Giáo viên lớp 1 chịu nhiều áp lực khi dạy 2 buổi/ngày

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên áp dụng quy định học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục năm 2018, trong khi điều kiện cơ sở vật chất trường lớp và giáo viên tại thành phố Hồ Chí Minh chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tế, do dân số tăng nhanh. Giáo viên lớp 1 phải tăng tiết và gặp nhiều áp lực.

Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng dân số cơ học cao, học sinh đông, tạo nhiều sức ép lên hệ thống trường lớp và giáo viên.

Tăng thời gian làm việc, chưa tăng thù lao

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết học kỳ I năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26-2, với sự tham gia của đại diện 21 phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện; Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức; đại diện các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.

Đây là năm học đầu tiên, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với lớp 1.

Trong học kỳ I năm học 2020-2021, toàn thành phố tăng thêm 13 trường tiểu học so với năm học 2019-2020. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày tăng từ 73,5% của năm học trước lên 75,8% trong năm học này.

Một trong những vấn đề đáng chú ý trong hội nghị sơ kết này là việc thực hiện yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Báo cáo từ các địa phương và tổng hợp tình hình của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, do tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận, huyện cao, nên số học sinh tăng, gây áp lực lớn về cơ sở vật chất và giáo viên.

Đây là năm đầu tiên, học sinh lớp 1 tại thành phố Hồ Chí Minh học 2 buổi/ngày.

Trên thực tế, đến hết học kỳ I năm học 2020-2021, nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố chưa thể tổ chức cho 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường đang phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trên tinh thần học sinh có nhu cầu, cha mẹ học sinh tự nguyện cho con em tham gia. Hiệu trưởng phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu, bảo đảm công bằng về định mức lao động.

Liên quan đến định mức lao động, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng phản ánh về thực trạng đa số giáo viên tiểu học đều kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác trong trường học, nên vượt quy định về tổng số giờ lao động phụ trội cho phép đối với giáo viên (200 tiết/năm học) mà không có căn cứ thanh toán thù lao.

Hơn nữa, hiện giáo viên lớp 1 dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chưa được nhận khoản hỗ trợ dạy 2 buổi/ngày, mà tính theo định mức số tiết dạy trong ngày. Cụ thể, theo quy định hiện hành, mỗi giáo viên tiểu học sẽ dạy 25 tiết/tuần. Trước đây, giáo viên dạy 5 tiết trong buổi sáng là đủ. Nhưng nếu học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày theo quy định mới, thì buổi sáng không được dạy quá 4 tiết. Như thế, sẽ buộc phải chuyển ít nhất 1 tiết sang buổi chiều. Vậy là dù dạy tối thiểu 5 tiết hay tối đa 7 tiết/ngày theo quy định, giáo viên vẫn phải dạy 2 buổi/ngày ở trường.

Một thực tế khác, theo quy định, học sinh học 2 buổi/ngày thì phải có 1,5 giáo viên/lớp. Nhưng hiện nay, nhiều trường tiểu học tại thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt tỷ lệ này, nên giáo viên phải dạy thêm tiết. Và khi quy định dạy và học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1 là bắt buộc, thì giờ học buổi chiều không được phép thu thêm tiền từ phụ huynh. Nguồn ngân sách cũng chưa có căn cứ chi, nên giáo viên lớp 1 đang chịu thiệt thòi.

Chủ động tìm cách giải quyết

Trong lúc chờ hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, để khắc phục những bất cập này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Sở đang tham mưu UBND thành phố ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên, kinh phí lấy từ ngân sách.

Giáo viên lớp 1 tại thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực vượt nhiều khó khăn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Theo đó, Sở đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cấp bù tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho các trường tiểu học, với hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng chính sách là học sinh tiểu học công lập; tính theo số tháng thực học tại các cơ sở giáo dục (tối đa không quá 9 tháng/năm học).

Mức hỗ trợ được tính bằng mức cấp bù tiền miễn giảm khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học là 70.000 đồng/học sinh/tháng, có điều chỉnh theo mức lương cơ sở hằng năm. Thời gian thực hiện được đề xuất bắt đầu từ năm học 2021-2022.

Cũng tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo người đứng đầu các phòng giáo dục và đào tạo địa phương, người đứng đầu các cơ sở giáo dục tích cực dự báo và quyết liệt tham mưu UBND quận, huyện, thành phố chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với học sinh lớp 1 và lớp 2 cho thời gian tới, đồng thời xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bích Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/992180/giao-vien-lop-1-chiu-nhieu-ap-luc-khi-day-2-buoingay