Giáo viên luôn dành điều tốt đẹp nhất cho học trò vùng cao

Thấy học trò đến lớp đầy đủ, được ăn no, mặc ấm, chăm ngoan học tập... là niềm vui giản dị, là món quà đặc biệt với những giáo viên vùng cao Sơn La. Và hơn cả, ngay trong tâm tư, nguyện vọng, các thầy, cô cũng luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho học trò.

28 năm trong nghề, 5 năm gắn bó với những đứa trẻ ở vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, cô giáo Trần Thị Lan, Trường mầm non Bình Minh Co Mạ vẫn không quên kỷ niệm những ngày đầu tiên tình nguyện ngược núi đến trường.

Các giáo viên rời phố huyện lên vùng cao chăm sóc trẻ mầm non Co Mạ

Đó là con đường dài hơn 40km với không biết bao khúc cua, cheo leo, hiểm trở; những hôm mưa gió, lầy lội, tay lái yếu khiến xe và người đổ, ngã; chưa kể giá rét cắt da, cắt thịt, có hôm lên tới trường mà bàn tay tê cóng không còn cảm giác... Ấy thế mà, mọi thứ không còn là trở ngại khi cô nhìn thấy những đứa trẻ mặc không đủ ấm, ăn chưa đủ no, thiệt thòi, thiếu thốn mọi bề... đang ngóng đợi trên sân trường.

Con đường đến trường của giáo viên Trường mầm non Bình Minh Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La

"Động lực để tôi quyết tâm bám trường, bám bản là nhìn thấy học sinh thân yêu của tôi. Hình ảnh các con khiến tôi thấy chính mình của 40 năm về trước. Nhờ đó tôi có động lực và tự hứa sẽ góp một phần sức lực nhỏ bé với người dân vùng cao cũng như đàn con thân yêu của tôi. Tôi sẽ ở lại mảnh đất này cống hiến cho đến khi tôi nghỉ hưu", cô Trần Thị Lan chia sẻ.

Học sinh Trường mầm non Bình Minh Co Mạ chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú...

Những câu nói ngày một tròn vành rõ chữ và nề nếp học tập của những đứa trẻ dân tộc Mông, Khơ Mú... như minh chứng cho những nỗ lực trong việc dạy dỗ, chăm sóc của giáo viên Trường mầm non Bình Minh Co Mạ.

Nhà trường có gần 600 học sinh tại 11 điểm trường, có điểm lẻ cách trung tâm xã tới 30 cây số; giao thông cách trở, điều kiện sinh hoạt, công tác còn hạn chế... Nhưng, khi được hỏi về những tâm tư, nguyện vọng của mình, các thầy, cô lại gửi gắm mong ước thay cho học trò.

Những bữa cơm nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ mầm non

Cô giáo Cao Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh Co Mạ, huyện Thuận Châu chia sẻ: "Tôi rất mong muốn các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước được duy trì, để 100% trẻ mầm non có cơ hội được đến lớp, để các con được tiếp bước lên các bậc học cao hơn, có tương lai tốt đẹp hơn...".

Thấy học sinh đi học đầy đủ là niềm vui giản dị của các giáo viên Trường PTDT Bán trú - THCS Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La).

Các giáo viên ở Co Mạ - 1 trong 6 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, Sơn La cũng còn nhiều nỗi niềm, trăn trở.

Như tại Trường PTDT Bán trú - THCS Co Mạ, nơi có hơn 630 học sinh, trong đó phần lớn các em xa nhà, xa gia đình, về sinh hoạt tại nhà bán trú và các khu trọ xung quanh trường. Các thầy, cô luôn cố gắng, dành thời gian, sự quan tâm nhiều hơn để truyền dạy kiến thức cũng như kỹ năng sống, giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội, nạn tảo hôn, bỏ bê việc học tập...

Giáo viên dành nhiều thời gian, sự quan tâm, trang bị kiến thức và kỹ năng sống cho học trò.

Chị Cà Thị Quỳnh, giáo viên Trường PTDT Bán trú - THCS Co Mạ tâm sự: "Không cần gì lớn lao, chỉ mong các em đi học đầy đủ là chúng tôi vui lắm rồi. Đây cũng là ngôi trường đầu tiên tôi công tác, nên tôi dành rất nhiều tâm huyết. Tôi sẽ cố gắng truyền sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết của mình để truyền dạy kiến thức cho các em vùng cao...".

Niềm vui giản dị vẫn luôn hiện hữu với mỗi thầy, cô giáo nơi đây. Đặc biệt trong những ngày tháng 11 – tháng tri ân các thầy cô giáo, mỗi góc sân, lớp học đều rộn rã tiếng khèn, tiếng sáo, những điệu múa, lời ca; sắc hoa dong riềng đỏ rực được các cô, cậu học trò cài lên chiếc cặp sách đã ngả vàng vì bụi, vì nắng gió vùng cao...

Quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách nhân văn, nâng bước học sinh tới trường

Em Sùng Thị Táu, học sinh lớp 7A, Trường PTDT Bán trú - THCS Co Mạ chia sẻ: Nhân ngày 20/11, em đi hái hoa rừng để tặng thầy, cô. Em và các bạn lớp 7A đang tập 1 bài hát, 1 tiết mục văn nghệ để gửi tặng các thầy cô nữa.

Những món quà đặc biệt, riêng có và ý nghĩa đã đem lại nhiều cảm xúc, là sợi dây gắn kết thầy – trò nơi rẻo cao này.

Thầy giáo Lê Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng PTDT bán trú - THCS Co Mạ tâm sự: Đối với mỗi thầy, cô giáo, tháng 11 rất nhiều cảm xúc. Liên đội nhà trường đã phát động phong trào trồng hoa, phong trào hoa điểm tốt... Thành tích học tập của học sinh chính là động lực tinh thần để chúng tôi cố gắng hơn. Những năm gần đây các em học sinh cũng biết quan tâm đến thầy cô nhiều hơn. Đôi khi chỉ là một bông hoa rừng mang đến tặng thầy cô, rất giản dị, nhưng thực sự đem lại cảm xúc đặc biệt.

Dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, những giáo viên nơi rẻo cao vẫn đang ngày đêm bám trường, bám bản

Những bông hoa rừng tuy giản dị, nhưng rực sắc màu, ngát hương, nổi bật giữa đại ngàn xanh, là tình cảm trân quý, lòng biết ơn của các thế hệ học trò đã và đang khôn lớn, trưởng thành ở Co Mạ cũng như vùng cao Sơn La. Bởi vậy, dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, thiệt thòi không nói thành lời, những giáo viên nơi rẻo cao vẫn đang ngày đêm bám trường, bám bản, với ước mong giản dị, tựa lời thơ của tác giả Đinh Văn Nhã: “có một nghề không trồng cây vào đất; mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi”.

Thu Thùy, Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-vien-luon-danh-dieu-tot-dep-nhat-cho-hoc-tro-vung-cao-post1059643.vov