lực học tập tốt thì giáo viên sẽ rất nhàn. Còn những học sinh không thích học ngoại ngữ hay yếu kém trong tập thì giáo viên phải rất vất vả cũng như phải lược bỏ bớt đi một số kiến thức để các em có thể hiểu một phần kiến thức nào đó trong SGK. Ngoài ra, nguồn tư liệu hỗ trợ giáo viên giảng dạy tiếng Anh hiện còn hạn chế nên rất khó khăn trong việc truyền tải chương trình mới tới học sinh.

Cô Nguyễn Thị Kim Cúc đề xuất ngành Giáo dục nên tổ chức nhiều buổi nói chuyện, hội thảo sát thực để giáo viên dạy ngoại ngữ có thể bày tỏ mong muốn, kiến nghị hay cùng trao đổi với các cấp lãnh đạo tìm phương hướng giải quyết sao cho việc giảng dạy tiếng Anh theo SGK mới được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Đổi mới thi cử theo hướng phát huy các kỹ năng

Việc giảng dạy tiếng Anh có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực và sự đầu tư thiết bài giảng sinh động để làm sao học sinh hiểu bài và hứng thú với môn học của giáo viên. Đó là quan điểm của cô Trần Thị Thanh Hương, giáo viên dạy Ngoại ngữ, trường THPT Xuân Đỉnh, huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Cùng với việc đổi mới cách thức giảng dạy của giáo viên thì việc đổi mới thi cử môn Ngoại ngữ nên theo hướng phát huy năng lực của học sinh cũng như cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết chứ không nên thiên về ra đề theo dạng trắc nghiệm và viết. Ngoài ra, ngành giáo dục có thể ra đề thi ngoại ngữ theo cách thức của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức là thí sinh làm bài trên máy tính và biết kết quả luôn.

Nhằm hỗ trợ việc giảng dạy ngoại ngữ có hiệu quả, cô Thanh Hương kiến nghị ngành giáo dục địa phương cần hỗ trợ để sao cho các trường THPT có đầy đủ máy chiếu giúp giáo viên trong trường cùng lúc giảng dạy ở nhiều lớp khác nhau./.

Bích Lan/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giao-vien-de-xuat-ve-day-hoc-theo-sach-giao-khoa-tieng-anh-lop-10-moi-541603.vov