Giáo viên mầm non vùng sâu chủ động nâng chuẩn trình độ

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 với rất nhiều quy định mới, trong đó có việc nâng chuẩn trình độ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Tuy vậy, đây không phải là trở ngại quá lớn của ngành giáo dục khi trong thời gian qua các giáo viên trên địa bàn tỉnh vẫn luôn chủ động nâng cao kiến thức.

Được nhà trường tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, ngoài 2 buổi tham gia lớp liên thông tại Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước (nay là Cao đẳng Bình Phước), cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Trường mầm non Bông Sen, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập còn chủ động nâng cao trình độ, kiến thức thông qua việc tự rèn luyện và các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Ban giám hiệu trường. Tuy nhiên, cô cũng không tránh khỏi những trăn trở trong quá trình nâng chuẩn trình độ: “Khi tham gia học, tôi gặp nhiều khó khăn như học phí cao và khoảng cách đi lại xa, chỉ tham gia học được các ngày nghỉ trong tuần. Bên cạnh đó, tôi còn lo lắng khi học xong có tiếp tục được làm việc tại trường nữa không vì là hợp đồng thời vụ”.

Trường mầm non Bông Sen hiện có 25 giáo viên, 36% trong số này đạt chuẩn cao đẳng, 28% đại học, còn lại có trình độ trung cấp đang học nâng chuẩn lên cao đẳng. Không dừng lại ở mức đạt chuẩn, được sự động viên, tạo điều kiện của Ban giám hiệu trường, các giáo viên vẫn chủ động nâng cao kiến thức với quyết tâm đến năm 2025, 100% giáo viên trong trường sẽ đạt trình độ đại học. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm cho giáo viên học hỏi thêm.

Cô Bùi Thị Thịnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Bông Sen chia sẻ: “Yêu cầu nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non là rất hợp lý và cần thiết. Giáo viên mầm non có tính đặc thù, đặc trưng, đặc biệt hơn các cấp còn lại, bởi mỗi giáo viên có đến 2 nhiệm vụ là dạy và nuôi trẻ. Vì vậy, trong suốt thời gian nâng chuẩn cho giáo viên mầm non từ trung cấp lên đại học đủ để họ trải nghiệm về cuộc sống, chín chắn và chững chạc hơn, để làm tốt hơn công việc nuôi dạy trẻ”.

Một tiết học của cô và trò Trường mầm non Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập

Sớm chủ động trong việc nâng cao kiến thức, trình độ cho giáo viên, đến nay Trường mầm non Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập có 84,6% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Trong đó 51,6% giáo viên trình độ đại học. Theo đánh giá của Ban giám hiệu trường, dù không được hỗ trợ về kinh phí học tập nhưng tinh thần chủ động của các giáo viên rất cao. Số giáo viên chưa đạt chuẩn hiện tại đến năm 2021 sẽ hoàn thành, sớm hơn lộ trình nâng chuẩn theo Nghị định số 71 của Chính phủ.

Thầy Lê Văn Công, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập cho biết: Khi tham gia các khóa học nâng chuẩn trình độ, giáo viên phải tự túc về mặt kinh phí. Bởi để tham gia các lớp được Nhà nước cử đi phải chia theo từng đợt, từng năm rất mất thời gian, kéo theo tiến độ nâng chuẩn cũng chậm. Vì vậy, đa số giáo viên mầm non chủ động trong việc khắc phục khó khăn, tham gia các khóa bồi dưỡng trình độ nâng chuẩn cao đẳng sư phạm.

Huyện Bù Gia Mập hiện có 10 cơ sở mầm non với 213 giáo viên. Trong đó, số giáo viên đạt và trên chuẩn chiếm 76,8%. Giáo viên chưa đạt chuẩn đang theo học liên thông ở các cơ sở giáo dục, dự kiến đến hết năm 2021 sẽ hoàn thành. Liên quan đến vấn đề Luật Giáo dục năm 2019 thì lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non từ ngày 1-7-2020 đến hết ngày 31-12-2030, quan điểm của đa số giáo viên mầm non cho rằng đây là thời gian rất dài và thực tế số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn hiện nay cũng không phải quá lớn nên các giáo viên cũng không gặp nhiều khó khăn trong việc nâng chuẩn trình độ.

Kim Yến - Như Nam

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/giao-vien-mam-non-vung-sau-chu-dong-nang-chuan-trinh-do-72915