Giáo viên mầm non - Khi hạnh phúc dệt bằng yêu thương

LTS: Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 26 năm 2023 do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức nhằm tôn vinh 50 nhà giáo, gồm: Cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác ở tất cả bậc học trên địa bàn thành phố.

Đây là các cá nhân tiên phong trong đổi mới phương pháp, có nhiều đóng góp cho ngành GD-ĐT, được đồng nghiệp tín nhiệm, phụ huynh và học sinh tin yêu. Qua 26 mùa trao giải, giải thưởng đã tiếp nối truyền thống “tôn sư trọng đạo”, kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2023).

Cô Tống Thị Hải Yến, Trường Mầm non Hoàng Anh, huyện Bình Chánh, kể chuyện cho học sinh. Ảnh: CAO THĂNG

8 giáo viên và 2 cán bộ quản lý ở bậc mầm non được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay tuy có điều kiện công tác khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở tinh thần chịu thương chịu khó. Với tấm lòng của người mẹ, các cô không chỉ dạy dỗ về kỹ năng, kiến thức mà còn gieo trồng hạt mầm nhân cách, giúp trẻ có những nấc thang phát triển đầu đời.

Tình yêu không tuổi

Chúng tôi đến Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1) vào một ngày giữa tháng 11. Tại lớp nhà trẻ 24-36 tháng, tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa, trẻ lại í ới gọi cô giáo. Nhìn hình ảnh cô vỗ về học sinh, đôi bàn tay thoăn thoắt buộc tóc cho bạn này, chỉnh quần áo cho bạn kia, không ai nghĩ cô đã ngoài 50 tuổi. Đó là cô Đoàn Lý Mỹ Em, Tổ trưởng chuyên môn Khối Nhà trẻ, Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1), cũng là giáo viên có tuổi đời lớn nhất trong số 8 giáo viên mầm non được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay.

Cô Đoàn Lý Mỹ Em, giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1) với học sinh. Ảnh: CAO THĂNG

Trải qua hành trình 33 năm đứng lớp, cô Mỹ Em luôn giữ được sự tươi trẻ. Lớp học của cô lúc nào cũng rộn ràng những câu chuyện kể cùng tiếng cười giòn tan của học trò. Cô cho biết, động lực giúp cô giữ được ngọn lửa yêu nghề là nhờ mỗi ngày được nhìn thấy những ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên của trẻ. “Với tôi, nghề giáo mang lại sự bình an về tinh thần. Những lúc mệt mỏi, tôi tự động viên mình cố gắng. Sự trưởng thành của các con chính là động lực giúp tôi muốn làm thêm nhiều việc nữa”, cô Mỹ Em tâm sự.

Sau nhiều năm đứng lớp, món quà tinh thần lớn nhất cô nhận được là sự kính trọng, yêu thương của phụ huynh và học sinh. Có người, con đã ra trường cách đây hàng chục năm nhưng mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vẫn nhắn tin chúc mừng cô. Có học trò cũ, nay đã là sinh viên đại học hoặc thành đạt trong các lĩnh vực xã hội vẫn quay về trường mầm non thăm hỏi sức khỏe cô giáo cũ. Bí quyết giúp cô Mỹ Em “đóng dấu” yêu thương trong lòng học sinh và phụ huynh là nhờ sự thân thiện, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi.

Xây dựng kỹ năng đầu đời cho trẻ

Là giáo viên có tuổi đời trẻ nhất trong số các giáo viên mầm non được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, niềm vui khi làm nghề đối với cô Tống Thị Hải Yến, giáo viên Trường Mầm non Hoàng Anh (huyện Bình Chánh) là được nhìn thấy sự trưởng thành của học sinh. Cô giáo trẻ cho biết, trẻ ở độ tuổi 3-4, kỹ năng vận động và khả năng tự phục vụ chưa hoàn thiện. Vì vậy, cô dành nhiều thời gian hướng dẫn trẻ một số kỹ năng cơ bản như tự múc ăn, biết dọn bàn, kê ghế, thu dọn tô chén sau khi ăn…

Ngoài ra, để học sinh phát triển các kỹ năng vận động, cô tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học, giúp trẻ có cơ hội hòa mình với thiên nhiên, rèn luyện kỹ năng thông qua các hoạt động vui chơi phù hợp độ tuổi. Mỗi ngày đến lớp, nhìn các con thành thục hơn nhiều kỹ năng, cô giáo trẻ cảm thấy vui và tự hào - niềm hạnh phúc của người tạo dựng những viên gạch nhân cách đầu tiên trong cuộc đời trẻ.

Cô Tống Thị Hải Yến, Trường Mầm non Hoàng Anh, huyện Bình Chánh, dạy học sinh hát

Cô Hải Yến bày tỏ, cô yêu những giờ kể chuyện trên lớp, được hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau, hoặc nắm bàn tay nhỏ bé của học trò, cùng ngân nga những bài hát yêu thích. Sợi dây gắn kết vô hình với trẻ giúp cô giáo cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mỗi ngày lên lớp. Cô luôn tâm niệm, chỉ khi đối xử với trẻ như con ruột ở nhà, từng lời nói, cử chỉ đều xuất phát từ lòng yêu thương thì người thầy mới làm tốt trách nhiệm của mình. Ngoài công tác chuyên môn, sau các giờ dạy trên lớp, cô tranh thủ thời gian nghỉ trưa hoặc buổi chiều sau khi học sinh được ba mẹ đón về hết, để cặm cụi chuẩn bị giáo án, hỗ trợ đồng nghiệp trong trường.

Tạo dựng niềm tin cho phụ huynh

Cô Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành phố (quận 3), là 1 trong 2 cán bộ quản lý mầm non được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Với kinh nghiệm 7 năm làm giáo viên, 22 năm trong vai trò cán bộ quản lý, cô cho biết, giáo dục mầm non không nhằm tạo ra những đứa trẻ thiên tài mà chú trọng sự yêu thích của trẻ khi đến trường, giúp trẻ được trang bị kỹ năng và kiến thức để tiếp tục việc học ở các bậc cao hơn. Do đó, cán bộ quản lý phải là người truyền lửa, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy hết năng lực của mình.

“Cái khó nhất của người “thuyền trưởng” là đảm bảo sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, tạo dựng được niềm tin ở giáo viên. Ngoài ra, hiệu trưởng phải gần gũi, biết cách lắng nghe để kịp thời tháo gỡ tâm tư, tình cảm của đội ngũ”, cô Yến Hằng bày tỏ.

Cô Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành phố (quận 3), hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị công nghệ

Một ngày làm việc của cô hiệu trưởng bắt đầu từ giờ đón trẻ vào mỗi buổi sáng, sau đó tiếp nối các hoạt động đi thăm lớp, kiểm tra cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho trẻ, dự giờ giáo viên tổ chức hoạt động ở lớp, trao đổi rút kinh nghiệm trong ban giám hiệu, tham gia các hoạt động chuyên môn, làm hồ sơ, sổ sách. Mỗi buổi chiều, cô luôn là người rời khỏi trường trễ nhất. Nhiều năm trở lại đây, Trường Mầm non Thành phố được tin tưởng lựa chọn là đơn vị đón các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Để lan tỏa việc đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường luôn trao quyền chủ động, sáng tạo cho giáo viên. Ban giám hiệu chỉ là người “đẩy thuyền” các ý tưởng. Nhờ vậy, ngôi trường ngày càng khẳng định được tên tuổi, giúp phụ huynh an tâm gửi con.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giao-vien-mam-non-khi-hanh-phuc-det-bang-yeu-thuong-post713850.html